Vị đắng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ lộ rõ vào năm 2019

10/10/2018 14:22 PM | Xã hội

Chiến tranh thương mại sẽ gây những tổn thất nặng nề tới tăng trưởng của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trong năm 2019 dù nó bùng nổ từ 2018.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm 9/10 đã cắt giảm dự báo tăng trưởng với cả nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc. Lý do đằng sau quyết định này của IMF chính là cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, vốn đang khiến nhiều người lo ngại. Khi cuộc chiến chưa tìm thấy hồi kết, người ta càng bi quan hơn về những diễn biến của căng thẳng thương mại giữa Bắc Kinh và Washington, đe dọa gây ảnh hưởng tới nhiều nền kinh tế khác.

"Khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đối đầu lẫn nhau, mọi bên đều sẽ gánh chịu những tổn hại", Maurice Obstfeld, nhà kinh tế trưởng của IMF, cho biết trong cuộc họp báo về Triển vọng kinh tế thế giới mới nhất của quỹ.

Kinh tế Mỹ, dù đang trong đà tăng trưởng, cũng sẽ phải chịu những tác động của cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Theo IMF, kỳ vọng tăng trưởng của Mỹ sẽ chậm lại ở mức 2,5% so với 2,9% như hiện nay. 0,2 điểm % đã bị IMF cắt giảm khỏi dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ.

Hiện tại, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang áp thuế khoảng một nửa số hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Ông Trump tiếp tục đe dọa sẽ đánh thuế tất cả hàng hóa nhập khẩu từ nền kinh tế thứ 2 thế giới. Đáp lại, Bắc Kinh đánh thuế lượng hàng hóa hơn 110 tỷ USD nhập khẩu từ Mỹ.

Động thái này cũng không làm cho Trung Quốc hạn chế được thiệt hại. Theo IMF dự báo, tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 6,2% trong năm 2019 so với mức 6,6% như hiện nay. Dự báo mới nhất cũng thấp hơn 0,2 điểm % so với dự báo trước đó của IMF, phản ánh những tác động của cuộc chiến thương mại.

Thương mại toàn cầu cũng ở trong tình trạng tương tự.

"Căng thẳng thương mại leo thang cùng sự bất ổn của các chính sách có liên quan sẽ làm ảnh hưởng tới tâm lý kinh doanh và thị trường tài chính, gây ra những biến động tài chính, kéo theo sự tăng trưởng chậm của đầu tư và thương mại", IMF nhấn mạnh.

IMF cũng kêu gọi các chính phủ hành động ngay lập tức nhằm tạo ra sự chuẩn bị cho những biến động sắp tới. Thậm chí, các nước cần có những quy định chặt chẽ và phù hợp hơn để ngăn cuộc khủng hoảng tài chính 2008 trở lại.

Tuy bản báo cáo nên ra nhiều lo ngại nhưng IMF vẫn khẳng định hệ thống ngân hàng an toàn hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Dẫu vậy, không thể phủ nhận những rủi ro mới có thể tạo ra những tác động nghiêm trọng. Ngoài căng thẳng thương mại, việc Brexit trở nên khó khăn cũng đe dọa gây ảnh hưởng xấu tới tâm lý thị trường.

Theo Linh Anh

Cùng chuyên mục
XEM