Cấm xe máy trên một số tuyến đường, được không?

26/09/2011 15:44 PM |

Tổng thiệt hại các mặt (tiêu thụ nhiên liệu nhiều, gây tai nạn, gây kẹt xe…) do xe máy gây ra khoảng 1,07 tỉ USD/năm, chiếm 11,2% GDP của TP.HCM.

Chính phủ vừa chỉ đạo TP.HCM và Hà Nội lập ngay phương án thí điểm hạn chế hoặc cấm lưu thông trong thời gian thích hợp đối với xe môtô, gắn máy trên một số tuyến đường để giảm ùn tắc giao thông…

Ùn tắc, kẹt xe là điều cả người dân lẫn chính quyền đều bức xúc, nhưng đang có những quan điểm trái ngược nhau về giải pháp này. Chúng tôi ghi lại ý kiến của những người trong cuộc và các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông.

Ủng hộ hoàn toàn

Theo TS Phạm Xuân Mai, trường đại học Bách khoa TP.HCM, việc gia tăng các phương tiện cá nhân (đặc biệt xe gắn máy) khiến TP.HCM ngày càng vấp nhiều khó khăn. Ông Mai phân tích: “Tổng thiệt hại các mặt (tiêu thụ nhiên liệu nhiều, gây tai nạn, gây kẹt xe…) do xe máy gây ra khoảng 1,07 tỉ USD/năm, chiếm 11,2% GDP của TP.HCM... Do đó, việc giảm xe cá nhân là để tăng chất lượng cuộc sống của người dân TP.HCM”.

Vị tiến sĩ này cho biết thêm, trước đây ông đã từng góp ý thành phố nên áp dụng các giải pháp hạn chế xe cá nhân (chỉ còn khoảng 50%) theo lộ trình và khu vực khác nhau, kết hợp tăng cường giao thông công cộng mới mong cải thiện được tình hình giao thông ở TP.HCM.

“Do vậy, tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương hạn chế, cấm xe gắn máy ở một số tuyến đường dù bây giờ mới làm là đã chậm”, TS Mai nói.

Theo TS Mai, trước mắt thành phố nên chọn những tuyến đường một chiều thuộc khu vực trung tâm quận 1, quận 3 để thí điểm cấm, hạn chế xe gắn máy. Và để làm được việc này, thành phố phải tiến hành xây dựng các bãi giữ xe gắn máy ở những điểm đầu và điểm cuối của các trục đường xe buýt chạy qua theo trục An Sương – Bến Thành hay Thủ Đức – Bến Thành.

Ông Lê Toàn, phó giám đốc sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, việc hạn chế xe cá nhân là việc làm cần thiết và TP.HCM đã chủ trương từ lâu. Tuy nhiên, ông Toàn nói: “Quan điểm của tôi, trước khi cấm xe máy, cần phải có sự phân tích, cơ sở nghiên cứu, đánh giá mặt lợi mặt hại theo phương pháp xã hội học và cân nhắc kỹ trước khi có phương án cụ thể”.

Không khả thi!

Trong khi đó, TS Nguyễn Hữu Nguyên, trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam (SVEC) thì khẳng định, trong tình hình hiện nay cũng như một vài năm tới chuyện cấm xe máy trên một số tuyến đường ở TP.HCM là không khả thi. Ông nói: “Nếu chúng ta cương quyết thực hiện sẽ dễ làm rối loạn đời sống kinh tế, xã hội của thành phố mà ùn tắc giao thông vẫn không được giải quyết”.

Theo TS Nguyên, nếu bây giờ hay năm sau thành phố hạn chế xe máy trên một số tuyến đường thì phương tiện thay thế phải là phương tiện giao thông công cộng, bao gồm đường sắt đô thị, xe điện mặt đất, xe buýt. Trong tình hình hiện nay, chắc chắn chỉ là xe buýt vì các phương tiện cộng cộng kia không biết ngày nào đưa vào sử dụng.

Xe buýt, theo TS Nguyên, được TP.HCM kỳ vọng rất cao, đầu tư rất mạnh nhưng qua thời gian đã chứng minh loại hình này chưa phát huy hiệu quả: “TP.HCM không có quy hoạch khu chức năng, trong khi đặc thù của thành phố là nhiều khu dân cư trong hẻm nhỏ, cộng với hoạt động “kinh tế vỉa hè” và “kinh tế mặt tiền” nên người dân không sử dụng xe máy là không được”.

Theo TS Nguyên, còn một nguyên nhân nữa là các tuyến thường xuyên bị ùn tắc ở TP.HCM là các tuyến đường huyết mạch như Điện Biên Phủ, Cách Mạng Tháng Tám, Nam Kỳ Khởi Nghĩa… chắc chắn không thể cấm được, còn các tuyến không quan trọng, ít ùn tắc thì có cấm hay không cũng không thay đổi gì nhiều. Nguy hiểm hơn, nếu cấm xe máy ở những tuyến đường “sang trọng” dễ dẫn đến việc nhà nhà mua ôtô. Khi đó, trong nhà chỉ cần một người có việc đi ra ngoài là phải sử dụng ôtô – và như thế ùn tắc chưa chắc đã giảm, không chừng lại tăng lên.

Ủng hộ quan điểm này, ông Đặng Văn Khoa, nguyên đại biểu HĐND TP.HCM cho rằng, xe gắn máy là phương tiện mưu sinh thân thiết, không thể thiếu của hàng triệu người dân thành phố. ông Khoa nói: “Việc hạn chế, cấm xe máy đối với một đô thị lớn như TP.HCM là một vấn đề lớn, nhạy cảm nên không thể vội vàng mà cần phải nghiên cứu thấu đáo để đưa ra giải pháp và những bước đi thích hợp, không gây “sốc” cho dân, nhất là người có thu nhập thấp”.

Theo Đào Lê – Từ An

SGTT

thanhhuong

Cùng chuyên mục
XEM