Tục thắp hương ngày Tết của người Việt có từ bao giờ và tại sao lại kiêng thắp hương chẵn?

16/01/2023 16:31 PM | Sống

Dù phong sương biến đổi, nhiều phong tục xưa đã lùi vào dĩ vãng thì người Việt ta vẫn giữ gìn tục thắp hương vào những ngày lễ Tết.

Tục thắp hương của người Việt vào ngày Tết

Tục đốt hương có từ bao giờ?

Trong Việt Nam phong tục, Phan Kế Bính có nhắc tới việc tế tự của người Việt. Khi nói đến việc dâng hương, nhà biên khảo có nói thế này: "Trong việc tế tự, có điển đốt hương là do tự Tây Vực, đốt hương nghĩa là cầu cho quỷ thần giáng cách. Khi xưa tục Tàu tê Tôn miếu chỉ dùng cỏ tiêu (cỏ thơm) trộn với mỡ mà đốt cho thơm, chưa có đốt hương. Đến đời vua Vũ Đế nhà Hán, sai tướng sang đánh nước Hồn Gia xứ Tây Vực (thuộc về vùng Ấn Độ), vua nước ấy phải đầu hàng dâng một thần tượng bằng vàng, đem về đặt trong cung Cam Toàn. Người nước Hồn Gia cúng tế thần ấy, không phải dùng đến dê bò, chỉ đốt hương lễ bái mà thôi. Từ đó Tàu mới có tục đốt hương".

Còn nước ta, tục đốt hương chưa biết tự đâu, nhưng ở Ngộ truyện có nói: "Trương Tân làm Thứ sử Giao Châu, thường đốt hương ở nhà Các Lập tịnh sá để đọc đạo thư. Tục ta có lẽ khởi từ đó".

Tại sao người Việt có tục thắp hương vào ngày Tết? Nên thắp số lẻ hay số chẵn mới đúng? - Ảnh 1.

Chẳng biết tục thắp hương ở nước ta có từ bao giờ, nhưng từ lễ nhỏ đến lớn đều dùng nén hương làm cầu nối tâm linh.

Tục thắp hương - "cầu nối" tâm linh của người Việt

Trong văn hoá thờ cúng và tín ngưỡng của người Việt, từ ngày hội nhỏ đến lễ lớn, từ mùng 1, ngày Rằm hay đến ngày Tết Nguyên đán long trọng cổ truyền cũng đều không thể thiếu được những nén hương thơm trên bàn thờ. 

"Dâng nén tâm hương, dốc lòng bái thỉnh" là cách người dân có thể "kết nối" với thần linh, gia thần, tổ tiên để tỏ lòng biết ơn, thành kính. Mỗi nén hương được thắp sáng giống như một điểm tựa tâm linh giúp con người có thể gửi gắm những điều thành tâm đến được với người đã khuất.

Tại sao người Việt có tục thắp hương vào ngày Tết? Nên thắp số lẻ hay số chẵn mới đúng? - Ảnh 2.

Thắp hương vào ngày Tết là nét đẹp văn hóa đã có từ lâu đời.

Với các gia đình Việt, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, việc đèn hương trên ban thờ thường được duy trì đến ngày hóa vàng. Người xưa có quan niệm rằng trong những ngày Tết, các bậc Gia thần và Gia tiên luôn ngự trên ban thờ của mỗi nhà, nếu đèn hương bị tắt hoặc hạ lễ vật trước khi lễ tạ là điều bất kính. 

Thắp hương số lẻ hay số chẵn?

Tại sao người ta kiêng thắp hương số chẵn?

Mặc dù tục thắp hương đã có từ rất lâu và cũng được truyền nhiều đời, nhưng vẫn còn nhiều người khá bối rối khi chưa hiểu được ý nghĩa thực sự của việc thắp hương số lẻ hay số chẵn, và số lượng nén hương thể hiện điều gì. 

Trong tục thắp hương của người Việt, ta thường kiêng thắp nén chẵn mà chỉ dùng số lẻ để dâng. Chẳng hạn như 1, 3, 5, 7, 9, thậm chí cả bó hương nhưng không dùng số chẵn. Theo quan niệm của người xưa, giữa Âm và Dương có sự cách biệt, số chẵn thể hiện cho tính Âm và số lẻ thể hiện cho tính Dương. Việc thắp hương là cách người sống (Dương) tưởng nhớ người đã khuất (Âm), bởi vậy dùng số hương lẻ là hợp lẽ.

Tại sao người Việt có tục thắp hương vào ngày Tết? Nên thắp số lẻ hay số chẵn mới đúng? - Ảnh 3.

Quan niệm dân gian kiêng thắp hương theo số chẵn.

Trong cuốn 100 điều cần biết về phong tục thờ cúng của người Việt cũng có nói "Sau khi sắm đủ lễ vật, người ta thắp đèn, nến sáng ban thờ rồi châm hương. Hương thường được dùng số lẻ 1,3,5 nén, vì số lẻ thuộc dương. Nếu trên ban thờ có hai, ba hoặc bốn bát hương cũng đều phải châm số lượng hương như nhau".

Ý nghĩa của số lượng nén hương

Nói về ý nghĩa của số lượng nén hương, có nhiều quan niệm khác nhau. Chẳng hạn như, 1 nén hương thể hiện sự nhất tâm, 2 nén hương thắp lúc viếng linh cữu, 3 nén hương thì lại nhiều ý nghĩa hơn.

Theo quan niệm nhà Phật, 3 nén hương có thể tượng trưng cho Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng); Tam giới là Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới; Tam thời như quá khứ, hiện tại và tương lai. Đây cũng là một lý do để giải thích cho việc ở chùa trước sân thường có 3 đỉnh hương.

Tại sao người Việt có tục thắp hương vào ngày Tết? Nên thắp số lẻ hay số chẵn mới đúng? - Ảnh 4.

Thắp 1 nén hương thể hiện cho sự nhất tâm được biết đến nhiều nhất.

Bên cạnh đó, lý giải về ý nghĩa của 3 nén hương là sự hoà hợp giữa Thiên - Địa - Nhân được biết đến nhiều hơn cả. Thắp 5 nén hương tượng trưng cho Ngũ hành (Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ). Thắp 7 hoăc 9 nén hương thì lại biểu tương cho "vía" vì quan niệm dân gian cho rằng "nam thất nữ cửu", muốn xin cho người nam thì thắp 7 còn xin cho người nữ thì thắp 9.

Ngoài ra, cũng có quan niệm cho rằng, thắp càng nhiều nén hương thì càng là việc quan trọng cần kính cáo. 

Tuy vậy, hiện nay, 1 nén và 3 nén hương được nhiều người thực hiện hơn cả. Khi đến đình, chùa, miếu mạo người ta thường thắp 1 nén hương thể hiện tâm thành. Còn trong các dịp giỗ chạp, lễ Tết thì thường thắp 3 nén. 

Tại sao người Việt có tục thắp hương vào ngày Tết? Nên thắp số lẻ hay số chẵn mới đúng? - Ảnh 5.

Thắp hương số lẻ 1 và 3 phổ biến hơn cả.

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, người ta cũng giản lược những ý nghĩa sâu xa này, chủ yếu thắp 1 nén hoặc dùng hương vòng để hạn chế việc hoả hoạn có thể xảy ra cũng như ô nhiễm môi trường. 

Nhiều người cho rằng bát hương cuốn vòng và càng to càng dày thì chứng tỏ càng nhiều lộc. Tuy nhiên, cách hiểu này đang có sự sai lệch. Sản xuất hương người ta có thể dùng phụ gia để giữ hương cuốn tàn được lâu hơn. Cho nên việc hương cuốn tàn có thể đẹp nhưng về lâu dài sẽ gây ảnh hưởng đến sức kho, đồng thời tăng khả năng gây cháy.

Một bàn thờ ấm cúng không có nghĩa là bát hương phải đầy ú ụ tàn hương mà phải đảm bảo được sự gọn gàng, sạch sẽ, có hoa tươi quả ngọt, nhờ đó mới có sinh khí.

Những kiêng kỵ cần nhớ khi thực hiện tục thắp hương

Khi thắp hương cần có lời cầu khấn. Bởi lẽ, thắp hương được coi là sự kết nối với thế giới bên kia, với người đã khuất với thần linh, nên cần có những lời cầu nguyện được gửi đi. Cho nên, dù thắp hương trên bàn thờ gia tiên hay ở đền chùa, cũng nên khấn vái để được chứng giám những ý nguyện từ tâm.

Thắp hương vào bát hương cần thực hiện nhẹ nhàng và cắm từng nén vào và cắm thẳng. Không nên cầm cả bó hương cắm vào bát hương, dù là bàn thờ Gia tiên hay ở đình, chùa. 

Tại sao người Việt có tục thắp hương vào ngày Tết? Nên thắp số lẻ hay số chẵn mới đúng? - Ảnh 6.

Tránh mua phải những bó hương tẩm hóa chất sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Dâng hương là nghi thức tâm linh thiêng liêng mà con cháu hướng vọng về tổ tiên để bày tỏ lòng thành, sự biết ơn và cầu mong được sự che chở của Thần linh và Gia tiên. Bởi vậy, người thực hiện thắp hương cần có thái độ nghiêm cẩn, ăn mặc lịch sự, không hở hang, lộ liễu như mặc quần cộc hoặc áo khoét ngực,... Trước khi thắp hương cũng cần tắm gội sạch sẽ hoặc rửa mặt rửa tay để thể hiện sự thành kính. Một số lưu ý khác như không dùng hoa quả giả bày trên bàn thờ để dâng hương. Đặc biệt là không dùng hương đã dùng rồi để thắp lại. 

Hương nhang hiện nay nhiều cơ sở dùng hoá chất để tẩm, sản xuất nhanh lại có mùi thơm mạnh, tuy nhiên những hoá chất này độc hại cho sức khoẻ. Cho nên, gia chủ cần tìm mua những loại hương được sản xuất từ thiên nhiên, có mùi dễ chịu để sử dụng, trong quá trình thắp hương cũng nên để cửa thông thoáng. 

Tại sao người Việt có tục thắp hương vào ngày Tết? Nên thắp số lẻ hay số chẵn mới đúng? - Ảnh 7.

Nên hạn chế thắp nhiều hương, vừa giúp tránh nguy cơ hỏa hoạn lại giúp bảo vệ môi trường.

Thắp hương trên bàn thờ Gia tiên ngày Tết Nguyên đán là nét đẹp văn hoá đã có từ ngàn xưa. Dù mâm cỗ to hay nhỏ, đơn sơ hay cầu kỳ thì cũng chẳng thể nào thiếu được thẻ hương để kính cáo. Đêm Giao thừa, khoảnh khắc chuyển mình giữa năm cũ và năm mới, giữa những điều chưa tốt và hướng vọng về tương lai, người người nhà nhà dâng lên mâm cỗ, thắp lên những nén hương ấm cúng để cầu nguyện cho bản thân và gia đình một năm mới bình an, vạn sự tốt lành, nhiều điều hành thông, cho bách gia trăm họ được may mắn...

Theo Vũ.,

Cùng chuyên mục
XEM