Vay nợ hơn 300 tỷ USD, điểm yếu cốt tử của Evergrande là gì?

21/09/2021 20:41 PM | Kinh doanh

Theo chuyên gia Mirae Asset Việt Nam, Tập đoàn Bất động sản Evergrande của Trung Quốc đã đầu tư tràn lan không kiểm soát. Và việc giá nhà điều chỉnh giảm đến 25% đã làm doanh thu, lợi nhuận công ty giảm theo, bào mỏng dòng tiền và khả năng trả nợ.

Quan điểm trên vừa được ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc môi giới hội sở của Mirae Asset Việt Nam chia sẻ với BizLIVE khi đề cập về tổng quan tình hình sức khỏe tài chính của Tập đoàn Bất động sản Evergrande cũng như đánh giá tác động tới thị trường tài chính Trung Quốc và thế giới.

Bốc hơi 85% vốn hoá

Chuyên gia Mirae Asset Việt Nam đề cập, Tập đoàn Bất động sản Evergrande được thành lập vào năm 1996 bởi Chủ tịch Hui Ka Yan (Hứa Gia Ấn) tại thành phố Quảng Châu, Trung Quốc. Công ty đã tăng tốc trong 2 thập kỷ qua để trở thành nhà phát triển bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc với doanh thu khoảng 700 tỷ NDT (110 tỷ USD) vào năm ngoái. Danh sách dự án của Evergrande trải dài 31 tỉnh với hơn 1.000 dự án.

Vay nợ hơn 300 tỷ USD, điểm yếu cốt tử của Evergrande là gì? - Ảnh 1.

Nhà phát triển bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc.

Về cơ cấu cổ đông, Chủ tịch Hứa Gia Ấn vẫn nắm trên 70% và trở thành người giàu nhất nhì Trung Quốc.

Vay nợ hơn 300 tỷ USD, điểm yếu cốt tử của Evergrande là gì? - Ảnh 2.

Trong 5 năm trở lại đây, giá nhà Trung Quốc đã hạ nhiệt. Đặc biệt trong 2 năm qua khi chính phủ Trung Quốc đang thi hành chiến lược giảm đòn bẩy cho nền kinh tế khiến nhu cầu nhà sụt giảm, và hiển nhiên doanh số bán của Evergrande sụt giảm theo.

Khi đó Evergrande đã tìm kiếm các cơ hội tăng trưởng khác bằng đầu tư ngoài và mở rộng liên tục bằng vay nợ. Những ngành Evergrande tham gia gồm có y tế, sức khoẻ, xe điện, ngân hàng, bảo hiểm, giải trí, bóng đá … Theo đánh giá từ ông Tuấn, có thể thấy rất rõ, Evergrande đã bắt đầu vào "thế bí" tăng trưởng cũng như duy trì hệ thống bằng đầu tư tràn lan không kiểm soát.

Vay nợ hơn 300 tỷ USD, điểm yếu cốt tử của Evergrande là gì? - Ảnh 3.

Bức tranh nợ nần của Evergrande.

Theo BCTC ngày 30/6/2021, tổng tài sản công ty là 367 tỷ USD, trong đó nợ phải trả 305 tỷ USD, khoảng 89 tỷ USD đến từ trái phiếu và các khoản vay từ các ngân hàng phải trả lãi. Ông Tuấn cho rằng, các ngân hàng cũng đang "ngồi trên đống lửa".

Ngoài ra, các khoản phải trả khác trị giá 215 tỷ USD là các khoản phải trả (nợ nhà cung cấp, thuế) không áp lực lãi suất . Một số chủ nợ thuộc dạng trái phiếu quốc tế. Lượng trái phiếu đáo hạn trong 2022 khoảng 7 tỷ USD. Lượng tiền mặt của Evergrande vẫn lên tới 162 tỷ NDT, tức khoảng 25 tỷ USD.

Hệ số đòn bẩy trên EBITDA (nợ trên lợi nhuận trước thuế lãi và khấu hao) chỉ khoảng 7,8 lần, là mức trung bình nhiều năm qua của Evergrande.

Tiền mặt và đầu tư tài chính ngắn hạn của Evergrande khoảng 8,8 tỷ HKD (số liệu 30/6/2021), giảm khá mạnh (50%) so với cùng kỳ 2020 là 16 tỷ HKD. Do đó ông Tuấn cho rằng lo ngại là tất yếu.

Vay nợ hơn 300 tỷ USD, điểm yếu cốt tử của Evergrande là gì? - Ảnh 4.

Đề cập tới điểm yếu cốt tử của Evergrande, chuyên gia Mirae Asset Việt Nam

Đề cập tới điểm yếu cốt tử của Evergrande, chuyên gia Mirae Asset Việt Nam cho rằng nằm ở chỗ - new homes offered with 25% off - giá nhà bán mới bị giảm đến 25%. Điều này làm doanh thu lợi nhuận công ty giảm theo, bào mỏng dòng tiền và khả năng trả nợ. Bảng báo cáo kết quả kinh doanh 2020 của Evergrande đã cho thấy vấn đề này.

Cụ thể, lợi nhuận hoạt động năm 2020 giảm còn khoảng hơn 69 tỷ NDT so với hơn 94 tỷ NDT của năm 2019. Lợi nhuận giảm đã tích tụ từ 2020 và lan tới nửa đầu 2021. Toàn bộ những áp lực từ dòng tiền, đáo hạn trái phiếu, tình hình hoạt động kinh doanh đã tạo ra một liên hoàn áp lên doanh nghiệp này và thể hiện vào giá cổ phiếu (giảm từ 17,5 HKD còn 2,2 HKD, bốc hơi 85% vốn hoá).

Vay nợ hơn 300 tỷ USD, điểm yếu cốt tử của Evergrande là gì? - Ảnh 5.

Bốc hơi 85% giá trị vốn hóa

Ảnh hưởng tới thị trường tài chính toàn cầu sẽ là thấp

Ông Huỳnh Minh Tuấn đánh giá, hiện tại Evergrande đã và đang bị tâm lý "hòn tuyết lăn" về lo ngại lan hết ra từ người mua nhà, tới chủ nợ, tới nhân sự nội bộ công ty. Một cuộc khủng hoảng rõ ràng và Evergrande thật sự tác động lớn tới kinh tế Trung Quốc vì tổng dư nợ của Evergrande lên đến hơn 300 tỷ USD, chiếm gần 2% GDP Trung Quốc (GDP Trung Quốc năm 2020 khoảng 14.700 tỷ USD).

Tuy nhiên chuyên gia này đánh giá ảnh hưởng tới thị trường tài chính toàn cầu sẽ là thấp. Vì tổng nợ trái phiếu chỉ khoảng 20 tỷ USD và đáo hạn 2022 chỉ ở mức 7,2 tỷ USD. Rõ ràng đây là "cục nhọt" lớn của kinh tế Trung Quốc sau nhiều năm bơm vốn vô tội vạ.

Hiên tại các giải pháp của Evergrande rất rõ ràng. Một, thanh lý các tài sản có tính thanh khoản cao như các khoản đầu tư tài chính hoặc các bất động sản có thanh khoản tốt để tăng tiền mặt nhằm đáp ứng tốt các nghĩa vụ trả nợ hiện tại và tương lai gần. Hai, đàm phán nợ với các chủ nợ nội địa hơn là chủ nợ quốc tế vì tỷ lệ nợ quốc tế chỉ khoảng 1/4.

Ông Tuấn lưu ý rằng, trong 300 tỷ USD nợ tổng của Evergrande thì 200 tỷ USD là các khoản nợ chiếm dụng vốn như người mua trả tiền trước, nợ các nhà thầu xây dựng, cung ứng vật liệu... Các khoản này dễ cơ cấu hơn.

Theo chuyên gia, ở tình huống này có thể thấy chính phủ Trung Quốc sẽ cứu nhưng cần thêm thời gian. Ngoài ra phương án chuyển nợ thành vốn cổ phần và giảm tỷ lệ sở hữu của tỷ phú Hứa Gia Ấn là khả thi. Lưu ý rằng, tài sản ông Hứa Gia Ấn nằm trong 1.000 dự án bất động sản với hơn 131 triệu m2 sàn, không thu được tiền thì lấy đất hay căn hộ về ở.

Trường hợp này dưới góc độ chủ quan của mình, ông Tuấn đánh giá, chính phủ Trung Quốc đang ép các "ông lớn" như thế này cải tổ về quản trị, tránh đa ngành và giảm đòn bẩy rất rõ.

Ông Tuấn nhận định, tình hình tài chính của Evergrande không bi đát như truyền thông đưa tin. Evergrande sẽ ảnh hưởng cục bộ tới thị trường tài chính và chứng khoán Trung Quốc hơn là quốc tế, các kế hoạch cơ cấu đang được tiến hành và sẽ nhanh chóng qua, tính lan tỏa dây chuyền sẽ được chính phủ Trung Quốc kiểm soát và hỗ trợ ngay khi cần.

Huyền Trâm

Cùng chuyên mục
XEM