Vận chuyển cả trăm tấn hàng hoá mỗi ngày, cứng rắn đàm phán với các nhà cung cấp giảm giá từ 30-70%: Những biện pháp giúp Vietjet sống sót thần kỳ giữa bão Covid-19

17/04/2020 12:09 PM | Kinh doanh

Vắng khách chuyển sang vận chuyển cả trăm tấn hàng hoá mỗi ngày, cứng rắn buộc nhà cung cấp giảm giá từ 30-70%, Vietjet đã sống sót thần kỳ gữa bão Covid-19.

Báo cáo tài chính năm 2019 của Vietjet Air cho thấy mảng kinh doanh vận tải hàng không của họ đã tăng mạnh so với năm 2018, tạo ra một nền tảng vững chắc giúp công ty vượt qua đại dịch Covid-19.

Theo báo cáo trước kiểm toán năm 2019, doanh thu vận tải hàng không của Vietjet đạt 41.097 tỷ VNĐ, lợi nhuận trước thuế của mảng này là 3.936 tỷ VNĐ, tương ứng doanh thu tăng 21,4% và lợi nhuận tăng 29,3% so với năm trước. Doanh thu lũy kế và lợi nhuận hợp nhất đạt lần lượt là 52.059 tỷ VNĐ và 5.010 tỷ VNĐ.

Kết quả này đã giúp tổng tài sản của Vietjet tăng lên 47.608 tỷ VNĐ, với vốn chủ sở hữu ở mức 17.661 tỷ VNĐ bao gồm cả cổ phiếu quỹ tăng 26% so với năm trước.

Đặc biệt, số dư tiền mặt tăng lên 6.076 tỷ VNĐ. Chỉ số thanh khoản hiện tại vẫn ở mức 1,4 lần trong khi đó tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu là 0,77 lần. Tỷ lệ này hiện tại là mức thấp nhất trong ngành công nghiệp hàng không toàn cầu.

Về khả năng sinh lời, với mức giá trung bình dầu máy bay năm 2019 là 80 USD/thùng, lợi nhuận trước thuế, lãi suất và khấu hao, tái cơ cấu (EBITDAR) của Vietjet là 30%, duy trì ở mức cao trong nhiều năm.

Vận chuyển cả trăm tấn hàng hoá mỗi ngày, cứng rắn đàm phán với các nhà cung cấp giảm giá từ 30-70%: Những biện pháp giúp Vietjet sống sót thần kỳ giữa bão Covid-19 - Ảnh 1.

Từ đầu năm 2020 cho tới nay, ngành công nghiệp hàng không trong nước và quốc tế đã chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19. Tuy nhiên, Vietjet đã cùng đất nước chiến đấu với khó khăn này nhờ nguồn tài chính tích lũy vững mạnh. Từ 21/1 đến 31/3/2020, công ty đã khai thác hàng nghìn chuyến bay, đưa hàng nghìn hành khách từ những vùng ảnh hưởng bởi dịch bệnh và chuyển hàng nghìn tấn hàng hóa thiết yếu cùng trang thiết bị y tế. Tất cả hành khách, phi hành đoàn và đội bay đều an toàn.

Tháng 4, khi cả nước đang trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, Giám đốc Vietjet Cargo nói rằng hãng vẫn duy trì 6 - 10 chuyến bay chở hàng hóa mỗi ngày, mang theo 10 tấn hàng hoá, thực phẩm, thiết bị y tế trên mỗi chuyến bay từ TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Công ty cũng mở một hành trình vận chuyển hàng hóa mới giữa Cần Thơ và Cam Ranh và còn có các chuyến bay chở hàng tới Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước Đông Nam Á. Tổng cộng họ vận chuyển hàng trăm tấn hàng hóa mỗi ngày trong giai đoạn này.

Vietjet cũng bắt đầu tự phục vụ các dịch vụ mặt đất ở sân bay Nội Bài. Trước đó, hoạt động này thuộc sở hữu độc quyền của các công ty dịch vụ ở sân bay. Tuy nhiên, việc tự phục vụ sẽ giúp Vietjet chủ động hơn và cải thiện chất lượng dịch vụ, đặc biệt là giảm chi phí và tăng doanh thu phụ tại sân bay.

Cứng rắn đàm phán với đối tác

Cùng với vận chuyển hàng hóa và hành khách, những thỏa thuận cứng rắn của Vietjet với các đối tác, nhà cung cấp để chung tay giảm khó khăn cũng góp phần đáng kể. Cụ thể, hãng này đã làm việc với các nhà cung cấp, tổ chức tài chính, ngân hàng trong và ngoài nước để cắt giảm từ 30 - 70% chi phí dịch vụ, giá cả và nới lỏng điều kiện thanh toán.

Hiện tại, Vietjet đang đạt được các thỏa thuận để nới rộng thanh toán tới 75-80% các thỏa thuận liên quan tới máy bay với các tổ chức tài chính quốc tế. Các khoản nợ tại HSBC, Citi Bank, World Bank và các ngân hàng trong nước cũng được gia hạn thêm từ 3 - 12 tháng.

Những hỗ trợ này sẽ giúp Vietjet tăng cường được các nguồn lực tài chính và tập trung vào các giải pháp cải thiện chất lượng dịch vụ, mở rộng hoạt động vận chuyển hàng hóa và tiếp cận với những giải pháp thương mại điện tử phát triển dựa trên nền tảng công nghệ thông tin như ứng dụng di động, ví điện tử và hệ thống quản lý chi phí.

Đại diện Vietjet cho biết rằng công ty tin rằng sự hợp tác và hỗ trợ của các ngân hàng sẽ giúp Vietjet nhanh chóng hồi phục.

Hỗ trợ của chính phủ

Vận chuyển cả trăm tấn hàng hoá mỗi ngày, cứng rắn đàm phán với các nhà cung cấp giảm giá từ 30-70%: Những biện pháp giúp Vietjet sống sót thần kỳ giữa bão Covid-19 - Ảnh 2.

Ngành công nghiệp hàng không là một trong những ưu tiên hàng đầu được nhận hỗ trợ từ chính phủ trong đại dịch. Chính phủ Mỹ đã chốt gói cứu trợ trị giá 25 tỷ USD cho các hãng hàng không nước này. tTrong khi đó Thái Lan đã giảm 96% thuế môi trường với những chuyến bay và 50% phí đỗ, cất cánh.

Tại Việt Nam, Chính phủ đang khẩn trương thông qua các gói hỗ trợ hàng không, cụ thể là miễn giảm các loại thuế, phí, dịch vụ hàng không, miễn giảm thuế môi trường cho nhiên liệu bay.

Tất cả những điều đó sẽ giúp ngành công nghiệp hàng không nhanh chóng hồi phục và có tình hình tài chính tốt để hỗ trợ nền kinh tế.

Khả năng phục hồi tốt

Một nghiên cứu bởi Đại học Belgrade và Bari vào năm 2017 về tình hình của 17 hãng hàng không ở châu Âu vào năm 2008 và 2012 cho thấy khả năng vực dậy của ngành này sau Covid-19.

Theo nghiên cứu, các hãng giá rẻ hoạt động hiệu quả hơn nhiều hãng lớn vào năm 2008 và 2012. Lý do là bởi họ có lợi thế về đầu vào - chủ yếu là nguồn lao động - và duy trì được chi phí quản lý tốt hơn các hãng khác. Các hãng vận chuyển giá rẻ cũng có mô hình kinh doanh hiệu quả - vốn rất thu hút các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán trong giai đoạn khủng hoảng.

Cùng thời điểm, giá nhiên liệu đang ở mức cực kỳ thấp. Đặc biệt giá loại dầu Jet A-1 hiện tại chỉ 23 USD/thùng, so với mức 80 USD vào năm ngoái. Để chuẩn bị hồi phục nhanh hơn, Vietjet cũng đang tiến hành thực hiện chương trình phòng ngừa rủi ro để bình ổn giá nhiên liệu - thứ vốn chiếm trên 40% chi phí hoạt động của cả hãng hàng không.

Ngành công nghiệp hàng không hiện đang trở thành nạn nhân trực tiếp nhất của khủng hoảng dịch bệnh. Tuy nhiên, các hãng hàng không có nguồn lực nội bộ và đội ngũ quản lý mạnh sẽ có thể phục hồi nhanh chóng khi khủng hoảng qua đi - đóng góp vai trò quan trọng trong sự phục hồi kinh tế nói chung.

Vận chuyển cả trăm tấn hàng hoá mỗi ngày, cứng rắn đàm phán với các nhà cung cấp giảm giá từ 30-70%: Những biện pháp giúp Vietjet sống sót thần kỳ giữa bão Covid-19 - Ảnh 5.

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM