Tuyên truyền ATTP đến các hộ nhỏ lẻ: Bao giờ mới "thấm"?

20/06/2019 08:30 AM | Xã hội

Công tác tuyên truyền ATTP của các cơ quan ban ngành đã đem đến những thay đổi nhất định nhưng chưa mang đến hiệu quả triệt để. Việc tiếp cận các hộ kinh doanh quy mô nhỏ lẻ vẫn còn nhiều khó khăn. Phải chăng cần một cách tiếp cận hiệu quả hơn?

Tuyên truyền ATTP “gặp khó” với các hộ kinh doanh nhỏ, lẻ

Chiếm thị phần lớn với hàng chục nghìn cơ sở, hàng trăm nghìn lao động, các nhà hàng, quán ăn nhỏ lẻ đã tạo nên một thị trường kinh doanh thực phẩm sôi động. Không cố định, tự phát và mang tính thời vụ là những đặc điểm phổ biến của loại hình kinh doanh này, khiến việc tuyên truyền của các cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn. Nhiều chủ cơ sở vì lợi nhuận mà chưa chú trọng, quan tâm đúng mức đến nguồn gốc, chất lượng nguyên liệu đầu vào. Bên cạnh đó, quy trình chế biến, bảo quản thức ăn cũng không tuân theo một tiêu chuẩn ATTP nào nhất định.

Mặc dù đã rất nỗ lực trong việc tuyên truyền đến các hộ kinh doanh vấn đề ATTP, các cơ quan chức năng vẫn gặp nhiều khó khăn do hạn chế về kinh phí, cộng với lực lượng cán bộ mỏng. Kết quả là việc tuyên truyền dù có diễn ra nhưng khó có thể đạt được tác động sâu rộng như mong muốn.

Tuyên truyền ATTP đến các hộ nhỏ lẻ: Bao giờ mới thấm? - Ảnh 1.

Hàng quán nhỏ lẻ, nay đây mai đó khó kiểm soát?

Ông Trần Ngọc Tụ - Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm Hà Nội trong toạ đàm trực tuyến "Nhân rộng mô hình tuyến phố ATTP có kiểm soát" (3/2019) cũng thừa nhận: "Việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát còn khó khăn do chủ cơ sở thường xuyên vắng mặt, chỉ tiếp cận được với nhân viên bán hàng." Hay như có trường hợp người bán cứ mở ra kinh doanh, không hề đăng ký nên rất khó quản lý. Hoặc có trường hợp quán ăn mới mở ra tháng trước, chưa kịp kiểm tra, tháng sau đã đổi chủ…

Mặt khác, thay đổi nhận thức ATTP không phải việc một sớm một chiều vì vậy cần phải duy trì thường xuyên thì mới đủ "thấm". Nhiều hộ kinh doanh cho biết thỉnh thoảng có nhận tài liệu hướng dẫn nguyên tắc đảm bảo ATTP nhưng do không thường xuyên được "nhắc" nên dẫn đến "quên". Chị N.T.L (chủ quán bún, Ba Đình, Hà Nội,) cho biết: "Mình nấu cho khách thì cũng như nấu cho nhà ăn thôi, nghĩ vậy là kỹ rồi. Nhưng so với mấy cái hướng dẫn ATTP thì cũng có lúc làm không đúng, ví dụ như đeo bao tay này nọ. Được cán bộ kiểm tra nhắc nhở thì mình chấn chỉnh luôn nhưng lâu lâu lại quên..."

Anh Đ.M.N (chủ quán hủ tiếu, TP.HCM) thì cho rằng, tài liệu hướng dẫn ATTP còn khô khan, không dễ thực hành chế biến. "Tôi thấy việc hướng dẫn quy tắc ATTP không chỉ dành riêng cho chủ quán mà nên tập huấn cho cả nhân viên, người phục vụ nữa. Nếu có những tài liệu trực quan, sinh động thì dễ nhớ hơn. Vả lại, phải làm sao để ATTP là ý thức phải có của mỗi hộ kinh doanh, chứ không phải khi nhắc tới chuyện kiểm tra thì mới "đối phó"." – Anh góp ý.

Công nghệ - hy vọng thắp sáng "góc khuất ATTP" từ các hộ kinh doanh nhỏ lẻ?

Thực tế, cơ sở dữ liệu của các cơ quan ban ngành khó có thể bao quát được toàn bộ các nhà hàng, quán ăn nhỏ lẻ đang hoạt động. Điều này dẫn tới nhiều khó khăn trong việc truyền tải ATTP đến từng hộ. Trong khi cách tiếp cận truyền thống tốn kém về nhân lực, thời gian, tiền bạc thường không mang lại nhiều hiệu quả tuyên truyền tới các hộ kinh doanh nhỏ lẻ.

Phải chăng, chúng ta cần một hướng tiếp cận mới, nhất là trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển ở Việt Nam hiện nay. Có thể kể đến những doanh nghiệp đang hoạt động trong mảng giao nhận thức ăn trực tuyến đang ngày càng nở rộ. Với khả năng tương tác hàng ngày, hàng giờ tới các đối tác nhà hàng, quán ăn, giờ đây các ứng dụng có thể truyền tải thông điệp ATTP thường xuyên, liên tục; từ đó góp phần nâng cao nhận thức về ATTP cho các đối tượng này.

Anh N.T.P (nhà hàng đối tác trên ứng dụng GrabFood, TP.HCM): "Tôi vừa được nhận thông báo bí quyết bảo quản thực phẩm ngày nắng để tránh nhiễm khuẩn nè. Hôm qua thì nhắc giữ vệ sinh khi chế biến. Cứ được nhắc hoài như thế, mình không thể không chú trọng đến vấn đề ATTP được".

Bên cạnh đó, nếu các ứng dụng có thể xây dựng, thiết kế các nội dung tuyên truyền dễ nhớ, dễ hiểu và thiết thực sẽ giúp các hộ kinh doanh dễ thực hành, đồng thời các kiến thức về ATTP cũng trở nên gần gũi hơn. Mới đây, Grab (thông qua GrabFood) đã có những động thái tích cực đầu tiên khi đồng hành cùng Cục An toàn thực phẩm tổ chức ngày An toàn thực phẩm thế giới lần đầu tiên tại Việt Nam vào ngày 7/6/2019 vừa qua. Với mục tiêu nâng cao nhận thức về ATTP, chương trình trước hết phổ biến "5 chìa khoá ATTP" của WHO đến hàng ngàn hộ kinh doanh, tiếp theo sẽ là các lớp tập huấn kiến thức ATTP dành cho các đối tượng kinh doanh nhỏ lẻ.

Tuyên truyền ATTP đến các hộ nhỏ lẻ: Bao giờ mới thấm? - Ảnh 2.

Doanh nghiệp công nghệ đồng hành cùng cơ quan chức nâng cao nhận thức ATTP

Quá trình không ngừng mở rộng mạng lưới hợp tác với các nhà hàng, quán ăn là cơ hội để các cơ quan ban ngành phối hợp cùng các doanh nghiệp giao nhận thức ăn trực tuyến giải quyết vấn đề ATTP ngày một sâu rộng hơn. Bên cạnh đó, việc tổ chức các hoạt động "offline" hỗ trợ người kinh doanh nếu có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan ban ngành cùng các doanh nghiệp đồng hành sẽ tạo được hiệu quả cao.

Có thể nói, chiếm đa số trong thị trường kinh doanh thực phẩm, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ nắm một vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề VSATTP. Hơn ai hết, các doanh nghiệp công nghệ sẽ chính là cầu nối giúp các đơn vị chức năng tiếp cận được các đối tượng này.

Ánh Dương

Từ khóa:  ATTP
Cùng chuyên mục
XEM