Từng là thiên đường "rác" thế nhưng Đài Loan đã có những thay đổi khiến cả thế giới bất ngờ

10/10/2016 15:42 PM | Sống

Với lượng rác thải lớn hơn nhiều so với diện tích sinh hoạt, Đài Loan từng được mệnh danh là "Đảo rác", chỉ trong vài năm, điều này đã thay đổi hoàn toàn.

Mọi chuyện bắt đầu bằng một bài hát phát lên, người dân Đài Loan nhanh chóng mang theo rác thải của mình chạy ra đường, hai xe tải màu vàng kích thước lớn xuất hiện. Thế nhưng, họ không quăng mọi thứ lên xe như người Việt Nam, những công nhân vệ sinh cùng người dân nơi đây bắt đầu phân loại để rác nào vào đúng thùng đó.

Đây là cảnh tượng thường thấy ở Đài Loan mỗi buổi chiều tối, không đựng đầy các túi ni lon như người Việt, rác thải của người Đài Loan được đựng trong xô, thùng nhựa hay thậm chí cả những chiếc xe đẩy mà người ta vẫn thường dùng để mua hàng.

Chiếc xe rác màu vàng nhanh chóng xuất hiện sau khi nhạc phát lên.
Chiếc xe rác màu vàng nhanh chóng xuất hiện sau khi nhạc phát lên.

Yeh Yu-Hsuan, một kĩ sư 26 tuổi hoà mình vào dòng người và tiếp cận chiếc xe rác bằng xe máy. Anh cho rằng mình không ngại phải di chuyển xa cũng như mất công phân loại rác thải vì giờ ăn đã qua rồi, anh cùng gia đình có thừa thời gian để làm việc đó.

Rất nhanh tay, toàn bộ rác thải như rau củ hỏng hoặc thức ăn sống chưa nấu chín được Yeh đưa vào thùng màu xanh dương, thức ăn chín được đưa vào thùng đỏ trong khi những vật dụng khác từ chai nhựa, cốc thuỷ tinh, kim loại, bóng đèn hỏng... được xếp gọn gàng vào một thùng rác khác. Chiếc xe còn lại treo biển nhận giấy, báo cũ nên toàn bộ giấy báo được người dân cùng Yeh đưa vào chiếc xe này.

Rác thải là thực phẩm chưa nấu được cho vào thùng màu xanh dương.
Rác thải là thực phẩm chưa nấu được cho vào thùng màu xanh dương.

Từng được mệnh danh là thiên đường của rác thải, thế nhưng chỉ trong khoảng thời gian ngắn Đài Loan đã chuyển mình trở thành một trong những khu vực tái chế rác tốt nhất toàn cầu. Trong thống kê vào năm 2015, tỷ lệ tái chế rác của Đài Loan đạt tới mức 55%, cao hơn rất nhiều so với các quốc gia đã phát triển khác. Ngay cả ở Mỹ, thời điểm cao nhất con số tái chế này cũng chỉ lên tới mức 35% mà thôi.

"Để người dân tuân thủ quy định về rác thải, chúng ta phải đưa việc đổ, phân loại rác tiện lợi hơn với người dân. Chúng ta cần có những khen thưởng và có những mức phạt xứng đáng", ông Wu Sheng-chung, giám đốc dự án kiểm soát chất thải EPA phát biểu.


Sau khi vứt rác, người dân được cung cấp nước sạch để rửa tay.

Sau khi vứt rác, người dân được cung cấp nước sạch để rửa tay.

Người dân "PHẢI" mua túi để tái chế

Ở thủ đô Đài Bắc, tiện lợi đồng nghĩa với việc có tới hơn 4.000 điểm thu rác hoạt động 5 ngày mỗi tuần và thậm chí cả các ứng dụng trên di động để thông báo cho người dân biết sắp có xe rác tới gần.

Để khuyến khích tái chế với người dân, Đài Loan yêu cầu người dân mua loại túi đặc biệt để dùng cho rác thải không thể tái chế. Túi nhỏ có giá 1 Tân Đài Tệ (TĐT) trong khi 5 túi lớn có mức giá 216 TĐT (khoảng 145.000 VNĐ). Đối với những người vứt rác sai vị trí hoặc vi phạm quy định bị phạt tới 6.000 TĐT (khoảng 3,8 triệu VNĐ) và có thể sẽ bị bêu danh trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Những loại rác thải không thể tái chế sẽ được xếp vào bên trong những chiếc túi ni lon xanh này.
Những loại rác thải không thể tái chế sẽ được xếp vào bên trong những chiếc túi ni lon xanh này.

Một đặc điểm nữa trong hoạt động tái chế của Đài Loan chính là các quỹ chính phủ được các hãng sản xuất đóng góp. Ngành nào dùng vật liệu gì, sẽ phải đóng góp tiền cho quá trình tái chế vật liệu đó. Ví dụ như các hãng sản xuất nước ngọt đóng chai dùng nhiều vật liệu PET, chai nhựa... Số tiền đóng góp này sẽ giúp cho Đài Loan có chi phí để tái chế tốt hơn.

Khả năng tái chế của Đài Loan thực hiện được nhờ có 2 thành phố là Đài Bắc với tỷ lệ tái chế 67% và Tân Bắc với tỷ lệ tái chế 63,5%. Đây là hai thành phố giàu có, mức sống cao nên đã giúp kéo tỷ lệ tái chế của Đài Loan lên ngưỡng mới. Trong khi đó ở các khu vực xa thành phố, trung tâm, tỷ lệ này vẫn còn tương đối thấp.

Bức tường EcoARK, một tác phẩm nghệ thuật được tạo nên từ 1,5 triệu chai nước bỏ đi.
Bức tường EcoARK, một tác phẩm nghệ thuật được tạo nên từ 1,5 triệu chai nước bỏ đi.

Các tổ chức thu gom rác

Khả năng tái chế của người Đài Loan không những tới từ người dân, chính quyền mà một phần rất lớn tới từ nhiều tổ chức tình nguyện. Ví dụ điển hình là Tzu Chi, một tổ chức Phật giáo phi chính phủ, tổ chức này thành lập hơn 4.500 điểm tái chế rác trên toàn Đài Loan và có lượng tình nguyện viên cực lớn để giúp phân loại, thu thập và xử lý rác thải đúng quy trình.

Tình nguyện viên của Tzu Chi là những người đã về hưu hoặc có nhiều thời gian rảnh rỗi.
Tình nguyện viên của Tzu Chi là những người đã về hưu hoặc có nhiều thời gian rảnh rỗi.

Hoạt động của hội được diễn ra vào mỗi buổi sáng, khi mà hàng trăm người về hưu tụ tập nhau lại để thu gom rác. Họ đưa rác tới những khu vực tái chế, những nhà kho tập trung rác được Tzu Chi thành lập, sau đó từ những thứ rác thải mà người Đài Loan vứt đi, họ phân chia chúng thành từng loại, màu sắc cũng như khả năng tái chế.

Chỉ riêng với giấy báo cũ, phần có in mực được tách riêng trong khi phần giấy trắng được tách riêng vì giá trị của chúng cùng khả năng tái chế khác nhau.
Chỉ riêng với giấy báo cũ, phần có in mực được tách riêng trong khi phần giấy trắng được tách riêng vì giá trị của chúng cùng khả năng tái chế khác nhau.

Chai nhựa được tách phần nắp chai sau đó phân loại theo màu, những thiết bị điện tử cũ được tháo tung ra, phân chia các linh kiện còn tái chế được... Ngồi giữa một rừng túi ni lon là bà Kao Ah-Yeh, 82 tuổi, bà đã làm công việc này được 8 năm và chưa có một ngày nào bà không thấy tự hào về những gì mình đang làm. "Tôi làm nó để cứu Trái Đất, tôi có 5 người con và điều tôi làm tốt cho tất cả chúng cũng như mọi người".

Chai nhựa được tách rời thành nhiều phần sau đó phân loại theo màu sắc.
Chai nhựa được tách rời thành nhiều phần sau đó phân loại theo màu sắc.

Chỉ tính riêng trong năm 2015, Tzu Chi đã thu được 100.000 tấn rác thải tái chế, chiếm 3% tổng lượng rác thải tái chế tại Đài Loan. Rất nhiều rác thải sau đó đã được tái chế trở thành vật dụng hàng ngày được nhiều người ưa chuộng.

Nghề "bắt" rác dạo

Quy củ là thế, thế nhưng vẫn có rất nhiều trường hợp vi phạm ở Đài Loan. Chính quyền bố trí nhiều camera theo dõi ở khắp nơi để ghi hình những người vi phạm. Ở lần đầu bị phát hiện, họ sẽ chỉ bị nhắc nhở nhẹ nhàng bởi người đứng đầu khu vực.

Thế nhưng, ở lần thứ 2, đoạn video sẽ được quay lại, hành vi vi phạm sẽ được trình chiếu trên các màn hình công cộng hoặc trên phương tiện thông tin đại chúng. Nếu còn tiếp tục tái phạm, người vi phạm sẽ phải trả số tiền lớn cho chính quyền.

Số tiền phải trả kia được chia đôi, một phần chính quyền Đài Loan giữ và phần còn lại gửi cho người đã phát hiện sai phạm. Đó cũng là khi mà nghề "bắt người đổ rác trộm" xuất hiện ở Đài Loan.

Từng có một người bán hàng chợ đêm nhận được tới 700.000 TĐT (hơn 400 triệu VNĐ) do phát hiện 4.900 người vi phạm trong vòng 10 tháng, tất nhiên người này cũng có cuộc sống chẳng mấy yên bình khi thường xuyên bị những người vi phạm doạ nạt.

Rác là vàng

Bằng việc tái chế rác thải, Đài Loan hiện nay không những có môi trường trong sạch hơn mà còn là một trong những quốc gia thu lợi từ rác thải tái chế lớn nhất trên thế giới, phối hợp giữa quản lý chất thải và tái chế vật liệu, ngành công nghiệp tái chế đã mang về hàng tỷ USD mỗi năm cho Đài Loan.

Nhựa được cắt nhỏ sau đó tái chế thành những dụng cụ khác nhau.
Nhựa được cắt nhỏ sau đó tái chế thành những dụng cụ khác nhau.

Ví dụ điển hình là những công ty tái chế sản phẩm điện tử, một công ty tại Đài Loan cho rằng họ có thể triết suất vàng tinh khiết tới 99,99% từ linh kiện điện tử bỏ đi.


Công ty Super Dragon Tech thu được vàng tinh khiết từ những linh kiện điện tử bỏ đi.

Công ty Super Dragon Tech thu được vàng tinh khiết từ những linh kiện điện tử bỏ đi.

Van Vu

Cùng chuyên mục
XEM