Vì đâu vừa mới đi vào khai thác, doanh nghiệp quản lý đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã có khoản lỗ lũy kế 160 tỷ đồng?

19/06/2022 19:04 PM | Kinh doanh

Phần lớn khoản lỗ này phát sinh trước thời điểm dự án Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động. Trong năm đầu tiên khai thác, Hanoi Metro cũng chỉ có hơn 1 tháng bán vé trong khi các chi phí phát sinh cả năm.

Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) vừa công bố báo cáo tài chính năm 2021. Theo đó, đây là năm đầu tiên doanh nghiệp quản lý hệ thống đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội ghi nhận doanh thu sau khi tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông chính thức vận hành.

Năm 2021, đơn vị này đạt doanh thu 5,3 tỷ đồng. Đáng chú ý, với giá vốn hàng bán lên tới gần 60 tỷ đồng cộng với chi phí quản lý doanh nghiệp khiến Hanoi Metro lỗ ròng 63,7 tỉ đồng trong năm ngoái. Trước đó năm 2020, công ty báo lỗ 22,7 tỷ đồng khi chưa vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

 Vì đâu vừa mới đi vào khai thác, doanh nghiệp quản lý đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã có khoản lỗ lũy kế 160 tỷ đồng?  - Ảnh 1.

Từ khi hoạt động vào tháng 6/2015 đến hết năm 2021, Hanoi Metro lỗ lũy kế tổng cộng 160 tỷ đồng. Như vậy lỗ từ năm 2020 trở về trước - khoảng thời gian chưa vận hành thương mại tàu - vào khoảng 100 tỷ đồng. Giai đoạn này doanh thu bằng 0 trong khi công ty vẫn phải duy trì đội ngũ đội ngũ nhân viên do đó việc ghi nhận kết quả âm là bình thường.

Dự án hoạt động chính thức từ 6/11/2021, song có 15 ngày miễn phí đầu tiên cho người dân trải nghiệm. Có nghĩa trong năm tài chính 2021, Hanoi Metro ghi nhận doanh thu từ việc bán vé tàu điện chỉ trong khoảng hơn 1 tháng cuối năm, từ 21/11 đến 31/12/2021. Trong khi đó các chi phí vẫn phát sinh cả năm, đặc biệt là nhiều khoản chi phí liên quan đến việc đưa vào khai thác, vận hành dẫn đến mức lỗ 2021 cao hơn nhiều các năm trước.

Mặt khác, đơn vị kiểm toán chỉ ra Hanoi Metro chưa chính thức được UBND TP. Hà Nội bàn giao tài sản từ dự án ga đường sắt đô thị Hà Nội số 2A , tuyến Cát Linh - Hà Đông do đó chi phí khấu hao tương ứng chưa được tính cho kết quả kinh doanh năm 2021. Mặt khác, công ty chưa xây dựng được đơn giá đặt hàng dịch vụ thực hiện và được UBND TP. Hà Nội phê duyệt, ký hợp đồng. Do vậy chưa thể xác định được ảnh hưởng của vấn đề này đến báo cáo tài chính năm 2021.

Về phía Hanoi Metro, Ban Tổng giám đốc doanh nghiệp này lý giải kết quả kinh doanh bị tác động bởi Covid-19 nhưng không thể ước tính được một cách hợp lý các ảnh hưởng đến báo cáo tài chính.

Năm 2022, Hanoi Metro đặt mục tiêu doanh thu 476 tỷ đồng, cao gấp gần 90 lần so với cùng kỳ, mục tiêu lợi nhuận trước thuế hơn 17 tỷ đồng và nếu hoàn thành sẽ là năm đầu tiên đơn vị này ghi nhận lãi.

Trong đó, riêng mục tiêu doanh thu vận tải hành khách công cộng bằng đường sắt là 76,1 tỷ đồng, tương ứng gần 16% tổng doanh thu. Sản lượng hành khách trong năm dự kiến đạt 7,94 triệu hành khách, với lượt tàu chở khách là 82.495 lượt.

Hanoi Metro cho biết sẽ tiếp tục triển khai đầu tư Dự án ĐSĐT 2A Cát Linh - Hà Đông và đầu tư mới Dự án ĐSĐT số 3 Nhổn - Ga Hà Nội trong năm 2022.

 Vì đâu vừa mới đi vào khai thác, doanh nghiệp quản lý đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã có khoản lỗ lũy kế 160 tỷ đồng?  - Ảnh 2.

Đi vào vận hành từ tháng 11/2021, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (tuyến 2A) dài 13km, có tổng mức đầu tư ban đầu năm 2008 là 8.769 tỷ đồng (tương đương 552,8 triệu USD). Đến năm 2016, tổng vốn đầu tư tăng lên 18.000 tỷ đồng (khoảng 868 triệu USD). Dự án sử dụng vốn vay của chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước và là tổ hợp đường sắt đô thị đầu tiên tại Hà Nội.

Công ty TNHH MTV đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) là đơn vị quản lý đoàn tàu chạy tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông. Hanoi Metro chính thức hoạt động từ tháng 6/2015 do Nhà nước nắm giữ 100% vốn.

Nhuận Hoa

Cùng chuyên mục
XEM