Vị bác sĩ 3 lần nói ‘không dám đâu ạ’ và hàng nghìn ca mổ kỳ diệu: Không đào tạo được BS giỏi hơn mình, không khác gì tội bất hiếu!

28/06/2020 13:21 PM | Sống

Nếu tôi không tạo điều kiện cũng như tạo áp lực cho các em đi tiếp con đường và vượt hơn mình thì là đó là lỗi của tôi. Lúc đó, có thể coi là tôi có tội với thế hệ sau cũng như có tội với các bệnh ...

Đầu tháng 11/2019, Trung tâm Tim mạch trẻ em - Bệnh viện Nhi Trung ương cứu sống một bé sơ sinh quốc tịch Lào được đưa sang cấp cứu vì mắc chứng chuyển gốc động mạch, một dạng bệnh tim bẩm sinh rất phức tạp. Đó cũng là ca chuyển gốc động mạch thứ 500 của Trung tâm Tim mạch trẻ em, do Giám đốc Trung tâm, Bác sĩ Nguyễn Lý Thịnh Trường trực tiếp cầm dao mổ. Với ca mổ này, Bệnh viện Nhi Trung ương trở thành cơ sở y tế đứng đầu về số ca thành công trong phẫu thuật chuyển gốc động mạch tại khu vực Đông Nam Á.

Thành tựu của Trung tâm Tim mạch trẻ em - Bệnh viện Nhi Trung ương có một phần đóng góp của bác sĩ Trường. Ít ai biết rằng, từ năm 2016 khi anh trở thành lãnh đạo Trung tâm, số ca phẫu thuật tim tăng hơn 2 lần, từ khoảng 500 ca mổ/năm lên 1.453 ca năm 2009. Hơn 30% số ca đó, BS Nguyễn Lý Thịnh Trường trực tiếp cầm dao mổ. Có ca bệnh anh cùng các y bác sĩ đã thực hiện liền 36 tiếng đồng hồ không ăn không ngủ! Báo chí gọi BS Trường là "Người hồi sinh những trái tim cho trẻ nhỏ", nhưng anh lại không nhận danh xưng này…

Cuộc trò chuyện dưới đây cho thấy chân dung một vị bác sĩ sống rất giản dị, thật tâm, là một trong những tiêu biểu cho "tấm lòng vàng" của những người khoác áo blouse trắng

Ngọc Minh: GS Đặng Hanh Đệ - người học trò xuất sắc của GS Tôn Thất Tùng, thầy của anh, từng kể: Anh là một trong những học trò ông rất quý mến và từng trực tiếp viết thư giới thiệu đến Bệnh viện Bạch Mai làm việc. Cơ hội làm việc tại một bệnh viện hàng đầu cả nước là ao ước của rất nhiều bác sĩ trẻ mới ra trường nhưng sau đó anh lại quyết định rời đi để chọn bến đỗ mới. Có vẻ như sự nghiệp của anh ngay từ đầu vốn đã không đi theo con đường bình thường?

TS.BS Nguyễn Lý Thịnh Trường: Tôi xuất thân từ một gia đình nông dân, họ hàng không có ai theo ngành y. Nhưng tôi lại may mắn được các thầy, các đàn anh đi trước thương và quý mình giúp đỡ. Tôi nhớ PGS Nguyễn Hữu Ước là người thầy đã trực tiếp giới thiệu tôi tới Viện Tim mạch Quốc gia - Bệnh viện Bạch Mai để học việc, và GS Đặng Hanh Đệ đã nhiều lần trực tiếp hỏi thăm ban lãnh đạo bệnh viện Bạch Mai để giúp tôi có thể được nhận việc tại đó.

Gần 3 năm học việc tại Bệnh viện Bạch Mai, nhưng tôi chưa đủ nhân duyên để ở đó làm việc. Đến khi tiếp tục có may mắn để có vị trí ổn định theo đúng chuyên ngành mà mình yêu thích, một sự thay đổi lớn trong định hướng nghề nghiệp đến, và tôi đã quyết định rời đi.

Tôi ngẫm thấy tôi rất may mắn, và cuộc đời con người thì nhiều khi là nghề nghiệp chọn mình. Như người ta vẫn nói, việc gì cũng có hai mặt, cơ hội sự nghiệp cũng vậy. Nếu năm đó, Bệnh viện Bạch Mai nhận tôi vào làm việc thì chưa chắc tôi đã được sống trọn vẹn với lĩnh vực phẫu thuật tim cho trẻ em như ngày hôm nay.

 Vị bác sĩ 3 lần nói ‘không dám đâu ạ’ và hàng nghìn ca mổ kỳ diệu: Không đào tạo được BS giỏi hơn mình, không khác gì tội bất hiếu! - Ảnh 1.

Ngọc Minh: Anh theo đuổi ngành mổ tim người lớn khi mới vào nghề nhưng lại quyết định chuyển sang mổ tim cho trẻ em. "Nhân duyên" gì (từ "nhân duyên" tôi thấy anh dùng ở trên) đã đưa anh đến sự thay đổi này?

TS.BS Nguyễn Lý Thịnh Trường: Không hiểu tại sao chuyên ngành phẫu thuật tim lại có sức hút "lạ kỳ" với tôi đến vậy. Ngay từ trong trường y tôi đã thích và xác định sẽ đi theo chuyên ngành về phẫu thuật tim mạch. Thời đó, ý thích của tôi rất sơ khai. Tôi không biết làm bác sĩ phẫu thuật tim sẽ phải làm những cái gì, chỉ thấy các thầy các anh thật là "thần tượng".

Trong suốt thời gian tôi học tại Đại học Y Hà Nội và thực tập tại Bệnh viện Việt Đức (bệnh viện có chuyên khoa mổ tim lớn tại miền Bắc tại thời điểm đó – PV) trên 90% các ca mổ tim tôi biết và được tham dự là người lớn, và tôi không biết là có sự tồn tại của chuyên ngành phẫu thuật tim bẩm sinh.

Năm 2003, Bệnh viện Nhi Trung ương thành lập đơn vị phẫu thuật tim mạch, và năm 2005, được Thầy Nguyễn Hữu Ước giới thiệu với GS Nguyễn Thanh Liêm (Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương thời điểm đó), tôi đã quyết định sang đây làm việc.

Khi xin việc sang đây tôi chỉ nghĩ đơn giản: "Miễn là được làm việc ở một đơn vị phẫu thuật tim là đã hạnh phúc và may mắn lắm rồi".

Tới thời điểm này tôi vẫn cho đó là một quyết định sáng suốt. Tôi đã hoàn toàn may mắn khi được tiếp nhận để đi đúng con đường mà mình đã chọn.

Cách đây 15 năm, thì truyền thông và internet còn chưa phổ biến, vả lại tôi cũng không biết phải mày mò như thế nào để học thêm về tim trẻ em. Vì vậy tôi đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc học hỏi và nâng cao khả năng của bản thân. Cũng nhờ may mắn, tôi được Thầy Nguyễn Thanh Liêm tin tưởng tạo điều kiện gửi đi học tập nâng cao tại Trung tâm Y khoa Samsung, Hàn Quốc trong vòng 1 năm từ 2008 đến 2009.

Khi tôi quay về nước, Thầy Liêm cũng là người đã tin tưởng phân công ca mổ tim đầu tiên cho tôi, đó là một ca mổ khá đơn giản.

Tôi đã chuẩn bị sẵn tinh thần và tư tưởng cho ca mổ này từ khi còn trong thời gian học tập tại Hàn Quốc, và ca mổ đã diễn ra khá thuận lợi. Nhờ ca mổ đầu tiên thuận lợi đã giúp tôi có thêm tự tin để mổ những ca khó cho các bé sau này.

 Vị bác sĩ 3 lần nói ‘không dám đâu ạ’ và hàng nghìn ca mổ kỳ diệu: Không đào tạo được BS giỏi hơn mình, không khác gì tội bất hiếu! - Ảnh 2.
 Vị bác sĩ 3 lần nói ‘không dám đâu ạ’ và hàng nghìn ca mổ kỳ diệu: Không đào tạo được BS giỏi hơn mình, không khác gì tội bất hiếu! - Ảnh 3.

Ngọc Minh: Và cứ như thế, từng ngày, cho đến bây giờ, anh được gọi là "Người hồi sinh những trái tim lỗi nhịp cho trẻ nhỏ"?

TS.BS Nguyễn Lý Thịnh Trường: Tôi không dám nhận danh xưng như vậy đâu ạ, các Thầy và các Anh của tôi xứng đáng với danh xưng đó hơn tôi rất nhiều! Mọi người quý tôi quá nên gọi tôi như vậy thôi, chứ thực sự tôi còn phải cố gắng hơn rất nhiều thì mới có thể được như vậy (cười).

Trong mổ tim trẻ nhỏ có điều rất đặc biệt khác so với tim người lớn. Nếu như người lớn trái tim hỏng có thể thay thế, thì đối với trẻ nhỏ và đặc biệt là trẻ sơ sinh thì không thể thay thế, mà chỉ có thể sửa chữa.

Về kích thước trái tim của các con rất nhỏ. Những tổn thương chi tiết cũng rất nhỏ, đòi hỏi mức độ khéo léo và cẩn trọng chính xác rất cao, và phẫu thuật viên thường xuyên phải đeo kính vi phẫu với độ phóng đại từ 3-4 lần.

Cũng chính vì lẽ đó mà mổ tim cho trẻ nhỏ cần phải có 1 ê-kip chuyên về tim trẻ em từ phẫu thuật viên, bác sĩ nội khoa tim mạch nhi, bác sĩ gây mê chuyên ngành tim trẻ em, bác sĩ hồi sức sau phẫu thuật chuyên ngành tim mạch nhi, cũng như đội ngũ điều dưỡng chuyên ngành tim mạch nhi khoa, và đặc biệt là có sự hỗ trợ từ các chuyên ngành khác của trẻ em như sơ sinh, hô hấp, hồi sức, cấp cứu, nội tiết… thì mới có thể xử lý tốt những tổn thương cần sửa chữa.

Ngọc Minh: Mổ tim là một trong những loại phẫu thuật khó nhất trong y khoa, ngay cả những bác sĩ hàng đầu cũng khó có thể thực hiện tất cả các ca phẫu thuật thành công 100%. Anh thì sao?

TS.BS Nguyễn Lý Thịnh Trường: Bất cứ người bác sĩ phẫu thuật nào có thành công thì cũng có thất bại. Trong cuộc đời làm nghề của mình tôi cũng từng bật khóc vì bệnh nhi của mình chết ngay trên bàn mổ.

Dù số lượng bệnh nhân chết trên bàn mổ là rất thấp, chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng nó vẫn luôn là nỗi đau, và dằn vặt với người bác sĩ phẫu thuật.

Chúng tôi, những người bác sĩ mổ tim khi bước vào cuộc mổ đã luôn xác định tâm thế: "Phải chiến đấu tới cùng, còn bùn còn tát. Khi cảm thấy mình không thể làm gì khác mới chấp nhận dng lại".

Cảm giác bị bắt buộc phải dừng lại, và xác định rằng không thể cứu được bệnh nhân được nữa, thực sự cực kỳ khó chịu và đau đớn vô cùng.

Tôi còn nhớ, cách đây 10 năm, một bệnh nhi ca mổ tim diễn ra rất thuận lợi cả ê kíp đang vui mừng thì bệnh nhân ngừng tim đột ngột khi đang trên đường vận chuyển sang khoa hồi sức. Chúng tôi tìm mọi cách để cấp cứu bệnh nhân. Và tôi phát hiện thấy đường dây truyền dịch thuốc trợ tim sau mổ bị tuột. Đây không phải lỗi của bất cứ ai, có trách thì do trang thiết bị của mình lúc đó chưa thực sự tốt. Bệnh nhi đã mất vì lý do không đáng có.

 Vị bác sĩ 3 lần nói ‘không dám đâu ạ’ và hàng nghìn ca mổ kỳ diệu: Không đào tạo được BS giỏi hơn mình, không khác gì tội bất hiếu! - Ảnh 4.
 Vị bác sĩ 3 lần nói ‘không dám đâu ạ’ và hàng nghìn ca mổ kỳ diệu: Không đào tạo được BS giỏi hơn mình, không khác gì tội bất hiếu! - Ảnh 5.
 Vị bác sĩ 3 lần nói ‘không dám đâu ạ’ và hàng nghìn ca mổ kỳ diệu: Không đào tạo được BS giỏi hơn mình, không khác gì tội bất hiếu! - Ảnh 6.
 Vị bác sĩ 3 lần nói ‘không dám đâu ạ’ và hàng nghìn ca mổ kỳ diệu: Không đào tạo được BS giỏi hơn mình, không khác gì tội bất hiếu! - Ảnh 7.
 Vị bác sĩ 3 lần nói ‘không dám đâu ạ’ và hàng nghìn ca mổ kỳ diệu: Không đào tạo được BS giỏi hơn mình, không khác gì tội bất hiếu! - Ảnh 8.

Ngọc Minh: Anh là một trong những bác sĩ hàng đầu về mổ tim trẻ em, tham gia chương trình " Trái tim cho em " nhưng rất ít thấy anh lên tiếng trước truyền thông. Có vẻ anh chủ động chọn một cuộc sống "bình lặng"?

TS.BS Nguyễn Lý Thịnh Trường: Tôi không phải là bác sĩ hàng đầu đâu ạ! Vì mọi người quý hoá quá nên mọi người nâng cao quan điểm thôi ạ, các Anh, các Thầy còn giỏi hơn tôi rất nhiều!

Tôi suy nghĩ rằng mình rất may mắn được làm nghề giúp người và tôi coi đó là cái phúc của mình. Tôi cũng đã từng suy nghĩ cứu người là làm ơn và họ phải trả nợ cho cái ơn cứu mạng đó. Nhưng hiện tại, tôi thực sự biết ơn bố mẹ và gia đình các bệnh nhi mắc bệnh tim bẩm sinh đã tin tưởng và trao tính mạng của em bé cho chúng tôi chăm sóc và điều trị, chúng tôi mới là những người phải biết ơn, và làm tốt công việc của mình chính là cách trả ơn của chúng tôi cho sự tin tưởng của người bệnh.

Tôi rất rất may mắn vì được làm nghề yêu thích, được gia đình ủng hộ, có đủ sức khoẻ, được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ, được bệnh viện tạo điều kiện và được tập thể những người xung quanh, đặc biệt là các bạn trẻ cùng đồng lòng nhất trí cứu bệnh nhân, đó là hạnh phúc quá lớn.

Thứ hạnh phúc đó không có tiền bạc, vật chất, địa vị nào có thể mua được.

Tôi tự thấy mình hạnh phúc hơn rất nhiều người còn đang chật vật kiếm sống trong xã hội mình hiện nay. Tôi có vất vả, khó nhọc đến mấy thì cũng không thấm vào đâu so với sự vất vả của rất nhiều người khác. Nên tôi tự cảm thấy vui vẻ, cố gắng cống hiến hết mình để cứu càng nhiều cháu càng tốt, và suy nghĩ lạc quan thì tôi thấy mọi chuyện tự khắc sẽ êm đẹp.

 Vị bác sĩ 3 lần nói ‘không dám đâu ạ’ và hàng nghìn ca mổ kỳ diệu: Không đào tạo được BS giỏi hơn mình, không khác gì tội bất hiếu! - Ảnh 9.

Ngọc Minh: Đã được gần 12 năm tham gia chương trình "Trái tim cho em", ca bệnh nào khiến anh nhớ nhất?

TS.BS Nguyễn Lý Thịnh Trường: Tôi tham gia chương trình "Trái tim cho em" với Viettel từ tháng 6/2009. Đây là chương trình hỗ trợ phẫu thuật bệnh tim bẩm sinh miễn phí cũng như khám sàng lọc cho trẻ em nghèo dưới 16 tuổi ở Việt Nam. Tôi may mắn được làm nghề cứu người, nên còn tham gia được tôi sẽ vẫn làm và chưa nghĩ sẽ dừng lại.

Trong 12 năm tham gia chương trình "Trái tim cho em", tôi thấy mình thật may mắn được giúp thêm cho nhiều trường hợp trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh có hoàn cảnh và điều kiện khó khăn.

Ca bệnh mổ tim trong chương trình mà tôi nhớ mãi đó là trường hợp bệnh nhi 6 tuổi (mắc chứng chuyển gốc mạch và hẹp động mạch phổi) được mổ cách đây 10 năm. Cháu bé sống với mẹ và ông ngoại gia đình rất hoàn cảnh. Trước đó, cháu được mẹ và ông đưa đi khám khắp nơi nhưng bệnh viện từ chối điều trị vì bệnh rất nặng và cháu đến muộn. Trường hợp của bé nếu không mổ thì không có khả năng sống sót. Cháu là họ hàng của một bác sĩ làm việc trong Bệnh viện của tôi, khi anh ngỏ lời nhờ, chúng tôi đã quyết tâm mổ để sửa chữa trái tim cho cháu bé. Trộm ví, mổ xong con tương đối ổn.

Sau đó, con còn phải mổ thêm 2 lần nữa nhằm giải quyết triệt để do tổn thương tim phức tạp. Khi phẫu thuật lại, tôi rất áp lực. Do bệnh nhi phải mổ lại đường mổ cũ, nguy cơ làm thủng quả tim rất cao và trang thiết bị không đủ để dự phòng và xử lý nếu biến chứng nguy hiểm xảy ra. May mắn cho tôi và cho cả êkip, cả 2 ca mổ đã thành công.

Hiện tại, tim của cháu đã hoạt động giống như người bình thường. Bệnh nhi khoảng 16 tuổi cao lớn hơn mẹ và thỉnh thoảng vẫn được mẹ đưa ra Hà Nội khám lại. Đây là ca bệnh mổ tim mà tôi vẫn nhớ mãi.

Năm ngoái (2019), tôi khám cho một bệnh nhi (khoảng 6-7 tuổi) tại Nghệ An. Người cháu tím ngắt do mắc bệnh tim phức tạp. Bệnh nhi đã đi một số bệnh viện, và bác sĩ từ chối mổ vì tổn thương quá phức tạp, cháu phát hiện ra bệnh muộn quá và cháu chỉ uống thuốc điều trị nội khoa.

Khi xem kết quả siêu âm cho cháu, chúng tôi quyết tâm thử tìm phương pháp điều trị tối ưu cho cháu. Với sự giúp đỡ của Quỹ Tấm lòng Việt và Viettel, gia đình đã đưa bé ra Hà Nội khám và chúng tôi đã quyết định phẫu thuật cho cháu. Bệnh nhi đã được mổ 2 lần và kết quả khá thuận lợi. Về cơ bản tim của bé hoạt động ổn, chỉ còn tím rất nhẹ. Bé cần mổ thêm 1 lần nữa để tim có thể hoạt động lại giống bình thường.

Ngọc Minh: Rất nhiều người vẫn nghĩ trẻ mắc bệnh tim phức tạp sẽ cầm chắc cái chết nên họ không muốn mổ cho con, phải vậy không?

TS.BS Nguyễn Lý Thịnh Trường: Nhiều bố mẹ khi nghe con mắc bệnh tim phức tạp sẽ phải mổ nhiều lần, đã xin cho con về. Gặp những trường hợp đó chúng tôi phải năn nỉ để bố mẹ em bé đồng ý mổ cho con.

Vì không có lý gì một đứa trẻ còn cơ hội sống bình thường lại phải về nhà để chết!

Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp có tổn thương phức tạp và tiên lượng về lâu dài không tốt nên chúng tôi cũng chủ động khuyên gia đình nên cân nhắc rất cẩn thận trước khi quyết định cứu cháu. Đặc biệt là với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn thì sẽ rất vất vả cho cả gia đình khi phải chăm sóc cho một bé bệnh tật trong suốt một thời gian rất dài.

Cách đây khoảng 3-4 năm, tôi đã phải "năn nỉ kèm hứa hẹn" một trường hợp bố mẹ đồng ý mổ tim cho con. Đó là trường hợp bé gái ở Phú Thọ, mắc phải bệnh tim nặng bị gián đoạn quai động mạch chủ. Khi chúng tôi phát hiện ra bệnh của cháu, bé đã được 6 tháng tuổi, mặc dù những trường hợp như vậy phải mổ ngay sau 2-3 tuần sau sinh. Nếu bệnh nhi không được mổ sẽ không thể sống được tới 6 tháng tuổi. Tôi đã không hiểu lý do vì sao cháu vẫn có thể sống sót với dị tật tim nặng tới như vậy, cuộc sống vẫn có "phép màu".

Tôi thông báo gia đình cháu bệnh nặng phải mổ sớm. Bố mẹ khi nghe xong thông báo đã dứt khoát không mổ và nằng nặc đòi đưa cháu về. Lúc đó, tôi nói là gia đình khó khăn thì các bác và Trung tâm sẽ hỗ trợ. Sau đó, tôi và các y bác sĩ cùng nhóm công tác xã hội trong Trung tâm đã đi xin tài trợ kinh phí tiền mổ, tiền ăn uống, tiền trọ và cả tiền đi lại cho trẻ và bố mẹ.

Sau phẫu thuật 3 ngày, bé rút được nội khí quản. Hiện tại, bé phát triển bình thường, không cần mổ lại chỉ cần khám định kỳ.

 Vị bác sĩ 3 lần nói ‘không dám đâu ạ’ và hàng nghìn ca mổ kỳ diệu: Không đào tạo được BS giỏi hơn mình, không khác gì tội bất hiếu! - Ảnh 10.

Ngọc Minh: Số lượng ca mổ và can thiệp tim trẻ em tại Trung tâm rất lớn khiến cho bạn bè thế giới phải ngạc nhiên. Vậy chất lượng mổ tim của Trung tâm có tương xứng với số lượng?

TS.BS Nguyễn Lý Thịnh Trường: Những trường hợp bệnh tim nặng nhất, khó nhất tới thời điểm hiện tại Trung tâm đã mổ thành công. Tôi có thể nói số lượng mổ tim trẻ em hiện tại của Trung tâm đang đứng hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Trung bình 1 năm chúng tôi mổ tim cho khoảng 1.500 ca/năm, can thiệp tim mạch cho khoảng 800 bệnh nhân.

Về chất lượng trong quá trình điều trị, kết quả mổ tim của Trung tâm thuộc Top đầu trong khu vực Đông Nam Á với tỷ lệ thành công chung ở tất cả các trường hợp phẫu thuật, kể cả những ca phức tạp nhất là trên 97%.

Các bác sĩ từ Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ… khi tới thăm và làm việc một thời gian tại Trung tâm họ đều có chung nhận xét: "Không ngờ vật chất thiếu thốn mà các bạn vẫn có thể có nhiệt huyết và cứu được nhiều bệnh nhân như vậy". Tôi nghĩ rằng tất cả các nhân viên trong Trung tâm đều có chung một câu trả lời: "Nếu chúng tôi không cố gắng thì các cháu sẽ không thể sống được, và chúng tôi không có lựa chọn khác".

Họ rất ngạc nhiên vì sao các y bác sĩ Việt Nam có thể can thiệp được những ca dị tật tim rất phức tạp. Đó cũng là thành quả hợp tác quốc tế của Trung tâm trong liên tục nhiều năm vừa qua, với công lao giúp đỡ và chỉ dạy tận tâm của rất nhiều các Thầy, các chuyên gia nước ngoài đến từ Hàn Quốc, Italia, Nhật Bản, Hoa Kỳ…

 Vị bác sĩ 3 lần nói ‘không dám đâu ạ’ và hàng nghìn ca mổ kỳ diệu: Không đào tạo được BS giỏi hơn mình, không khác gì tội bất hiếu! - Ảnh 11.

Ngọc Minh: Chất lượng mổ tim của Trung tâm ngang ngửa với khu vực, chi phí một ca một tim ở đây chắc sẽ rất cao?

TS.BS Nguyễn Lý Thịnh Trường: Chi phí mổ tim cho 1 ca bệnh của Trung tâm tim mạch trẻ em, Bệnh viện Nhi trung ương hiện nay là rẻ nhất tại Việt Nam. Một ca mổ tim gia đình chỉ phải đóng tạm số tiền 20 triệu đồng. Số tiền này phần lớn là thừa và gia đình có thể nhận lại khi được trừ bảo hiểm.

 Vị bác sĩ 3 lần nói ‘không dám đâu ạ’ và hàng nghìn ca mổ kỳ diệu: Không đào tạo được BS giỏi hơn mình, không khác gì tội bất hiếu! - Ảnh 12.

Ngọc Minh: Tôi được biết anh cũng đã nhận được không ít những lời đề nghị mời đi nơi khác làm với thu thập hấp dẫn. Nhưng những lời đề nghị đó không làm anh rung động, phải chăng là thu nhập của anh tại Trung tâm con số sẽ rất cao?

TS.BS Nguyễn Lý Thịnh Trường: Đúng là có một vài chỗ quen biết quý mến tôi nên có nhã ý mời tôi tới làm, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ rời bỏ Trung tâm và Bệnh viện. Tôi có suy nghĩ "ăn quả phải nhớ người trồng cây". Bệnh viện cũng như các Thầy các Anh đi trước có ơn với tôi, ơn chưa trả hết làm sao tôi đi được.

Mọi người cứ nghĩ làm bác sĩ phẫu thuật sẽ giàu có lắm. Cách đây khoảng 4 năm (2016), thù lao một ca mổ tim trung bình từ 3-4 tiếng và dài nhất từ 10-12 của tôi chỉ khoảng 30.000 đồng, đủ ăn một suất cơm hộp. Sau năm 2016, nhờ có sự quan tâm của Nhà nước và Bệnh viện thì thù lao ca mổ của bác sĩ tim mạch đã tăng lên là 280.000đ/ca.

So với ngày trước thì thu nhập của tôi cũng đã bớt khó khăn hơn rất nhiều. Sự thật là nếu không có thêm hỗ trợ từ Bệnh viện và Nhà nước thì bác sĩ mổ tim mạch nhi sẽ không thể theo đuổi nghề được vì tu nhập quá "bèo".

Với tôi dù giàu hay nghèo một ngày chỉ ăn 3 bữa trung bình từ 30.000 - 40.000đ, nếu ăn sang trọng hơn thì 100.000đ. Tôi suốt ngày chỉ ở bệnh viện và đi mổ, nếu giả dụ tôi có tiền nhiều thật cũng không có thời gian mà tiêu.

Tôi vẫn nói đùa với mọi người: "Tiền nhiều để làm gì? Vì có tiêu được hết đâu". Nhưng câu chuyện thu nhập của nhân viên y tế làm chuyên ngành tim mạch vẫn là một vấn đề nhức nhối thật sự. Các chuyên ngành khác thu nhập cao hơn nhiều, và khối lượng công việc cũng như áp lực ít hơn thực sự. Nâng cao đời sống vật chất cho anh em mà vẫn phải đảm bảo công bằng cho bệnh nhân cũng là một nhiệm vụ nặng nề của lãnh đạo.

Hiện nay, tôi thực sự hạnh phúc với những gì mình đang có.

 Vị bác sĩ 3 lần nói ‘không dám đâu ạ’ và hàng nghìn ca mổ kỳ diệu: Không đào tạo được BS giỏi hơn mình, không khác gì tội bất hiếu! - Ảnh 13.

Ngọc Minh: Năm 2018, Báo Nhân Dân có bài viết kể rằng, anh từng thực hiện một ca mổ kéo dài nhất trong lịch sử, kéo dài gần 36 giờ đồng hồ cho một bệnh nhi bị chuyển gốc động mạch chủ, cả ê kíp không ăn, không ngủ. Anh nói "Có lẽ có phép màu kỳ diệu nào đó giữ được cho mình sự tỉnh táo suốt ca mổ". Hẳn cường độ làm việc của các bác sĩ phẫu thuật tim phải rất "khủng khiếp"?

TS.BS Nguyễn Lý Thịnh Trường: Ngoài ca mổ hi hữu trên, cũng từng có ngày chúng tôi phải làm việc tới 24 tiếng và chỉ chợp mắt một vài phút trước mỗi ca mổ. Một ca mổ tim nhẹ thì cũng 3-4 tiếng, nặng thì 6-8 tiếng hoặc 12 tiếng là chuyện bình thường. Thông thường, bác sĩ mổ xong thì mới ra ăn, không có giải lao giữa giờ, đương nhiên đi vệ sinh cũng phải nhịn.

Bạn có biết theo thống kê của nước ngoài bác sĩ mổ tim mạch có tỷ lệ ly hôn cao nhất trong ngành y, và tất nhiên là cao gần nhất trong xã hội? Vì họ phải dành quá nhiều thời gian cho công việc mới có thành công, và phải hy sinh quá nhiều thời gian của gia đình. Nếu trong gia đình người vợ và bố mẹ không thông cảm, thì bác sĩ phẫu thuật tim mạch sẽ phải trả cái giá rất đắt.

Tôi tự thấy thời gian, tôi dành cho gia đình ít hơn so với người khác. Có những giây phút cũng đã hối hận vì trót "ăn cắp" thời gian dành cho con để dồn sức vào công việc. Tôi thật sự may mắn vì có vợ và bố mẹ là người hiểu và là điểm tựa, ủng hộ hết mình.

Các con tôi cũng thường hỏi mẹ: " sao bố đi làm cả ngày ở bệnh viện"? Lúc đó, vợ tôi phải giải thích cho các con: "Bố đi để cứu các em khác".

Tôi luôn nghĩ sự thành công của người đàn ông luôn có đánh đổi là sự hy sinh chịu đựng của gia đình: vợ, con và cả bố mẹ.

Để cân bằng công việc và gia đình là khó, nhưng tôi sẽ phải xem lại thời gian của mình.

 Vị bác sĩ 3 lần nói ‘không dám đâu ạ’ và hàng nghìn ca mổ kỳ diệu: Không đào tạo được BS giỏi hơn mình, không khác gì tội bất hiếu! - Ảnh 14.

Ngọc Minh: Nghe nói anh luôn tạo ra áp lực lớn với các học trò là phải giỏi hơn mình?

TS.BS Nguyễn Lý Thịnh Trường: Tôi là một người đàn anh đi trước, tôi không dám nhận là thầy đâu ạ!

Tôi luôn mong muốn đào tạo các em tối thiểu phải bằng mình, tốt nhất là phải giỏi hơn mình. Khi các em làm tốt sẽ giúp đỡ và cứu sống cho nhiều người hơn.

Cuộc sống không thể nói trước được bất cứ điều gì. Ví dụ chỉ có ông Trường mổ được những ca bệnh khó, nhưng một ngày đẹp trời ông Trường không may mắn gặp phải vấn đề mà không thể mổ được tim nữa thì các cháu bệnh nặng ai sẽ mổ kịp thời ngay lúc đó? Đó là câu hỏi và cũng là nhiệm vụ mà Giám đốc Bệnh viện, GS Lê Thanh Hải, đặt ra cho tôi và tôi sẽ phải tìm cách để giải quyết vấn đề đó.

Thay vì suy nghĩ thế hệ trẻ nếu giỏi hơn mình sẽ mất vị thế, mất ghế (cười), thì tôi sẽ để tâm làm tốt hơn nữa việc của mình, tiếp tục trau dồi thêm kiến thức và khai hoang những vùng đất mới, và chưa chắc các bạn trẻ đã vượt được hơn tôi trong một thời gian ngắn.

Nếu tôi không tạo điều kiện cũng như tạo áp lực cho các em đi tiếp con đường và vượt hơn mình thì là đó là lỗi của tôi. Lúc đó, tội của tôi không khác gì tội "bất hiếu", vì các cụ có câu "trong 3 tội bất hiếu, bất hiếu lớn nhất là không có hậu".

 Vị bác sĩ 3 lần nói ‘không dám đâu ạ’ và hàng nghìn ca mổ kỳ diệu: Không đào tạo được BS giỏi hơn mình, không khác gì tội bất hiếu! - Ảnh 15.

Ở đây chữ hậu phải hiểu là thế hệ sau của mình, không cứ phải là con cháu mình, phải được đào tạo để trở thành những người có đạo đức và chuyên môn tài giỏi hơn mình, đóng góp cho xã hội lớn hơn mình, thì đó mới là hiểu đúng, và đó mới là hoàn thành trách nhiệm của thế hệ đi trước.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện, chúc anh có nhiều sức khỏe để cứu giúp thêm có nhiều bệnh nhi hơn nữa và anh sẽ hoàn thành được tâm nguyện trong công tác đào tạo!

 Vị bác sĩ 3 lần nói ‘không dám đâu ạ’ và hàng nghìn ca mổ kỳ diệu: Không đào tạo được BS giỏi hơn mình, không khác gì tội bất hiếu! - Ảnh 16.

Ngọc Minh

Cùng chuyên mục
XEM