Uống phải C2 nhiễm chì, người tiêu dùng phải làm gì để được bồi thường quyền lợi chính đáng?

01/06/2016 14:15 PM | Kinh doanh

Theo Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, thật khó để người tiêu dùng đòi được bồi thường nếu họ uống phải một chai C2 hay Rồng Đỏ nhiễm chì.

Có hàng trăm nghìn chai C2, Rồng đỏ có hàm lượng chì cao gấp hàng chục lần mức công bố đã được đưa vào thị trường. Điều này có nghĩa là có thể một bộ phận không nhỏ người dân đã vô tình uống phải số hàng hóa không đảm bảo chất lượng này.

Theo Luật Bảo vệ Người tiêu dùng, Người tiêu dùng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.

Trong trường hợp này, người tiêu dùng sử dụng chai C2 nhiễm chì hoàn toàn có quyền được đòi bồi thường từ phí URC.

Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để được bồi thường?

Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, quá khó để người tiêu dùng đòi được bồi thường từ URC khi uống chai C2 nhiễm chì hay nước Rồng Đỏ nhiễm chì.

Bởi, theo nguyên tắc bồi thường thiệt hại thì phải chứng minh được là do uống nước C2 hay Rồng đỏ với mức chì quá ngưỡng cho phép dẫn đến hệ quả xảy ra các căn bệnh với mình.

"Uống chai nước C2 hay Rồng đỏ nhiễm chì thì việc tích tụ chì trong cơ thể phải mất thời gian khá dài, không phát bệnh luôn nên vừa uống sản phẩm này mà cho rằng sẽ gây tác hại ngay thì sẽ khó mà chứng minh được.

Tóm lại, trong trường hợp này rất khó chứng minh C2 mình đã mua, uống nhiễm chì và ảnh hưởng đến sức khỏe của mình, ngoại trừ lấy thứ trong dạ dày mới uống để làm thí nghiệm. Thậm chí, kể cả có lấy ra được thật, cũng rất khó kết luận", Luật sư Trần Minh Hùng nhận định.

Ngoài ra, theo Luật sư Hùng, nếu chẳng may mua phải chai nước C2 nhiễm chì, muốn chứng minh, người tiêu dùng cần báo ngay với cơ quan có thẩm quyền hoặc mời Thừa phát lại lập vi bằng về chai nước để ngay lập tức ghi lại sự kiện, thu giữ làm bằng chứng.

Đồng thời, còn có các chứng từ như hóa đơn, biên lai, hợp đồng... liên quan đến việc mua bán số hàng hóa đó.

"Chúng ta không thể chứng minh hại trước mắt nhưng qua việc kết luận sản phẩm không đạt chất lượng thì lúc này không khó để kết luận sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe về sau của người tiêu dùng bằng các nghiệp vụ, chuyên ngành liên quan...", Luật sư Hùng phân tích.

Vậy người tiêu dùng cần làm gì để bảo vệ quyền lợi chính đáng?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN cho hay:

Trong vụ việc này, để khiếu kiện, đưa vụ việc ra tòa và đòi bồi thường cho từng cá nhân, không đơn giản, bởi từng người tiêu dùng mua số lượng ít, mua lẻ và hiện đã sử dụng hết nên việc đánh giá ảnh hưởng với sức khỏe từng người là khó khăn.

Từ thực tế vụ việc này, ông Hùng cũng đưa ra đề xuất nên thành lập một quỹ để dành riêng cho các hoạt động bảo vệ người tiêu dùng, và sẽ giúp việc bồi thường cho người tiêu dùng được tốt hơn.

Luật sư Phạm Công Út (TP Hồ Chí Minh) tư vấn: "Người tiêu dùng nếu đã uống phải C2, Rồng đỏ vượt ngưỡng chì cho phép thì cần thu thập chứng cứ để chứng minh việc mình đã mua những chai nước này ở đâu, thời gian nào, đã uống hay chưa uống, có thiệt hại về sức khỏe hay không.

Thậm chí, đây cũng có thể là cơ hội cho những người đã uống phải loại nước này đi xét nghiệm toàn diện sức khỏe.

Dù có hoặc chưa có tổn thất gì về sức khỏe, nhưng đó cũng là tổn thất tài chính vì phải làm xét nghiệm y khoa, thậm chí cả tổn thất về tinh thần nếu có chứng cứ cho rằng họ hoang mang lo sợ khi cho rằng mình đã "uống thuốc độc".

Tất cả những tổn thất này, nếu có đầy đủ chứng cứ thì đều có thể yêu cầu bồi thường", luật sư Út nói.

Còn luật sư Lê Văn Thiệp, Trưởng Văn phòng Luật sư Toàn Cầu (Hà Nội) cũng phân tích, nếu người dân chẳng may uống phải sản phẩm không đảm bảo chất lượng của URC thì phải cần tự ý thức về việc đi kiểm tra ngay sức khỏe của mình tại các cơ sở y tế có chuyên môn.

Bởi các nhà khoa học đã nêu rõ, chì là một kim loại nặng cực độc, sẽ rất nguy hiểm cho người dùng nếu dung nạp vì nó tích lũy lâu nhưng thải trừ rất chậm ra khỏi cơ thể.

Sau khi đi khám, nếu phát hiện có các triệu chứng do việc uống các loại nước trên có lượng chì cao hơn mức cho phép gây ra thì cần tiến hành điều trị và toàn bộ các kết quả xét nghiệm, điều trị... phải được lưu giữ lại để làm cơ sở yêu cầu bồi thường.

"Theo nguyên tắc bồi thường thiệt hại thì phải có mối quan hệ nhân quả, tức là cần chứng minh được là do uống nước C2 hay Rồng đỏ với mức chì quá ngưỡng cho phép dẫn đến hệ quả xảy ra các căn bệnh đối với mình.

Việc chứng mình này cần căn cứ trên các xét nghiệm, kết luận về y khoa của cơ quan y tế có thẩm quyền hay trưng cầu giám định.

Sau khi xác định được nguyên nhân thì cần phải chứng minh được thiệt hại thực tế gây ra, để từ đó yêu cầu công ty này phải bồi thường", luật sư Thiệp nói.

K.L

Cùng chuyên mục
XEM