Từng mang về hàng chục nghìn tỷ đồng, nhưng đây sẽ không còn là "con gà đẻ trứng vàng" cho các ngân hàng

09/03/2023 15:28 PM | Kinh doanh

Doanh thu đem lại cho các ngân hàng từ mảng liên kết này lên đến hàng chục, thậm chí là hàng trăm nghìn tỷ đồng trong năm 2022 vừa qua.

Từng mang về hàng chục nghìn tỷ đồng, nhưng đây sẽ không còn là "con gà đẻ trứng vàng" cho các ngân hàng - Ảnh 1.

Hình mInh họa

Ngành ngân hàng trong năm 2022 đã ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ. Cụ thể, lợi nhận ngành đã tăng 33,7% so với cùng kỳ – tốt hơn nhiều so với kỳ vọng của thị trường (20%) và so với kết quả năm 2021 (30% so với cùng kỳ).

Tổng thu nhập hoạt động (TOI) tăng 20,1% so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng tín dụng tốt (14,2% so với cùng kỳ), NIM mở rộng (20 điểm cơ bản và đạt 3,8%), thu nhập từ phí tăng 14,6% so với cùng kỳ. Tỷ lệ chi phí hoạt động/TOI (CIR) đạt 33,6% - tương đương năm 2021.

Chi phí dự phòng giảm 0,7% so với cùng kỳ (tỷ lệ chi phí tín dụng 1,5% so với mức 1,7% trong 2021) do các ngân hàng đã có khả năng giảm bộ đệm dự phòng dày dặn sẵn có để đối phó với rủi ro nợ xấu gia tăng. Hầu hết các ngân hàng đã hoàn thành/vượt kế hoạch đề ra trong 2022, ngoại trừ TCB, VPB, MSB, OCB.

Từng mang về hàng chục nghìn tỷ đồng, nhưng đây sẽ không còn là "con gà đẻ trứng vàng" cho các ngân hàng - Ảnh 2.

Nhiều ngân hàng ghi nhận tăng trưởng phí banca trong 2 năm vừa qua

Bancassurance - sự kết hợp của ngân hàng (bank) và bảo hiểm (assurance) là một trong những mảng đem lại nguồn thu lớn cho các ngân hàng.

Đa phần các ngân hàng đã ghi nhận tăng trưởng mạnh phí dịch vụ từ hoạt động banca trong giai đoạn 2020 - 2022 khi mà nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ đã liên tục đẩy mạnh hoạt động bán chéo sản phẩm qua ngân hàng.

Đối với mảng nhân thọ (phần lớn phí banca của ngân hàng đến từ mảng này), doanh thu khai thác mới qua kênh ngân hàng đã tăng theo cấp số nhân trong vài năm qua, từ 20% tổng phí khai thác mới trong năm 2018 lên đến 40% vào năm 2021.

Doanh thu đem lại cho các ngân hàng từ mảng liên kết này lên đến hàng chục, thậm chí là hàng trăm nghìn tỷ đồng trong năm 2022 vừa qua. MBbank là một ví dụ điển hình về doanh thu lớn từ bảo hiểm.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất của MB, doanh thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm trong năm 2022 vượt ngưỡng 10.000 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với năm trước và gần gấp đôi năm 2020. Mảng kinh doanh này cũng chiếm hơn 70% thu nhập từ dịch vụ của MB.

Từng mang về hàng chục nghìn tỷ đồng, nhưng đây sẽ không còn là "con gà đẻ trứng vàng" cho các ngân hàng - Ảnh 3.

Banca chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu thu nhập hoạt động và thu nhập phí dịch vụ của nhiều ngân hàng

Tuy nhiên, theo phân tích mới đây được VNDirect công bố, trong thời gian tới, bancassurance không còn là “con gà đẻ trứng vàng”. Trong năm 2023, đơn vị này cho biết, tăng trưởng phí dịch vụ từ hoạt động banca của ngành ngân hàng sẽ chậm lại đáng kể.

Nguyên nhân công ty chứng khoán này đưa ra là do nền kinh tế gặp nhiều khó khăn gây ảnh hưởng xấu đến thu nhập của người tiêu dùng, và nhu cầu mua bảo hiểm. Cùng với đó các cơ quan quản lý đang đẩy mạnh việc thanh tra hoạt động banca giữa những thông tin về việc người vay vốn ngân hàng bị ép mua bảo hiểm hay khách hàng gửi tiền bị nhân viên ngân hàng tư vấn không rõ ràng, khiến khách hàng tưởng sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư là gửi tiết kiệm.

Trước những khó khăn của ngành, các ngân hàng đã đặt kế hoạch thận trọng cho năm 2023. Đơn cử như trường hợp của VCB, ngân hàng này chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 12% so với cùng kỳ. VIB, một ngân hàng có lợi thế trong mảng bảo hiểm chỉ kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận 15% so với cùng kỳ.

Cùng với đó, tăng trưởng tín dụng sẽ chậm lại và đạt khoảng 12% năm 2023 do thị trường bất động sản kém khả quan, tăng trưởng xuất khẩu giảm tốc và lãi suất cao. Ngoài ra, lạm phát dự kiến vẫn sẽ ở mức cao do mức tăng tiền lương 20,8%, có hiệu lực từ tháng 7/2023 và sự tăng giá ở các dịch vụ như y tế, vận tải công cộng…

Cuối cùng, thanh khoản hạn hẹp (dù đã có phần cải thiện) cũng là một nguyên nhân làm chậm lại đà tăng trưởng tín dụng trong năm nay. Theo số liệu từ NHNN cho thấy, tính đến ngày 24/2/2023, tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng 0,77% và cung tiền tăng rất chậm 0,05% so với cuối năm 2022.

Theo Pha Lê

Cùng chuyên mục
XEM