Vấn đề này của Ấn Độ sẽ khiến quốc gia nào cũng phải đau đầu: Giữ lại rừng và hổ hay khai mỏ kim cương 3 tỷ USD?
Ấn Độ đang phải đứng trước một sự lựa chọn vô cùng quan trọng: Thực hiện dự án khai thác mỏ kim cương trị giá 3 tỉ đô la hay trở thành nước có thảm động thực vật hoang dã đồ sộ nhất thế giới với diện tích rừng nguyên sinh rộng 1.000 héc ta?
Câu hỏi nhức nhối này đã làm các nhà hoạch định phải đau đầu từ một thập kỷ nay, khi họ phải cân nhắc những ưu và nhược điểm của dự án mà công ty Rio Tinto- một trong những công ty khai thác mỏ lớn nhất thế giới - đề xuất thăm dò kim cương dưới lòng đất của rừng Chhatarpur tại bang Madhya Pradesh, miền Trung Ấn Độ.
Nếu dự án được thông qua, công ty Rio Tinto sẽ đặt trụ sở dự án tại vùng Madhya Pradesh’s Bunder và tiến hành giải phóng 971 hectare mặt bằng đất rừng.
Theo các nhà hoạt động, việc thực hiện dự án có thể phá hủy hành lang di chuyển từ khu rừng này sang khu rừng khác của loài hổ, nằm trong khu vực khai thác kim cương. Bên cạnh đó, không những 492.000 cây xanh sẽ bị chặt hạ mà không ít cộng đồng bộ tộc và rất nhiều loài động vật cũng sẽ phải di dời.
Chỉ có chính quyền Narendra Modi mới có thể ngăn chặn được điều này.
Trao đổi qua điện thoại với tạp chí Quartz, ông S S Negi- Tổng Giám đốc ban quản lý rừng và người đứng đầu Ủy Ban Tư vấn rừng của Ấn Độ cho biết: “Dự án hiện vẫn đang được xem xét và nghiên cứu”
Cũng trả lời qua email, một phát ngôn viên của công ty Rio Tinto nói: “Dự án Bunder đang có những bước tiến nhất định trong việc thông qua quá trình chấp thuận với Chính phủ và thúc đẩy dự án đi vào tiến trình”.
Quá nhiều giá trị để khai thác
Dự án Bunder ước tính có thể khai thác được 34.2 triệu cara kim cương, giá trị khoáng sản dự tính lên tới 20.520 triệu rupi (khoảng 3 tỷ đô la) mà theo công ty Rio Tinto tuyên bố “dự án sẽ đưa Ấn Độ nằm trong top 10 nước sản xuất kim cương lớn nhất thế giới”.
Công ty Rio Tinto phát hiện ra trữ lượng khoáng sản quý và lớn này vào năm 2004; xin giấy phép bảo hộ về khảo sát khu vực này vào tháng 9/2006 và được Phòng khai thác khoáng sản Ấn Độ phê duyệt kế hoạch khai thác vào tháng 7/2013.
Cho đến nay, công ty đã đầu tư 90 triệu đô la cho việc thăm dò, đánh giá và các nghiên cứu tiền khả thi. “Bunder là bằng chứng đầy thuyết phục về triển vọng của Ấn Độ và có thể cho thấy một kỷ nguyên mới của phương pháp quản trị đầu tư thân thiện”, người phát ngôn của Rio Tinto nói thêm.
Những lo ngại về môi trường
Dự án được thực hiện ngay gần Khu bảo tồn hổ Panna và Khu bảo tồn Động vật hoang dã Navardehi – ngôi nhà của rất nhiều loài động vật như kỳ đà (monitor lizard), Kền kền cựu lục địa Ấn Độ, gấu lợn, báo và linh dương Ấn Độ.
Chia sẻ với tạp chí Quartz, Nhà sinh học bảo tồn Raghu Chundawat nói “Dự án này chắc chắn nằm trong khu vực sinh sống của loài hổ”.
“Chúng tôi vẫn chưa rõ về diện tích dự án sẽ khai thác, nhưng một dự án lớn như thế này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự di chuyển của loài hổ và đặc biệt là dưới tác động của việc phát triển cơ sở hạ tầng khai thác”- điều cũng đã được khẳng định trong báo cáo của chính quyền Madhya Pradesh gửi Chính quyền Trung Ương.
Báo cáo được thực hiện trong nghiên cứu Nostromo-London năm 2013 cũng cho hay, Rio Tinto có thể sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm nước ở các khu vực xung quanh khi kéo theo việc chặt hạ nhiều giống cây quan trọng.
Báo cáo cũng chỉ ra những thách thức lớn cho Rio Tinto trong việc phát triển lao động tại Bunder, về giáo dục, các chính sách về quyền của người lao động và tạo việc làm cho người dân địa phương.
“Không ít ý kiến phản đối tại phiên điều trần công cộng từ dân làng. Nhưng vì một vài lí do lạ lùng nào đó, chính quyền có vẻ muốn ưu đãi các doanh nghiệp lớn”, ông Sreedhar Ramamurthi-nhà khoa học về Trái đất và quản lý ủy thác tại tổ chức phi chính phủ Environics Trust, nói với Quartz.
Hùng biện của Rio Tinto
Công ty Rio Tinto vẫn bảo tồn ý kiến rằng dự án sẽ không gây bất kỳ thiệt hại nào cho loài hổ hay các loài động vật hoang dã khác trong vùng.
Phát ngôn viên của Rio nói: “Trước tiên, dự án nằm cách xa hơn nhiều khu vành đai nối hai khu bảo tồn quốc gia về phía Bắc, và cũng chưa từng thấy sự xuất hiện của hổ tại nơi này trong vòng 7 năm qua”.
“Rio Tinto cũng có một hồ sơ rất uy tín trong hoạt động phát triển và khai thác kim cương, cũng như tôn trọng các nghĩa vụ đi kèm với việc tiếp cận khai thác vùng đất được cho phép”.
Cũng theo thông tin đăng tải trên website của công ty, “Các thiết bị trong khai thác cũng được tự động hóa cao, sử dụng lượng nước tối thiểu thông qua tái chế và nước thu hoạch chứ không dùng bất kỳ chất hóa học nào trong quá trình xử lí kim cương”.
Năm 2015, cựu Tổng Giám đốc của Rio Tinto Sam Walsh thậm chí đã có cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ Modi và đề xuất đầu tư 2 tỷ đô la vào Ấn Độ, trong đó bao gồm 500 triệu đô la cho dự án Bunder. Ông Walsh nói: "Thủ tướng và tôi đã gặp mặt 3 lần trong 6 tháng qua, tôi đã tọa đàm với ông về hai dự án lớn và các cơ hội đầu tư”.
Chọn Hổ hay Kim cương?
Thị trường trang sức kim cương của Ấn Độ có giá trị khoảng 10 triệu đô la, theo ước tính của Rio Tinto. Con số này có thể tăng 15% mỗi năm từ năm 2014 đến 2019. Theo nhà cung cấp dịch vụ tư vấn và định giá độc lập WWW International Diamond Consultants có trụ sở tại Anh, Ấn độ dự kiến sẽ đóng góp khoảng 10% vào thị trường kim cương bán lẻ thể giới vào năm 2020.
Mặt khác, Ấn Độ cũng lại là ngôi nhà của hơn một nửa số hổ trên Trái đất, mặc dù con số này đã giảm đáng kể trong những năm qua dưới tác động của nạn săn trộm và lấn chiếm lãnh thổ sinh tồn.
Trong 4 thập kỷ qua, dù chiến dịch giải cứu loài hổ do chính phủ triển khai đã cho những kết quả lạc quan (số lượng hổ tăng từ 1.411 con vào năm 2006 lên đến 2.226 con vào năm 2015), nhưng theo các chuyên gia, vẫn còn quá sớm để ăn mừng.
Dù chưa ngã ngũ, song với những dự án lớn như Rio Tinto, khó ai có thể nói trước được những tác động mà nó có thể mang đến cho môi trường cũng như cuộc sống của nhiều loài động thực vật hoang dã tại Ấn Độ, đặc biệt là loài hổ- một trong những loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên Trái Đất.