Về già nghỉ sao cho khỏe?

04/11/2017 17:32 PM | Sống

Tôi từng đến một viện dưỡng lão ở Pháp, khi đó người quen của tôi có bà vợ bị tai nạn gãy chân, cần điều dưỡng thời gian dài, nên ông ấy gửi vợ vào đó.

Vì là người Việt nên ông hiểu được nét đăm chiêu trên gương mặt tôi và giải thích: "Tôi sống trong một căn hộ trên tầng bốn của tòa nhà xây từ 100 năm trước và không được phép cải tạo, không có thang máy, bà ấy cần được chăm sóc, tập luyện và giao tiếp nên chọn một nhà dưỡng lão thích hợp để ở trong thời gian dưỡng thương là điều bình thường, tốt hơn để tôi chăm sóc bà ấy ở nhà”.

Khi ghé thăm, chúng tôi thấy viện dưỡng lão nằm trong khuôn viên rộng lớn, dăm cụ ngồi xe lăn được đẩy đi dạo thong dong. Vài cụ đang xem tivi hoặc cùng nhau đan quần áo, mũ nón... bằng len để gửi đến nhà thờ làm từ thiện cho các trại trẻ mồ côi. Sợ tôi chưa thỏa mãn, người quen dẫn tôi đi tham quan các nơi, từ hồ bơi, sân tập dưỡng sinh đến phòng tập vật lý trị liệu, thư viện. Thế nhưng tôi vẫn thấy tất cả toát lên một nỗi buồn hoang mang và không hiểu giải quyết các vấn đề thực tiễn một cách lý tính như vậy có tốt không.

Không phải tất cả người dân châu Âu với văn hóa của họ đều cho rằng viện dưỡng lão với các điều kiện chăm sóc về y tế và tinh thần là tốt hơn hẳn. Tôi từng gặp ở Bỉ một cụ bà 89 tuổi, là mẹ của bốn người con đủ cả nếp lẫn tẻ. Cụ sống một mình trên ngọn đồi nhỏ, ngôi nhà rộng, được lắp đặt các thiết bị giúp cụ di chuyển từ trên lầu xuống dưới nhà, ra vườn.

Hai ngày một lần, cơ sở dịch vụ chăm sóc người già cử người đem đến cho cụ các loại thức ăn thích hợp, những cuốn sách và các vật dụng theo yêu cầu của cụ. Cụ vẫn sống thật yêu đời một mình, không làm phiền, đòi hỏi con cháu phải thường xuyên thăm viếng, và những người con ở gần cụ nhất cũng cách 400km, tại Paris ở nước Pháp.

Vợ chồng một người con làm nghề đạo diễn, cũng đã ngoài sáu mươi, thỉnh thoảng lại sang Việt Nam và ở lại vài tháng mới về. Hỏi ông bà về người mẹ đang sống một mình, ông bà cười lớn: "Chúng tôi về đó chơi một vài ngày thì rất vui, nhưng nếu ở độ một tuần thì sẽ làm cụ bực mình vì xáo trộn hết cuộc sống của cụ. Nếu nhớ chúng tôi, cụ có thể gọi điện nói chuyện".

Khi bước vào tuổi năm mươi, bạn phải làm một việc là sắp xếp cuộc sống cho tuổi già của chính mình, có thể đó là việc của mươi, mười lăm năm nữa, tùy vào điều kiện và sức khỏe của mỗi người. Thế nhưng đó cũng là bài toán phức tạp không kém chuyện lập nghiệp. Đối với người Việt, một khuôn mẫu chuẩn là tuổi già vui vầy cùng con cháu, vui khi thấy con cháu thành đạt, hạnh phúc và nếu được chăm sóc tốt về tinh thần, vật chất nữa thì coi như mãn nguyện, không còn gì để mong ước. Hầu hết các cụ bị trượt ra khỏi mô hình này sẽ cảm thấy sốc, buồn chán.

Thế nhưng, chăm sóc thế nào mới đủ làm các cụ mãn nguyện, thật khó nói, tùy theo tâm tính của các cụ, của con cháu mà sự hòa hợp đó có thỏa mãn hay không. Và khi cha mẹ già mất nhận thức, đau yếu... thì bài toán càng trở nên nan giải, làm gì là tốt nhất cho cha mẹ?

Nhìn vào gia đình một người bạn đang chăm sóc cha già yếu, mặc dù có thuê thêm một người giúp việc nhưng bạn tôi vẫn băn khoăn. Chị bảo ông cụ cần được tập vật lý trị liệu để phục hồi việc đi lại, cần được chăm sóc y tế mỗi ngày. Nhưng sau những ngày nằm viện, sự chăm sóc ở gia đình chỉ là thuốc men, thực phẩm phù hợp với người già nói chung.

Chị cho rằng một nhà dưỡng lão cao cấp có đủ chăm sóc y tế, ăn uống đủ dinh dưỡng sẽ rất thích hợp với người già như trường hợp cha chị. Tuy nhiên, chị không có ý định tìm kiếm một nhà dưỡng lão tốt có thể đáp ứng nhu cầu của chị, bởi lẽ chị sống trong một cộng đồng nhỏ và sẽ không vượt qua nổi dư luận đàm tiếu vì văn hóa của người Việt quá khác biệt. Chính bản thân chị cũng thấy băn khoăn vì mình chăm sóc cha chưa đúng cách nhưng lực bất tòng tâm. Đây quả thực là bài toán rất khó!

Theo PV

Cùng chuyên mục
XEM