Doanh nghiệp Việt hứng khởi … nửa vời?

16/03/2016 09:34 AM | Kinh tế vĩ mô

Gần 70% doanh nghiệp biết và hứng khởi khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Lạc quan về tinh thần nhưng sự hứng khởi đó sẽ qua đi rất nhanh nếu chỉ là “hiểu, biết lơ mơ”…

Thực tế này được bà Nguyễn Thị Thu Trang – Phó trưởng ban Pháp chế (VCCI) đưa ra tại tọa đàm TPP – Cơ hội, thách thức và nhu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình thực thi, diễn ra sáng 15/3.

Một khảo sát mới đây của Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, có tới 70% doanh nghiệp (DN) được hỏi biết về TPP và số này đang tăng lên. “Tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam ủng hộ TPP cũng cao, thậm chí còn cao hơn cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ các nước TPP hoặc ngoài TPP. Về tinh thần các DN đang rất lạc quan và hứng khởi với TPP” – bà Trang cho biết.

Nhưng điều khiến Phó trưởng ban Pháp chế lo ngại, là sự hứng khởi này sẽ qua đi rất nhanh nếu DN chỉ “hiểu lớt phớt về TPP, biết về TPP thông qua các phương tiện thông tin đại chúng”.

“Gần 70% DN biết về TPP nhưng 70% trong số đó lại chỉ biết sơ qua, chỉ nghe nói và nắm bắt thông tin qua báo chí. Mức độ ủng hộ TPP là rất lớn nhưng mới chỉ dừng lại ở độ hứng khởi, hơn là sẵn sàng. Như thế DN sẽ rất khó chớp được cơ hội từ TPP đem lại” – Phó trưởng ban Pháp chế VCCI tỏ ra lo lắng.

Bà Trang tiếp lời, “đang có xu hướng DN cho rằng, không cần chuẩn bị gì vì giống những FTA trước đây, DN không làm gì cũng sống. Nhưng TPP lại là FTA hoàn toàn khác, nếu không làm gì DN sẽ không thể tồn tại được”.

Nối tiếp suy nghĩ này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng, thực chất sự ủng hộ của DN với TPP là sự hứng khởi, mà sự hứng khởi đúng là sẽ qua rất nhanh, trong khi những khó khăn nội tại của DN chưa được giải quyết. Bà Lan cũng đề cập đến những yếu tố nội tại của nền kinh tế trước ngưỡng cửa TPP, đặc biệt là vấn đề thể chế và sức cạnh tranh.

“Mười đồng lợi nhuận làm ra mà tới 4 đồng nộp thuế, rồi thêm phần dành cho chi phí bôi trơn thì lợi nhuận thực mà DN có được chẳng còn lại là bao nhiêu, tạo thành gánh nặng lớn cho DN” – vị chuyên gia này bày tỏ.

Từ góc độ DN, ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam dẫn thực tế tréo ngoe mà DN dệt may gặp phải để thấy rằng chính sách đang cản trở DN ra sao. Một DN dệt may muốn nhập máy in về phục vụ cho sản xuất nhưng 6 tháng rồi vẫn chưa xong khâu thủ tục. Hỏi vướng ở đâu thì được biết theo quy định, chủ DN phải có trình độ từ Cao đẳng trở lên ở ngành in mới được phép nhập khẩu máy móc.

“Chính sách theo kiểu … trên trời như vậy hỏi sao DN có thể cạnh tranh được. Khi TPP mở ra thì DN nắm chắc phần thua nếu không có sự thay đổi rõ rệt về thể chế” – ông Cẩm buồn rầu.

Đi thẳng vào vấn đề, bà Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng, cần một sự cởi mở trong việc xây dựng chính sách của Nhà nước để chính sách minh bạch và chia sẻ hơn với DN và cần một sự thực tâm để phối hợp và hướng dẫn những khung khổ pháp luật cho DN biết để thực thi.

Theo Trường Giang

Cùng chuyên mục
XEM