Từng chê Món Huế sập bởi NĐT tham lam thích chi phối, nhưng nay Shark Hưng quả quyết: ‘Startup trên Shark Tank tôi thâu tóm hoặc chi phối thì khả năng thành công cao hơn!’

10/02/2021 14:00 PM | Kinh doanh

"Khi các NĐT tham lam thích chiếm tỷ lệ chi phối, thậm chí chi phối tuyệt đối thì động lực vận hành của Founder không còn", Shark Hưng "của ngày hôm qua" đã bình luận như vậy về sự thất bại của chuỗi Món Huế hồi cuối năm 2019. Cũng câu chuyện nhà đầu tư chiếm tỷ lệ chi phối, nhưng Shark Hưng của ngày hôm nay lại cho rằng những startup ông thâu tóm hoàn toàn hoặc chi phối thì khả năng thành công cao hơn...

Đồ họa: Bình An.
Đồ họa: Bình An.

Quan hệ giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư vẫn là câu chuyện kinh doanh muôn thuở.

Vào thời điểm hệ thống chuỗi gần 200 cửa hàng Món Huế, Phở Ông Hùng… đóng cửa hồi cuối năm 2019, Shark Phạm Thanh Hưng - Phó Chủ tịch HĐQT CENGroup - nhìn nhận nguyên nhân sâu xa dẫn tới tình trạng này là do mối quan hệ giữa Founder - người vận hành thực tiếp với các nhà đầu tư tài chính đơn thuần.

"Các nhà đầu tư cứ tham lam, thích đầu tư chiếm tỷ lệ chi phối, thậm chí là chi phối tuyệt đối. Tôi nghe nói hiện các nhà đầu tư tài chính thuần túy đang chiếm tới 90% cổ phần của Món Huế. Chỉ còn giữ 10% thì động lực của người vận hành không còn nữa. "Các anh đầu tư tài chính đến mà quản lý, vận hành, chúng tôi chỉ làm được thế thôi"", Shark Hưng trả lời Kênh TV của Diễn đàn Doanh nghiệp hồi cuối năm 2019.

"Founder không còn quyền lợi gắn kết nữa. Tôi nghĩ đó là nguyên nhân sâu xa nhất".

Ngày ấy, ông cũng khuyên startup đừng quá cố gắng gọi vốn lớn mà hy sinh tỷ lệ sở hữu. Gọi vốn bằng cách bán cổ phần là trường hợp cực chẳng đã, phải nghĩ đến cuối cùng vì vốn của chủ sở hữu là thứ quan trọng nhất, quyết định đến quyền trong quản trị của mình.

Vẫn là câu chuyện quan hệ giữa startup và nhà đầu tư, nhưng quan điểm của Shark Hưng nay đã khác.

"Những startup trên Shark Tank Việt Nam hay bên ngoài mà tôi acquire (thâu tóm - PV) hoàn toàn, ít nhất là chi phối, thì khả năng thành công cao hơn. Chưa chi phối được, acquire được, chỉ tham gia nhỏ nhỏ chính ra lại rủi ro hơn cho tôi với tư cách nhà đầu tư", Shark Hưng mới đây chia sẻ trên chương trình Nguy - Cơ do VnExpress tổ chức.

Từng chê Món Huế sập bởi NĐT tham lam thích chi phối, nhưng nay Shark Hưng quả quyết: ‘Startup trên Shark Tank tôi thâu tóm hoặc chi phối thì khả năng thành công cao hơn!’ - Ảnh 1.

Lời khuyên này dành cho startup "nhà người ta"...

Từng chê Món Huế sập bởi NĐT tham lam thích chi phối, nhưng nay Shark Hưng quả quyết: ‘Startup trên Shark Tank tôi thâu tóm hoặc chi phối thì khả năng thành công cao hơn!’ - Ảnh 2.

Còn đây là dành cho startup "nhà mình".

Sau khi tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp với tư cách nhà đầu tư, Shark Hưng cho biết ông nhìn nhận các bạn trẻ startup trong các thương vụ "bớt lạc quan hơn".

"Sự thật là vậy. Tôi bớt lạc quan tin tưởng vào các bạn và tôi sẽ cần kèm cặp sát sao hơn, đánh giá kỹ lưỡng hơn cả về con người lẫn trình độ năng lực ở mọi góc độ", Shark Hưng cho biết.

Ông cũng tiết lộ cách thức đầu tư của CENGroup nay đã khác xưa, thay vì đầu tư khởi nghiệp như "hái lượm", xem có gì hay thì đầu tư, nay chuyển sang "nuôi trồng", chủ động tạo hệ sinh thái, một môi trường "vườn ươm lò ấp" (Incubator) để cho các bạn sáng tạo.

"Khi có ý tưởng nào tốt thì acquire, nói luôn là acquire chứ không phải đầu tư", vị cá mập này cho biết. Ông cũng khẳng định những startup từng được ông thâu tóm hay chi phối thì khả năng thành công cao hơn.

Tham gia 3 mùa Shark Tank Việt Nam, những startup được Shark Hưng đầu tư/cam kết đầu tư gồm:

1- Phleek (mùa 1, cùng Shark Phú): 2 Shark đầu tư 3 tỷ 270 triệu đồng đổi 45% cổ phần

2- Xe lăn đa năng VH (mùa 1, cùng Shark Vương và Shark Thủy): 3 Shark đầu tư 1 tỷ đổi lại 36% cổ phần

3- Ogami (mùa 1): Đầu tư 2 tỷ đồng đổi 36% cổ phần

4- Bé Bống bán chè bưởi (mùa 2, cùng Shark Thủy): Shark Hưng đầu tư 100 triệu lấy 10%

5- Pin điện Mopo của Power Centric (mùa 2): Đầu tư 1 triệu USD đổi 25% cổ phần

6- Luxstay (mùa 3, cùng Shark Việt, Shark Thủy): Shark Hưng đầu tư 1 triệu USD cho 4,8% cổ phần mới

7- Astra (mùa 3): Đầu tư 1 triệu USD cho 15% cổ phần, trong đó 150 nghìn USD cho 5%, 850 nghìn USD cho 10% cổ phần còn lại

8- Datbike (mùa 3): Cam kết đầu tư 60.000 USD cho 1% cổ phần và 1% cho vai trò cố vấn (*)

9- Vufood (mùa 3): Cam kết đầu tư 350 nghìn USD cho 36% cổ phần (*)

10- Revex (mùa 3): Đầu tư 1 triệu USD cho 25% cổ phần, giải ngân đợt đầu tối đa 300K USD kèm điều kiện

(*) Chúng tôi chưa có thông tin xác minh việc startup đã nhận được đầu tư chính thức từ cá mập.

Danh sách trên không bao gồm những startup nhận được cam kết đầu tư trên truyền hình nhưng thực tế không được rót vốn.

Bình An

Cùng chuyên mục
XEM