Vệt đen Mặt Trời vừa phát nổ, phóng một lượng năng lượng lớn về phía Trái Đất

13/04/2022 09:27 AM | Công nghệ

Ngày 14/4 tới đây, bão địa từ có thể xuất hiện và làm gián đoạn hoạt động của vệ tinh.

Buổi trưa hôm qua, di thể của vệt đen Mặt Trời (sunspot) vừa phát nổ, tỏa ra vô số vật chất mặt trời về phía Trái Đất. Được một số nhà nghiên cứu đặt tên riêng là AR2987, vệt đen Mặt Trời chết đã phát nổ và tỏa ra bức xạ cực mạnh. Đây cũng là nguồn căn sinh ra hiện tượng “coronal mass ejection - CME”, tạm dịch là “phóng khối hào quang”. Đúng như cái tên của nó, hiện tượng CME sẽ sản sinh ra hào quang trong khí quyển Trái Đất.

Khái niệm “vệt đen” được dùng để chỉ những vùng tối trên bề mặt Mặt Trời, sinh ra do nhiễu loạn từ tính bắt nguồn từ lõi quả cầu lửa. Các vệt đen chỉ tồn tại nhất thời, với vòng đời kéo dài từ vài tiếng cho tới vài tháng.

Vệt đen Mặt Trời vừa phát nổ, phóng một lượng năng lượng lớn về phía Trái Đất - Ảnh 1.

Vệt đen Mặt Trời.

Theo nhận định của Philip Judge, một nhà vật lý học chuyên ngành mặt trời, thì khái niệm “vệt đen chết” mang chất thơ nhiều hơn chất thực. Hiện tượng đối lưu trên bề mặt Mặt Trời sẽ làm tan rã những vệt đen, gây ra nhiễu loạn từ tính. “Thỉnh thoảng, những vệt đen có thể ‘tái khởi động’, đồng thời quanh nó xuất hiện từ tính về sau này (có thể là nhiều ngày, hay nhiều tuần sau”, nhà nghiên cứu Judge nói, khẳng định vệt đen không "yểu mệnh" đến vậy.

Tạm gác lại chuyện tương lai của AR2987, mà hãy tập trung vào sự kiện vừa sinh ra từ vệt đen lớn: vào lúc 12h21 phút trưa ngày hôm qua theo giờ Việt Nam, một vệt lóa mặt trời (solar flare) mạnh cấp C vừa sinh ra từ vệt đen AR2987. Vệt lóa thường sinh ra khi trường từ và trường plasma nằm phía trên trên vệt đen không chịu nổi sức ép, để rồi bùng nổ và phóng năng lượng ra ngoài.

Diễn biến cực quang đêm qua đã được tài khoản Twitter Don Moore ghi lại.

Những vệt lóa cấp độ C không hiếm và cũng ít khi ảnh hưởng trực tiếp tới Trái Đất. Sẽ có lúc hiện tượng lóa sẽ sản sinh ra hiện tượng phóng khối hào quang CME, là khi trường plasma và trường từ bùng nổ ra ngoài không gian với tốc độ hàng triệu km/h. Những vệt lóa cấp C ít khi sinh CME, và khi có, CME cũng thường bay chậm và có cường độ thấp.

Khi CME tương tác với từ trường bao bọc Trái Đất, những hạt mang điện sẽ chạy dọc từ trường, phản ứng với vật chất trong khí quyển và giải phóng năng lượng dưới dạng các hạt photon. Đó là lý do CME khiến bầu khí quyển tỏa sáng, hay chúng ta còn gọi đó là hiện tượng cực quang. Cường độ CME sẽ quyết định độ phủ của cực quang lớn nhường nào.

Cuối tháng trước, một vụ bùng nổ bức xạ Mặt Trời cũng đã tương tác với khí quyển, sinh ra cực quang trải khắp một vùng trời rộng lớn.

Vệt đen Mặt Trời vừa phát nổ, phóng một lượng năng lượng lớn về phía Trái Đất - Ảnh 2.

Đài thiên văn Mặt Trời và Nhật quyển chứng kiến hiện tượng "phóng khối hào quang" phát ra từ Mặt Trời, diễn ra hồi cuối tháng Ba.

Vụ bùng nổ CME diễn ra hôm qua có thể sinh ra bão địa từ cấp độ nhẹ (G1) vào ngày 14/4 tới đây. Nó có thể tác động tới hoạt động của vệ tinh cũng như của lưới điện toàn cầu. Đồng thời, cực quang (nhìn thấy được) cũng có thể xuất hiện trên bầu trời.

Những sự việc dạng này không đáng lo ngại. Các nhà nghiên cứu cho rằng đó là phản ứng bình thường của Mặt Trời theo chu kỳ, xoay vòng với hai khoảng mạnh và yếu. Hiện tại, Mặt Trời đang trải qua chu kỳ thứ 25 - đây là lần thứ 25 chúng ta đo được chu kỳ kể từ năm 1755, khi các nhà khoa học lần đầu lưu lại dữ liệu về hoạt động của Mặt Trời.

Dự kiến, số lượng vệt đen Mặt Trời sẽ đạt đỉnh vào năm 2025, đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ chứng kiến nhiều bão mặt trời hơn, nhiều cực quang hơn trong tương lai gần.

Theo Kim

Cùng chuyên mục
XEM