Tưởng vô hại nhưng đây là câu hỏi đánh bại ứng viên phỏng vấn nhiều nhất: "Bạn có muốn hỏi gì không"?

22/08/2019 07:15 AM | Sống

Tuy chỉ là câu hỏi ngắn nhưng đa số các nhà tuyển dụng đều đánh giá cao nếu ứng viên đặt câu hỏi hay, hợp lý và trúng trọng tâm trong buổi phỏng vấn.

Mục tiêu của cuộc phỏng vấn không chỉ để công ty tìm ra một nhân viên ưu tú nhất, mà còn một người thích hợp ngồi vào vị trí còn khiếm khuyết để phát huy hết tài năng. Và khi ứng viên đi săn việc làm cũng là một quá trình lựa chọn hai chiều, không chỉ để chúng ta thể hiện ưu điểm tốt nhất, mà còn là cơ hội hiếm có để tìm hiểu về các nhà tuyển dụng mới.

Trong một cuộc phỏng vấn, sau khi giải đáp hết thắc mắc từ phía công ty, ứng viên thường nhận một câu hỏi "Bạn có muốn đặt câu hỏi nào không"? Đây chính là một cái hố mà các nhân sự muốn tạo ra để thử thách ứng viên mà đa số ai thiếu kinh nghiệm cũng sụp bẫy. Tuy chỉ là một câu hỏi ngắn, tưởng chừng đơn giản nhưng lại chiếm tỷ trọng khá lớn để đánh giá kết quả cuối cùng trong buổi phỏng vấn.

Với những bạn đã quen với việc trả lời, đột nhiên được trao tặng sự chủ động chắc chắn sẽ có chút bối rối, kết quả là sẽ không có câu hỏi nào cả, hoặc một câu nào đó không liên quan, vô thưởng vô phạt. Trên thực tế, việc có thể hỏi một câu hỏi hay trong cuộc phỏng vấn sẽ không chỉ cho bạn biết thêm về nhà tuyển dụng mới, mà còn để lại ấn tượng tốt về nhân sự.

Tưởng vô hại nhưng đây là câu hỏi đánh bại ứng viên phỏng vấn nhiều nhất: Bạn có muốn hỏi gì không? - Ảnh 1.

Muốn biết rõ về công ty, một câu hỏi hay là điều rất quan trọng

Ba câu hỏi mà ứng viên nên tránh khi được trao quyền

Đầu tiên đừng đặt các câu hỏi về thông tin cơ bản của công ty hay vị trí ứng tuyển

Một nữ sinh từng chia sẻ lên trang cá nhân câu chuyện đau thương như sau, trước đây cô từng đến công ty nọ để phỏng vấn. Nhân sự đã hỏi rằng cô có câu hỏi nào hay không? Với tính cách hồn nhiên, cô nàng liền nói "Những phẩm chất nào công ty cần có ở vị trí này"?

Người phỏng vấn cô cau mày. "Khi bạn hỏi câu hỏi này, tôi chắc chắn rằng bạn không biết gì về vị trí ứng tuyển. Nếu bạn hiểu rõ về công ty của chúng tôi cũng như vị trí sắp tới, bạn sẽ không hỏi câu hỏi ngu ngốc như vậy". Tất nhiên kết quả của cuộc tuyển dụng ra sau thì ai cũng đã rõ.

Tiếp theo đừng nên nói chuyện với người tuyển dụng những nội dung không liên quan đến công việc.

Một số ứng viên muốn gần gũi hơn với người phỏng vấn và cố gắng tạo bầu không khí tích cực cho nên thường sai lầm khi hỏi những câu như: Các trung tâm thương mại bên cạnh công ty có thường giảm giá không? Nhân viên công ty cuối tuần thường đi giải trí ở đâu?...

Cuối cùng là đừng hỏi những câu hỏi không có câu trả lời.

Do công ty có nhiều vị trí và quản lý khác nhau, bộ phận tuyển dụng có thể không thể trả lời tất cả các câu hỏi của bạn. Ví dụ, nhân sự có thể không biết tình hình kinh doanh cụ thể của bộ phận của bạn, hoặc họ không muốn chia sẻ thông tin cho người mới.

Tưởng vô hại nhưng đây là câu hỏi đánh bại ứng viên phỏng vấn nhiều nhất: Bạn có muốn hỏi gì không? - Ảnh 2.

Và đây là ba câu hỏi ứng viên nên lưu tâm nhất

Trước tiên hãy hỏi về sự phát triển về vị trí mà bạn ứng tuyển

Câu hỏi trên có thể khiến người phỏng vấn cảm thấy bạn là một người có mục tiêu và kế hoạch dài hạn, phản ánh đầy đủ những kỳ vọng về vị trí ứng tuyển. Đồng thời, ứng viên cũng có thể hiểu sự phát triển của vị trí này có phù hợp với sự phát triển trong tương lai của bạn hay không.

Thứ hai, bạn có thể hỏi công ty có chính sách, chương trình đào tạo nào để trau dồi năng lực cho nhân viên

Một công ty coi trọng sự phát triển thì luôn đầu tư vào năng lực của nhân viên, bạn sẽ thấy điều đó từ chia sẻ của người phỏng vấn. Và câu hỏi này còn giúp nhân sự cảm thấy rằng bạn là ứng viên tốt với chiến lược lâu dài, khi biết quan tâm đến văn hoá công ty và môi trường làm việc.

Thứ ba, trình bày kế hoạch phát triển trong tương lai của công ty cũng là một điểm cộng tốt

Cách đây không lâu, nhân sự của một công ty xe hơi nổi tiếng đã tâm sự về một ứng viên tiềm năng trong buổi phỏng vấn. Bạn trẻ ấy đã hỏi một câu hỏi thể hiện tầm nhìn xa trông rộng như sau: "Tôi thấy trong tin tức rằng Thượng Hải muốn xây dựng một bãi đậu xe mới. Công ty có muốn tập trung phát triển thị trường Trung Quốc trong năm nay không"?

Tổng kết lại, chiến lược đặt câu hỏi này sẽ khiến người phỏng vấn cảm thấy rằng, bạn thực sự muốn biết nhiều hơn về công việc và tăng thêm niềm tin của nhân sự thêm một lần nữa.

Theo Phạm Hùng

Cùng chuyên mục
XEM