Tương ớt Cholimex - 'cay vừa miệng' Masan

18/03/2016 09:05 AM | Kinh doanh

Theo thời gian, tương ớt đang dần trở thành thói quen khi ăn uống của người Việt, kéo theo đó là cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sản xuất tương ớt.

Tại quốc gia có nền ẩm thực phong phú như Việt Nam, câu chuyện giữa các doanh nghiệp chuyên sản xuất gia vị, nước chấm cũng khá gay cấn. Với các loại gia vị truyền thống, các DN nước ngoài không có nhiều lợi thế vì không hợp khẩu vị bản địa. Vì vậy, đây là thị trường cạnh tranh giữa các DN nội với nhau.

Thị trường tương ớt là một ví dụ điển hình. Hiện tại, sản phẩm tương ớt đóng chai được thống trị bởi 4 doanh nghiệp nội, gồm Masan, Cholimex Foods, Trung Thành và Nam Dương. Ngoài ra, DN tương nổi tiếng nhất thế giới là Heinz cũng góp mặt tại một số cửa hàng fast food, nhưng không phổ biến.

Trong số những cái tên kể trên, Cholimex Foods là công ty đáng chú ý nhất. Doanh nghiệp sản xuất tương có truyền thống 30 năm này hiện nắm giữ 40% thị phần tương ớt cao cấp, theo số liệu do chính hãng công bố.

Còn theo báo cáo của Nielsen năm 2014, thị phần tương ớt, tương cà của Cholimex đạt 37%, chỉ đứng sau Masan với 43%.

Không chỉ nắm giữ thị phần cao, tình hình sản xuất kinh doanh của Cholimex Foods cũng hiệu quả, với tốc độ tăng trưởng ổn định qua từng năm. Theo báo cáo tài chính năm 2015 mới được Cholimex Foods công bố, lợi nhuận sau thuế năm 2015 của công ty đạt 48,8 tỷ đồng, doanh thu trên 1.300 tỷ đồng, đều tăng trưởng hơn 20% so với năm 2014.

EPS năm 2015 của Cholimex Foods là 5.011 đồng, cổ tức được dự đoán tiếp tục ổn định so với các năm trước, trong khoảng 15-20%.


Tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận Cholimex Foods. Có thể thấy, doanh thu của Cholimex đã tăng gấp đôi chỉ sau 4 năm.

Tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận Cholimex Foods. Có thể thấy, doanh thu của Cholimex đã tăng gấp đôi chỉ sau 4 năm.

Bên cạnh yếu tố doanh nghiệp, yếu tố thị trường cũng đang chứng tỏ Cholimex Foods sẽ còn tăng trưởng mạnh.

Theo nghiên cứu của Nielsen, nhóm ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) tiếp tục cho thấy dấu hiệu tăng trưởng tốt trong quý IV/2015, (đạt 5,7%, cao hơn so với 4,5% quý III). Sự phục hồi tích cực này xảy ra ở hầu hết 7 ngành hàng lớn, trong đó bao gồm thực phẩm.

Với những yếu tố thuận lợi như vậy, tiềm năng để Cholimex Foods tăng trưởng còn rất lớn.

Vì vậy, không có gì lạ khi Cholimex Foods vào "tầm ngắm" của các đại gia ngành tiêu dùng nhanh. Trong đó, Masan là doanh nghiệp tỏ rõ ý đồ nhất khi muốn mua lại 49% cổ phần tại đây.

Hiện tại, Masan đang nắm 32,8% cổ phần tại Cholimex Foods và nếu thâu tóm thành công, Masan sẽ chiếm được khoảng 80% thị phần tương ớt trong nước, tương đương với thị phần nước mắm và nước tương mà doanh nghiệp này đang sở hữu (khoảng 70-80%).

Ngay sau khi trở thành cổ đông lớn của Cholimex Foods, Masan đã nhận định trong báo cáo thường niên năm 2014 rằng, thương vụ Cholimex Foods sẽ giúp Masan “tiếp cận nhanh hơn đến phân khúc giá trị này”.

Tuy nhiên, có vẻ như các cổ đông chính của Cholimex Foods là Cholimex và Nichirei đều không mặn mà gì với Masan.

Cholimex (sở hữu 40,72%) và Nichirei (sở hữu 19%), đều tuyên bố không bán cổ phần cho Masan, và khiến Masan chỉ có thể mua được 32,8% vốn Cholimex Foods. Không những vậy, tại Đại hội cổ đông thường niên 2015, các cổ đông lớn này còn phủ quyết nội dung “Đề cử Masan là thành viên Hội đồng quản trị”, cho thấy quyết tâm không cho Masan đặt chân vào Ban điều hành doanh nghiệp.

Bản thân Cholimex cũng từng cho biết không muốn bán cổ phần tại Cholimex Foods vì những giá trị bền vững mà công ty con này mang lại.

Sự xuất hiện "bí hiểm" của TMS

Mới đây, hội đồng quản trị của Công ty Transimex Sài Gòn (TMS) vừa thông qua kế hoạch đầu tư vào Cholimex. Nếu không có gì thay đổi, TMS sẽ chi hơn 300 tỉ đồng để sở hữu cổ phần, tương đương khoảng 35% vốn điều lệ tại Cholimex.

Nếu giao dịch diễn ra và thành công, TMS sẽ là cổ đông lớn thứ 2 tại Cholimex, sau Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước (HIFC). Tính ra, lượng cổ phần mà TMS dự kiến mua ở Cholimex xấp xỉ với lượng cổ phần mà Cholimex sẽ bán cho cổ đông chiến lược, cộng thêm số cổ phần dư ra trong đợt IPO vừa qua.

Không hấp dẫn như "đứa con" Cholimex Food của mình, Cholimex đã "ế" khá nhiều cổ phần trong đợt IPO ngày 4/3 vừa qua. Hoạt động kinh doanh chính của Cholimex gồm phát triển, mở rộng kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, sản xuất, chế biến và phân phối lương thực thực phẩm…. Cholimex hiện nắm giữ 40,7% tại Cholimex Food.

Trong khi đó, TMS là một cái tên lạ vì từ trước đến nay, TMS chưa bao giờ đầu tư vào các lĩnh vực của Cholimex. Ngành nghề chính của TMS là cung ứng dịch vụ logistics và doanh nghiệp này cũng không có dấu hiệu gì cho thấy việc sẽ chuyển sang làm bất động sản hay bán tương ớt. Vì vậy, nghi vấn việc TMS nhảy vào thực chất chỉ có mục tiêu tài chính cũng được đặt ra.

Minh Quân

Cùng chuyên mục
XEM