Vay mua xe chạy taxi công nghệ: Không "dễ ăn"

22/09/2019 20:32 PM | Kinh doanh

Các hãng gọi xe công nghệ ngày càng nhiều, giá ôtô cũng dễ chịu hơn nhưng việc mua xe để kinh doanh dịch vụ này chưa bao giờ là dễ

Năm 2018, sau khi Grab mua Uber, nhiều người cho rằng dịch vụ gọi xe công nghệ tại Việt Nam không còn hấp dẫn nhưng không lâu sau, hàng loạt hãng xe công nghệ mới như Go-Jek (Indonesia), Aber, FastGo, T.NET, VATO, be… xuất hiện khiến thị trường này nhộn nhịp trở lại. Giới đầu tư, kinh doanh lại đua nhau mua xe để cho thuê đáp ứng nhu cầu của giới tài xế, bởi không phải ai cũng đủ khả năng để mua xe tham gia dịch vụ taxi công nghệ.

Nhu cầu thị trường rất lớn

Đại diện Ngân hàng (NH) TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) nhận định hiện nay, hầu như NH nào cũng cho khách hàng vay mua ôtô để tự lái, chạy taxi, xe công nghệ, đầu tư cho tài sản cố định phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh hoặc thuê xe… Không ít NH cho vay thế chấp 90%-95% hoặc 100% giá trị xe nếu khách hàng mua tại doanh nghiệp có liên kết với NH. Bởi theo các NH, mua xe cho thuê lại vẫn là xu hướng khá thịnh hành không chỉ Việt Nam mà cả các nước. NH này dẫn một thống kê cho thấy tỉ lệ tăng trưởng hằng năm của thị trường ôtô Việt Nam đạt 38% tính trong giai đoạn 2012 - 2016. So với Malaysia (giảm 13%), Thái Lan (giảm 4%) và Indonesia (tăng 5%), Việt Nam đang là thị trường ôtô có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực. Chưa kể, tỉ lệ sở hữu ôtô của Việt Nam chỉ ở mức 16 xe/1.000 dân. Con số này thấp hơn nhiều nếu so với Malaysia, Thái Lan và Indonesia.

Anh Thắng, một tài xế chạy ôtô công nghệ ở TP HCM, cho biết anh đang thuê chiếc Mitsubishi Attrage với giá 9 triệu đồng/tháng từ một doanh nghiệp khác. "Ông chủ của chiếc xe này có khoảng 40 chiếc tương tự, đủ các dòng xe, đời xe để cho tài xế chạy xe công nghệ thuê. Ông còn có cả xưởng sửa chữa, bảo dưỡng cho đội xe của mình, tài xế nào chạy xe về không có chỗ đậu, có thể mang tới để ở xưởng này. Trung bình, mỗi chiếc ông thu về khoảng 2-4 triệu đồng/tháng tùy dòng xe" - anh Thắng tiết lộ.

 Vay mua xe chạy taxi công nghệ: Không dễ ăn  - Ảnh 1.

Việc kinh doanh dịch vụ gọi xe công nghệ là không dễ dàng với giới tài xế hoặc nhà xe Ảnh: Tấn Thạnh

Không chỉ cá nhân tham gia vay mua ôtô để kinh doanh mà Vingroup hồi giữa tháng 8 vừa qua cũng nhảy vào lĩnh vực này khi ký hợp tác chiến lược với Công ty CP FastGo Việt Nam, bước đầu đưa 1.500 xe VinFast Fadil vào cung cấp dịch vụ gọi xe công nghệ của FastGo, sau đó sẽ đến các dòng xe VinFast Lux. Theo đó, đối tác tài xế của FastGo sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ đặc biệt khi đặt mua xe VinFast. Trước mắt, FastGo sẽ cung cấp dịch vụ vận chuyển bằng xe VinFast tại Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, sau đó sẽ mở rộng ra các tỉnh, thành khác.

Đủ thứ rắc rối

Nhu cầu cao, thị trường tiềm năng nhưng nhiều người chạy xe công nghệ thừa nhận cạnh tranh gay gắt, áp lực lãi vay NH… nên thu nhập ngày càng giảm. Ngoài ra còn rất nhiều rắc rối phát sinh khác.

Theo ông Lê Minh Tuấn, quê Long An, khi mới có xe công nghệ, ông gom tiền từ bà con đầu tư chiếc Toyota Vios mới gần 700 triệu đồng rồi lên TP HCM chạy Grab. Thời gian đầu, mỗi ngày thu nhập cũng hơn 2 triệu đồng, thậm chí chịu "cày" có thể bỏ túi khoảng 3 triệu đồng. Nhưng chỉ sau 1 năm, thu nhập ngày càng giảm, đến giờ, gần 3 năm, ông vẫn chưa trả hết nợ vay mua xe, áp lực trả lãi vay khiến ông mệt mỏi.

Ông Trương Văn Hòa (huyện Bình Chánh, TP HCM) cho rằng thấy nhiều người chạy xe công nghệ thu nhập tốt, ông cũng rủ nhóm bạn đi học lái xe, sau đó vay tiền NH, mỗi người đầu tư 1 chiếc chạy Grab. "Chúng tôi là "lính" mới, không nhanh nhạy như người khác nên cuốc được, cuốc mất, mỗi ngày chạy chưa tới 1 triệu đồng, trừ tiền xăng xe, chi phí…, thu nhập chỉ còn khoảng 500.000 đồng, không đủ trả lãi vay NH. Một số bạn bè tôi đang tìm mối bán lại xe, chấp nhận lỗ hơn 100 triệu đồng/xe dù mới chạy được 8 tháng" - ông Hòa bộc bạch.

Ngay cả những người có kinh nghiệm lái xe khách, taxi "nhảy" sang chạy xe công nghệ cũng đau đầu. Ông Trương Đình Hậu (quận 8, TP HCM) sau hơn 5 năm chạy xe khách, đã nghỉ việc rồi tìm mua chiếc Kia Morning cũ khoảng 200 triệu đồng để chạy xe công nghệ. Do không có vốn, lại không có tài sản thế chấp để vay NH nên ông phải tìm đến dịch vụ của các công ty tài chính với mức lãi khá cao. Bên cạnh đó, do mua xe cũ nên chuyện hư hỏng gần như cơm bữa, hằng ngày ông phải "bỏ ống" từ 50.000 - 100.000 đồng để dành sửa xe. "Từ đầu năm đến nay, tôi tiết kiệm lắm cũng chỉ trả được nợ gốc hơn 50 triệu đồng, cố gắng lắm năm sau mới hy vọng trả dứt nợ" - tài xế này nhẩm tính.

Trong khi đó, ông Trịnh Tuấn Phong (ở quận 9, TP HCM) đầu tư hơn 2 tỉ đồng mua 10 xe Kia Morning đã qua sử dụng để cho thuê, đến nay gần 2 năm vẫn chưa thể trả hết nợ vay NH. "Xe cũ nên hay hư hỏng vặt, ít tài xế nào dám thuê theo tháng nên tôi phải chuyển sang cho thuê theo ngày, theo buổi để có thu nhập trả tiền NH. Chưa kể tài xế bỏ xe khi gặp tai nạn giao thông, vi phạm giao thông buộc phải chi tiền khắc phục rất mệt mỏi" - ông Phong than thở. Tuy vậy, gần đây, nhờ dịch vụ quảng cáo trên thân xe 1,5 triệu đồng/chiếc/tháng nên ông mới trang trải được phần nào chi phí phát sinh.

Để khắc phục rắc rối từ những phát sinh trên đường, nhiều chủ xe chọn cách buộc tài xế phải đặt cọc 8-10 triệu đồng; đồng thời cam kết khi xảy ra tai nạn giao thông, người thuê xe phải tự chịu trách nhiệm. Hoặc có chủ xe cho thuê theo kiểu ăn chia với tài xế. Theo đó, tài xế không phải lo áp lực trả tiền thuê, chủ xe cũng không lo xe nằm bãi không có thu nhập.

Theo một số NH thương mại, các quyết định kinh doanh sẽ phụ thuộc và ảnh hưởng rất nhiều bởi tình hình thị trường tại mỗi thời điểm. Tiềm năng của thị trường vận tải công nghệ cao, cho thuê hiện nay còn nhiều nhưng lại có những đòi hỏi khắt khe hơn liên quan đến chất lượng tài sản (dòng xe, đời xe), chất lượng dịch vụ. Đây là điểm khách hàng cần lưu tâm khi quyết định vay vốn để thực hiện phương án kinh doanh này.

Cân nhắc hiệu quả kinh tế

Do công ty giải thể, rơi vào hoàn cảnh thất nghiệp, anh Lê Minh Thuận (quận Tân Bình) tính phương án vay tiền ngân hàng mua ôtô chạy Grab. Đến một NH nhỏ ở TP HCM, anh Thuận đề nghị vay 400 triệu đồng mua xe 4 chỗ. Anh Việt - nhân viên tín dụng của NH này - cho biết lãi suất cho vay 12%/năm tính theo dư nợ giảm dần, thời hạn vay 6 năm, vốn và lãi trả góp hằng tháng. Người vay mỗi tháng trả góp vốn gốc 5,5 triệu đồng và 4 triệu đồng lãi. Trong năm đầu tiên, người vay phải trả vốn và lãi cho NH khoảng 9-9,5 triệu đồng/tháng (tương đương khoảng 300.000 đồng/ngày).

"Nếu người chạy Grab chỉ đạt doanh thu bình quân 1 triệu đồng/ngày thì không đủ khả năng trả nợ NH. Bởi mỗi ngày, người chạy Grab phải nộp lại cho hãng xe công nghệ này gần 300.000 đồng (28,6%/tổng doanh thu), trả nợ vay 300.000 đồng, đổ xăng và chi phí bảo trì 300.000 đồng, số tiền còn lại không đủ chi phí cho bản thân và gia đình" - anh Việt tư vấn. Th.Thơ

Theo THÁI PHƯƠNG - NGUYỄN HẢI

Cùng chuyên mục
XEM