VDSC: Tăng trưởng lợi nhuận của BIDV sẽ bật lên từ năm 2020

10/10/2018 09:30 AM | Kinh doanh

Trong một báo cáo phân tích về ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định ngân hàng này đang nỗ lực để cải thiện chất lượng tài sản.

Xem xét lại danh mục cho vay của BIDV, VDSC cho biết ngân hàng này đang chuyển dịch theo hướng tập trung vào cho vay bán lẻ. Tăng trưởng tín dụng khách hàng nửa đầu năm 2018 là 7,2%, hoàn thành 43,4% kế hoạch cả năm và 48% so với hạn mức ban đầu được NHNN giao. 

Tuy nhiên con số 7,2% này nằm trong số thấp nhất so với các ngân hàng niêm yết. Tăng trưởng tín dụng chủ yếu là nhờ cho vay bán lẻ (chiếm 31,1% danh mục cho vay) với mức tăng trưởng 13% so với đầu năm. BIDV đặt mục tiêu tăng tỷ trọng cho vay bán lẻ lên mức ít nhất 40% vào năm 2022 dựa vào ưu thế về thương hiệu, mạng lưới giao dịch lớn thứ hai cả nước, ứng dụng ngân hàng kỹ thuật số và mối quan hệ hiện có với nhiều doanh nghiệp.

 Nhờ những nỗ lực tái cơ cấu danh mục cho vay, NIM đã cải thiện đáng kể từ 2,7% năm 2016 lên 3,0% năm 2017 và giữ nguyên trong nửa đầu năm 2018. Với kỳ vọng NIM sẽ giữ ổn định ở mức ~ 3% trong những năm tới, VDSC nâng dự phóng thu nhập lãi thuần năm 2018 từ 33.969 tỷ đồng lên 36.748 tỷ đồng.

VDSC: Tăng trưởng lợi nhuận của BIDV sẽ bật lên từ năm 2020 - Ảnh 1.

VDSC nhận định do đặt ưu tiên nâng cao chất lượng tài sản nên ngân hàng này nằm trong số các ngân hàng đặt mục tiêu thấp nhất cho tăng trưởng LNTT trong năm 2018 (chỉ ở mức 7%). Trong sáu tháng đầu năm 2018, ngân hàng duy trì tăng trưởng tín dụng ở mức vừa phải cũng như đẩy mạnh trích lập nợ nội bảng và nợ trái phiếu đặc biệt. 

Thu nhập hoạt động nửa đầu năm tăng trưởng 30,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó 45,6% (tức 10,026 tỷ đồng) được dùng để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Khoản dự phòng này chiếm 66,9% lợi nhuận trước dự phòng, là tỷ lệ cao nhất trong số các ngân hàng niêm yết, và để bù đắp cho gần 10.000 tỷ đồng đã được sử dụng để xóa nợ trong kỳ. 

Kết quả là, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu (LLR) được nâng lên 85,0% so với mức 80,7% năm 2017 trong khi tỷ lệ NPL giảm nhẹ xuống 1,5%, phản ánh chất lượng tài sản tốt hơn và tiềm năng thu nhập từ nợ dã xử lý trong thời gian tới. Với kế hoạch tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC trong nửa đầu năm 2019, VDSC cho rằng tăng trưởng lợi nhuận của BID sẽ bật lên từ năm 2020. 

Theo đó, VDSC nâng dự phóng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng năm 2018 từ 13.992 tỷ đồng lên 17.067 tỷ đồng. Tổng kết lại, LNTT dự phóng cả năm 2018 là 9.539 tỷ đồng (tăng 10.1% so với cùng kỳ).

VDSC: Tăng trưởng lợi nhuận của BIDV sẽ bật lên từ năm 2020 - Ảnh 2.

Tuy nhiên VDSC cũng lưu ý áp lực tăng vốn để đáp ứng các tiêu chuẩn Basel II với BIDV ngày càng cấp thiết. Kế hoạch của BIDV công bố trong ĐHCĐ năm nay là tăng vốn điều lệ thêm 28%. Đây vẫn là câu chuyện tiếp diễn của năm 2017, khi hệ số CAR của BIDV chỉ cao hơn một chút so với mức yêu cầu của Thông tư 36 là 9%, là tỷ lệ thấp nhất trong hệ thống ngân hàng. 

Do đó, BIDV cần khẩn trương tăng vốn để đáp ứng các tiêu chí Basel II, và việc này phụ thuộc vào khả năng thực hiện chào bán công khai hoặc riêng lẻ cho các nhà đầu tư chiến lược/tài chính. Nhiều khả năng BIDV đã chọn một ngân hàng Hàn Quốc làm nhà đầu tư chiến lược. Trong khi đó, BIDV cũng đang chạy roadshows để tìm kiếm các nhà đầu tư tài chính tiềm năng. Tuy nhiên, quá trình này mất nhiều thời gian do yêu cầu của NHNN rằng giá phát hành không thể thấp hơn giá thị trường.

VDSC: Tăng trưởng lợi nhuận của BIDV sẽ bật lên từ năm 2020 - Ảnh 3.

Vào ngày 14 tháng 9 vừa qua, BIDV đã có thông báo về việc tổ chức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản trong tháng 10 năm 2018. VDSC cho rằng điều này có thể đem lại hy vọng rằng việc lấy ý kiến này có liên quan đến việc chào bán công khai hoặc riêng lẻ cổ phiếu của BIDV cho các nhà đầu tư chiến lược/tài chính. Việc tăng vốn, nếu thành công, sẽ gỡ bỏ nút thắt hiện tại đối với tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận của ngân hàng. 

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM