Vì đâu Vinamilk chi nghìn tỷ mua VietSugar?

29/11/2017 14:36 PM | Kinh doanh

Mặc dù có vốn điều lệ chỉ vỏn vẹn 42 tỷ đồng trước khi Vinamilk tham gia nhưng công suất của Đường Khánh Hòa đã đạt 10.000 tấn mía/ngày và 1.000 tấn đường thô/ngày. Với giá mua 127.878 đồng/cp, Vinamilk định giá DN này lên tới hơn 1.500 tỷ đồng.

Cuối tháng 10/2017, CTCP Sữa Việt Nam (mã VNM-HoSE) đã tiết lộ kế hoạch tham gia vào ngành đường thông qua quyết định đầu tư nắm giữ 65% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Đường Khánh Hòa (KSC).

Chỉ sau hơn 1 tháng, vào ngày 28/11 vừa qua, lễ ra mắt CTCP Đường Việt Nam, tên gọi mới của Đường Khánh Hòa, đã chính thức được tổ chức. Thông tin từ Người lao động cho biết giá trị thương vụ này trên dưới 1.000 tỷ đồng.

Sau lần tăng vốn mới đây vào ngày 22/11, vốn điều lệ của Đường Khánh Hòa đã nâng lên gấp 3 lần từ 42,1 tỷ đồng lên 120,3 tỷ đồng. Với tỷ lệ sở hữu 65%, Vinamilk đang sở hữu gần 7,82 triệu cổ phiếu với giá mua bình quân lên tới 127.878 đồng/cp. Điều này cũng đồng nghĩa Vinamilk đang định giá doanh nghiệp ngành đường này tại mức 1.538 tỷ đồng.

Bước sang lĩnh vực đường, theo chia sẻ của Tổng giám đốc Mai Kiều Liên, là điều Vinamilk vốn rất muốn nhưng nay mới tham gia được vì đường là nguyên liệu cho sản xuất tại doanh nghiệp này.

Đường Việt Nam tiền thân là nhà máy mía đường Khánh Hòa được thành lập ngày 31/7/1995. Công ty chính thức đổi sang hình thức cổ phần từ năm 2007. Trước thời điểm có sự tham gia của Vinamilk, Đường Khánh Hòa là một doanh nghiệp tư nhân, không có vốn Nhà nước. Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Đỗ Thành Liêm cũng là cổ đông từng sở hữu tới 62,1% vốn điều lệ của doanh nghiệp này.

Công suất sản xuất của Đường Khánh Hòa hiện đạt 10.000 tấn mía/ngày, luyện độc lập đường thô 1.500 tấn/ngày. Mức công suất này cao hơn nhiều so với nhà máy của Mía đường Hoàng Anh Gia Lai (7.000 tấn mía cây/ngày) và tương đương hơn 83% công suất sản suất 12.000 tấn mía/ngày của Nhà máy Đường An Khê thuộc CTCP Đường Quảng Ngãi.

Mục tiêu thời gian tới của Đường Việt Nam (Đường Khánh Hòa đổi tên) là sẽ đầu tư mở rộng công suất lên 15.000 tấn mía/ngày; luyện độc lập đường thô 2.000 tấn/ngày.

Chưa rõ quy mô vùng nguyên liệu của Đường Việt Nam. Trụ sở của Đường Việt Nam được đặt tại thôn Thúy Xương, xã Suối Hiệp, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa. Công ty nằm ngay sát Quốc lộ 1A, đồng thời cũng nằm trong khu vực có nhiều nhà máy lớn khác như Nhà máy nước giải khát Lipovitan của Taisho Việt Nam, Nhà máy bia San Miguel Việt Nam.


CTCP Đường Việt Nam nằm sát Quốc lộ 1A

CTCP Đường Việt Nam nằm sát Quốc lộ 1A

Quyết định thực hiện chiến lược đầu tư vào công ty sản xuất đầu vào cho chính mình được Vinamilk đưa ra trong bối cảnh cuộc chơi trong ngành đường có nhiều sự thay đổi.

Trước đó, trung tuần tháng 5/2017, Thành Thành Công cho biết đã chính thức mua lại 99,987% Công ty Mía đường HAGL với giá tổng cộng 1.330 tỷ đồng thông qua CTCP Đường Biên Hòa (BHS) và CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (SBT). Đây đồng thời cũng là hai công ty lớn nhất ngành đường. BHS và SBT đến nay cũng đã chính thức "về một nhà" với tên gọi mới vừa được công bố là CTCP Mía đường Thành Thành Công - Biên Hòa.

Ngoài ra, bản thân ngành đường cũng đang chuẩn bị bước vào cột mốc quan trọng khi thỏa thuận của hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có thể đưa đường là mặt hàng không phải chịu thuế nhập khẩu trong khu vực (thuế suất 0%) vào năm 2018. Hạn ngạch cũng sẽ chính thức xóa bỏ trong đầu năm sau. Điều này đã khiến không ít doanh nghiệp ngành đường lo lắng, Hiệp hội mía đường Việt Nam cũng đang vận động đưa mặt hàng đường vào danh sách danh mục hàng hóa nhập khẩu áp thuế suất 5% sau năm 2018.

Theo Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM