Tỷ phú Trung Quốc xuất thân từ gia đình nông dân thành đối thủ 'đáng gờm' của Elon Musk

11/08/2022 11:00 AM | Kinh doanh

Công ty sản xuất xe điện BYD của tỷ phú Wang Chuanfu bán được nhiều xe hơn Tesla của Elon Musk trong nửa đầu năm 2022.

Cha đẻ của BYD, Wang Chuanfu. Ảnh: Sam Tsang.
Cha đẻ của BYD, Wang Chuanfu. Ảnh: Sam Tsang.

Khoảng 20 năm trước, tỷ phú Trung Quốc Wang Chuanfu có ý định mua lại một hãng sản xuất ôtô thuộc sở hữu nhà nước bị phá sản và thay thế động cơ đốt trong bằng pin để tạo nên doanh nghiệp xe điện của riêng mình. Ngày nay, công ty BYD của ông đã soán ngôi Tesla với tư cách là nhà sản xuất xe điện phổ biến nhất thị trường (theo doanh số), theo Financial Times.

Tháng 7, Forbes thậm chí còn đưa tin rằng giá cổ phiếu của BYD đã tăng 90% bất chấp số ca nhiễm Covid-19 ở Trung Quốc tăng và ông Wang bỏ túi thêm 7 tỷ USD. Tài sản cá nhân của ông hiện là hơn 25 tỷ USD, giúp ông trở thành người giàu thứ 22 ở Trung Quốc, Financial Times cho hay.

Nhà hoá học cũng là doanh nhân tỷ phú này được biết đến nhiều bởi những ý tưởng sáng tạo. Với việc công ty của ông đang thống trị thị trường xe điện, có vẻ như ông Wang, 56 tuổi, sẽ không sớm bước sang lĩnh vực nào khác.

BYD được tỷ phú Warren Buffett hậu thuẫn

BYD, viết tắt của “build your dreams” (tạm dịch: xây dựng ước mơ của bạn), được hậu thuẫn bởi tỷ phú Warren Buffett. Năm 2003, BYD chuyển từ vị thế là nhà sản xuất pin điện thoại di động có thể sạc lại lớn nhất thế giới trở thành công ty đi đầu trong lĩnh vực ôtô.

Tuy nhiên, BYD ít được công nhận thương hiệu ở bên ngoài Trung Quốc dù công ty này bán được hơn 641.000 xe điện trong nửa đầu năm 2022, theo Forbes. CNBC từng đưa tin rằng BYD bán được khoảng 130.000 chiếc xe trong năm ngoái. Thành công của BYD chủ yếu đến từ việc họ có thể chế tạo ra loại pin bền hơn và xe giá rẻ hơn các đối thủ ở Mỹ và Nhật Bản, Fortune cho hay.

Tỷ phú Trung Quốc xuất thân từ gia đình nông dân thành đối thủ đáng gờm của Elon Musk - Ảnh 1.

Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett đầu tư vào BYD từ năm 2008. Ảnh: AP.


Năm 2008, tỷ phú Buffett mua 10% cổ phần của BYD với giá 232 triệu USD. Tính đến tháng 7, giá trị của số cổ phần đó tăng gấp 33 lần sau 13 năm đầu tư, theo Nikkei. Tuy nhiên, có tin đồn rằng số cổ phần của vị tỷ phú này đang được rao bán và giá cổ phiếu của BYD đang bị ảnh hưởng. 

“Anh chàng này là sự kết hợp giữa Thomas Edison và Jack Welch. Giống Edison trong việc giải quyết các vấn đề kỹ thuật và giống Welch trong việc quyết tâm hoàn thành những thứ anh ấy cần làm. Tôi chưa bao giờ gặp ai như vậy”, Charlie Munger, Phó chủ tịch của Berkshire Hathaway, nhận định về ông Wang.

Cách BYD truất ngôi vị của Tesla

BYD đang cạnh tranh trực tiếp với Tesla của tỷ phú Elon Musk để trở thành nhà sản xuất ôtô điện lớn nhất thế giới. Musk từng thẳng thừng chê xe của BYD trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg vào năm 2011: “Bạn đã thấy xe của họ chưa? Tôi nghĩ họ tạo ra một sản phẩm chưa đủ tốt”.

Vậy ông Wang đã đánh bại Musk như thế nào? BYD và ông Wang dường như gặp ít vấn đề hơn khi đại dịch Covid-19 bùng phát, thậm chí còn kiếm được lợi nhuận cao nhờ khả năng đa dạng hoá chuỗi cung ứng và cơ sở sản xuất của công ty. Trong khi đó, Musk phải đóng cửa nhà máy ở Trung Quốc của mình để tuân thủ lệnh phong toả suốt hai tháng của chính quyền thành phố Thượng Hải.

BYD cũng có một mô hình kinh doanh độc đáo, trong đó, công ty này không lấy nguồn cung các bộ phần từ các nhà sản xuất chuyên biệt. Thay vào đó, họ tự sản xuất chip và pin (chiếm khoảng 90% phụ tùng cho xe điện của họ) cũng như xe điện nên BYD không bị ảnh hưởng bởi tình trạng căng thẳng nguồn cung và logistics, Forbes giải thích.

Tỷ phú Trung Quốc xuất thân từ gia đình nông dân thành đối thủ đáng gờm của Elon Musk - Ảnh 2.

Mẫu xe điện của BYD. Ảnh: Bloomberg.


Năm 2022, BYD đã đánh bại Tesla về doanh số khi họ bán được 641.350 chiếc trong 6 tháng đầu năm, còn Tesla chỉ giao được khoảng 564.740 chiếc. 

Khi được hỏi tại sao lại tìm cách xây dựng một công ty sản xuất ôtô điện, ông Wang nói với CNBC rằng: “Vì xăng là thứ gây ra vấn đề về môi trường, chúng ta phải bắt đầu phát triển ôtô điện. Triển vọng của ôtô điện ở Trung Quốc rất sáng sủa”.

BYD đang liên doanh với Mercedes-Benz để sản xuất xe tải điện với giá khởi điểm là 50.000 USD một chiếc. Tuy nhiên, trọng tâm chính của BYD hiện vẫn là xe du lịch, xe bus, xe tải, xe đạp điện, xe nâng hàng hoá và pin có thể sạc lại.

BYD sản xuất 5 triệu khẩu trang mỗi ngày trong mùa dịch Covid-19

Theo Fortune, nhà sản xuất ôtô điện này cũng là nhà sản xuất khẩu trang lớn nhất thế giới, với sản lượng khoảng 5 triệu chiếc mỗi ngày. Ông Wang được cho là một trong những doanh nhân đầu tiên chuyển sang sản xuất khẩu trang để đáp ứng nhu cầu của thế giới trong đại dịch Covid-19.

Khi đó, ông thành lập một nhóm nhân viên chuyên thiết kế và xây dựng dây chuyển sản xuất mới để sản xuất khẩu trang và chất khử khuẩn cho tay. Với sự giúp đỡ của 3.000 kỹ sư, BYD chế tạo máy sản xuất khẩu trang trong vòng 7 ngày. Hiện nay, họ có thể sản xuất được hàng chục chiếc máy như thế mỗi ngày, China Daily cho biết.

Đầu năm 2020, ông Wang nói: “Với tư cách là đại diện của ngành sản xuất Trung Quốc, chúng tôi cảm thấy nên giúp một tay trong đại dịch Covid-19 và sử dụng tất cả sức mạnh của mình để sản xuất những chiếc khẩu trang vốn đang rất cần thiết này”.

“Cha đẻ” của BYD là ai?

Sinh ra ở huyện Wuwei, tỉnh An Huy, trong một gia đình nông dân nghèo, ông trùm xe điện Wang Chuanfu được chính các anh chị em của mình nuôi dưỡng sau khi cha mẹ qua đời, theo nhiều nguồn thông tin. Sau đó, ông theo học ngành hoá học tại Đại học Trung Nam và lấy bằng thạc sĩ của Beijing Non-Ferrous Research Institute, nơi đã đưa ông đến làm việc trong chính phủ với tư cách là nhà nghiên cứu trước khi thành lập BYD vào những năm 90.

Nhưng ông Wang phải đối mặt với nhiều khó khăn lớn trong thời gian đầu do chính phủ không có nguồn vốn dành cho các nhà nghiên cứu. Ông phải vay tiền từ người thân để thành lập cửa hàng pin nickel của mình, theo Financial Times.

Tỷ phú Trung Quốc xuất thân từ gia đình nông dân thành đối thủ đáng gờm của Elon Musk - Ảnh 3.

Ông Wang Chuanfu sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo nhưng là người có nghị lực vượt khó. Ảnh: Jonathan Wong.


Khi được hỏi tại sao lại bước chân vào ngành xe điện, vị tỷ phú này trả lời: “Tôi nghĩ nó bắt nguồn từ tính tò mò. Khi thấy điều gì đó tốt, chúng tôi sẽ tự hỏi tại sao nó lại tốt như vậy và muốn tìm hiểu lý do cũng như cách nó được tạo ra, qua đó tìm ra được gốc rễ sâu xa của điều tốt đẹp đó”.

Ông cũng mang niềm tự hào về đất nước của mình và chia sẻ rằng: “Tôi tin các công ty Trung Quốc có thể trở thành người dẫn đầu trong lĩnh vực kinh doanh xe điện vì chúng tôi có thể sản xuất ra những chiếc pin tốt”.

Tài sản ròng 25 tỷ USD

Mặc dù đã lên 27 tỷ USD vào tháng 7, song tài sản ròng của ông Wang lại giảm nhẹ về 25 tỷ USD vào ngày 9/8, theo số liệu thời gian thực của Forbes. Dẫu vậy, đây vẫn là một khối tài sản khổng lồ.

Ông Wang từng đứng đầu danh sách người giàu nhất Trung Quốc của Forbes vào năm 2009 sau khi BYD được ông Buffett đầu tư, China Daily đưa tin. Vào thời điểm đó, ông Wang kiếm được 5,1 tỷ USD và đứng dầu danh sách người giàu nhất Trung Quốc hàng năm do Hurun công bố.

Năm 2021, Forbes cho biết tài sản của ông Wang tăng lên 23,5 tỷ USD và đưa ông trở thành người giàu thứ 14 Trung Quốc nhờ giá cổ phiếu BYD tăng gấp hai lần.

Theo Thạch Lam

Cùng chuyên mục
XEM