USD tăng, vàng giảm sau dữ liệu GDP quý IV tích cực của Mỹ

27/01/2023 09:46 AM | Kinh doanh

Đồng USD tăng sau dữ liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ duy trì tốc độ tăng trưởng trong quý IV/2022, mặc dù động lực thúc đẩy có vẻ chậm lại vào cuối năm.

USD tăng, vàng giảm sau dữ liệu GDP quý IV tích cực của Mỹ - Ảnh 1.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ quý vừa qua tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước, sau khi tăng 3,2% trong quý III/2022, dữ liệu từ Bộ Thương mại cho biết. Tỷ lệ 2,9% là cao hơn khá nhiều so với dự đoán của các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của Reuters (dự đoán là 2,6%).

Trong khi đó, thông tin từ Bộ Lao động Mỹ cho biết số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ban đầu trong tuần kết thúc vào ngày 21 tháng 1 đã giảm 6.000 xuống mức 186.000 (dữ liệu đã điều chỉnh theo mùa).

Stuart Cole, nhà kinh tế trưởng phụ trách các vấn đề vĩ mô của Equiti Capital ở London, cho biết: "Dữ liệu của Mỹ vẽ nên một bức tranh hơi phức tạp. Dữ liệu cho thấy một nền kinh tế đang tiếp tục thể hiện khả năng phục hồi mặc dù Fed cho đến nay vẫn tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ". "Nhưng đóng góp lớn cho mức tăng trưởng đó là hàng tồn kho, một thành phần gần như chắc chắn sẽ yếu đi khi chúng ta bước qua năm 2023".

"Do đó, về tổng thể, đó là một bức tranh trung lập về tác động của các dữ liệu đối với kỳ vọng về chính sách của Fed trong tương lai," ông Cole nói.

Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – lúc kết thúc ngày 26/1 theo giờ Việt Nam tăng 0,41% lên 102,0622.

Đồng euro giảm 0,28% so với đô la Mỹ, xuống 1,0884 USD, nhưng không xa mức cao nhất trong 9 tháng, là 1,09295 USD chạm tới hôm thứ Hai (23/1).

So với đồng yen Nhật Bản, đồng đô la tăng 0,59% lên 130,345 JPY/USD.

Mặc dù tăng trong phiên vừa qua, song các nhà phân tích cho biết USD đang ở trong vị thế không tốt, có vẻ như đang trên bờ vực suy giảm mạnh, do sự kết hợp của các yếu tố cơ bản và kỹ thuật.

Dollar index đang liên tiếp trồi sụt, vừa qua đã chạm mức thấp nhất trong vòng 8 tháng, do báo cáo thu nhập của nhiều doanh nghiệp Mỹ cho thấy tình trạng ảm đạm, làm dấy lên lo ngại về triển vọng kinh tế sẽ suy yếu.

Trong khi đó, lạm phát chậm lại ở các nền kinh tế phát triển đã thúc đẩy suy đoán rằng các ngân hàng trung ương, bao gồm cả Fed, có thể sớm dừng tăng lãi suất. Điều đó đã gây áp lực giảm giá đối với đồng tiền của Mỹ.

Tâm điểm chú ý của thị trường tài chính lúc này chuyển sang cuộc họp của các ngân hàng trung ương vào tuần tới, bao gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB).

Các nhà giao dịch nhìn chung tin rằng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào thứ Tư tới, giảm một nửa so với mức tăng 50 điểm cơ bản hồi tháng 12. Trong khi đó, ECB gần như đã cam kết tăng lãi suất cơ bản thêm nửa điểm phần trăm vào tuần tới.

Đồng bảng Anh hầu như không thay đổi trong so với đồng đô la Mỹ trong phiên 26/1, nhưng tính từ đầu tuần đến nay đã giảm tuần thứ 3 liên tiếp, trong bối cảnh các nhà giao dịch vẫn lo ngại về nhiệm vụ mà Ngân hàng Anh phải đối mặt trong việc kiểm soát lạm phát mà không gây tổn hại cho nền kinh tế.

Đồng đô la của Úc chạm mức cao mới trong 7 tháng so với đô la Mỹ, là 0,71425 USD, do kỳ vọng ngày càng tăng rằng Ngân hàng Dự trữ Úc sẽ tăng lãi suất sau khi dữ liệu cho thấy lạm phát của nước này tăng lên mức cao nhất trong 33 năm vào quý trước

Đồng đô la Canada cũng tăng so với đồng đô la Mỹ, một ngày sau khi Ngân hàng Trung ương Canada tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản ở mức đúng như dự kiến, một động thái có thể đánh dấu sự kết thúc chiến dịch thắt chặt mạnh mẽ của ngân hàng trung ương nước này. Ở 4,5% hiện nay, lãi suất của Canada đang cao nhất trong vòng 15 năm, Ngân hàng trung ương Canada trở thành ngân hàng trung ương lớn đầu tiên trên toàn cầu cho biết họ có thể sẽ tạm dừng các đợt tăng lãi suất tiếp theo kể từ lúc này, sau những đợt tăng mạnh nhằm chống lại lạm phát.

Trong khi đó, tỷ lệ đặt cược rằng các đồng đô la Singapore và ringgit của Malaysia tăng giá tiếp tục được củng cố lên mức cao nhất trong 5 năm sau khi Trung Quốc xoay trục khỏi các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt áp dụng trong giai đoạn đại dịch COVID-19 - làm thúc đẩy nhu cầu của các nhà đầu tư đối với các loại tiền tệ mới nổi của châu Á.

Kết quả khảo sát của Reuters cho thấy các nhà đầu tư đã lạc quan về tất cả 9 loại tiền tệ mới nổi của châu Á lần đầu tiên sau gần hai năm.

Nhà phân tích Suresh Ramanathan của RHB Group cho biết: "Vị thế của các đồng tiền châu Á có thể sẽ duy trì ổn định với xu hướng tăng giá do thực tế là thị trường đang định giá việc Fed sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất".

Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin tiếp tục tăng lên mức 22.995 USD vào lúc kết thúc ngày 26/1 theo giờ Việt Nam, sau khi đã tăng 1/3 giá trị kể từ đầu tháng 1.

Giá vàng thế giới giảm sau khi dữ liệu cho thấy GDP quý IV của Mỹ vẫn tăng mạnh, nhưng các dấu hiệu về khả năng GDP Mỹ sẽ giảm trong quý tiếp theo có thể hạn chế xu hướng giảm giá của mặt hàng vàng.

Lúc kết thúc ngày 26/1 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay giảm 0,5% xuống 1.936,81 USD/ounce, trước đó có lúc giảm xuống 1.930,99 USD mặc dù đầu phiên đã tăng chạm mức cao nhất kể từ tháng 4 năm 2022, là 1.949,09 USD. Giá vàng kỳ hạn tháng 2 giảm 0,3% xuống còn 1.937,60 USD.

Tai Wong, nhà kinh doanh cấp cao của Heraeus Precious Metals ở New York, cho biết: "Mặc dù vàng vẫn bị áp lực phần nào bởi Fed vẫn có dư địa để tăng lãi suất trong thời gian dài hơn, nhưng mặt khác, những lo ngại về việc một số dữ liệu kinh tế chậm lại, nhất là tình trạng sa thải nhân công, đang hạn chế xu hướng giảm của giá vàng". Theo ông Wong: "Điều đó đang mang lại động lực cho những người đầu cơ giá lên - được hỗ trợ bởi các động thái kỹ thuật mạnh mẽ trong vài tháng qua."

Tham khảo: Refinitiv, Coindesk

Theo Vũ Ngọc Diệp

Cùng chuyên mục
XEM