Tục "bắt vợ": Từ nét đẹp văn hóa thể hiện quan điểm tự do hôn nhân biến tướng thành vấn nạn, để lại lời ru buồn cho "những đứa trẻ không cha"

08/02/2022 16:51 PM | Xã hội

Tục bắt vợ ở nhiều dân tộc vùng cao đang dần bị biến tướng, lạm dụng và đẩy nhiều bé gái nơi đây rơi vào bi kịch hôn nhân không lối thoát...

Những giờ qua dư luận không khỏi xôn xao trước đoạn clip ghi lại cảnh "bắt vợ" diễn ra tại một khu vực dân tộc thiểu số. Điều đáng nói ở đây chính là sự phản kháng của thiếu nữ khi không đồng ý với hành động của nam thanh niên. Thế nhưng, dù cho thiếu nữ gào khóc vùng vẫy, liên tục cầu xin sự cứu giúp của những người xung quanh, nhưng không có ai giúp đỡ.

Chỉ đến khi có sự xuất hiện của một cán bộ công an, thiếu nữ mới may mắn thoát khỏi bị "bắt vợ".

Từng là nét đẹp văn hóa

Vốn dĩ, tục "bắt vợ" là một mỹ tục lâu đời của người Mông, Thái và những dân tộc miền cao ở Tây Bắc. Tập tục thể hiện sự tự do hôn nhân, mưu cầu hạnh phúc của những đôi trai gái yêu nhau nhưng bị ràng buộc bởi sính lễ.

Tục bắt vợ: Từ nét đẹp văn hóa thể hiện quan điểm tự do hôn nhân biến tướng thành vấn nạn, để lại lời ru buồn cho những đứa trẻ không cha - Ảnh 1.

Dù tất cả đều “nằm trong kế hoạch” nhưng cô gái vẫn cố gắng la hét, kêu cứu. Sau đó phía nhà trai sẽ bắt gà làm phép theo như truyền thống rồi đưa cô gái vừa bị “bắt” vào nhà.

Theo truyền thống người Mông, khi con trai đến tuổi kết hôn, có người yêu và muốn kết hôn, thì cha mẹ chuẩn bị một số sính lễ như: một cái ô vải đen ở giữa có buộc khăn, một đôi gà luộc chín và vài lít rượu ngô để mang đến nhà gái làm lễ dạm hỏi. Đồng thời mời một chú ruột có uy tín làm chủ hôn và một chàng rể trong gia đình làm phù rể cùng đến nhà người yêu của con trai hỏi vợ. Thông thường phải đến nhà gái ít nhất từ hai lần trở lên, thì cha mẹ mới đồng ý gả con gái cho chàng trai làm vợ. Đó là trường hợp “môn đăng hộ đối”.

Rất nhiều trường hợp nhà gái cương quyết từ chối mối hôn sự của con gái chỉ vì có mâu thuẫn giữa hai gia đình hoặc không ưa nhà trai. Khi nhà gái từ chối nhưng đôi trẻ sống chết có nhau, thì nhà trai chọn ngày lành đón dâu, con trai sẽ hẹn với người yêu đợi nửa đêm cha mẹ ngủ say và cô gái lén mở cửa theo chàng trai về nhà làm vợ chồng.

Tục bắt vợ: Từ nét đẹp văn hóa thể hiện quan điểm tự do hôn nhân biến tướng thành vấn nạn, để lại lời ru buồn cho những đứa trẻ không cha - Ảnh 2.

Về phía nhà trai, bắt một con gà mái và mời một phụ nữ đang có chồng trong họ, có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc đến nhà chờ. Khi con trai dẫn người yêu về gọi cửa thì người phụ nữ ra mở và cầm gà đưa qua đầu hai đứa trẻ rồi quét sau lưng hàm ý xua đuổi những điều xui xẻo, sau đó chàng trai dẫn người yêu vào buồng đã chuẩn bị từ trước. Đợi trời sáng cha mẹ cử người đến nhà gái thông báo là con trai đã bắt con gái họ về làm vợ và không phải đi tìm.

Về phía người con gái, không được ra khỏi nhà trong ba ngày, đề phòng cha mẹ đến đánh, bắt quay về. Đến ngày thứ ba, nhà trai chuẩn bị sính lễ, mời người đã được cử đến nhà gái thông báo làm chủ hôn, một phù rể cùng đôi vợ chồng trẻ đến nhà gái thỉnh tội và tiến hành lễ ăn hỏi. Chính vì vậy, tục bắt vợ của người Mông xuất phát từ việc cha mẹ cấm đoán, ngăn cản con gái kết hôn với người mình yêu.

Biến tướng thành vấn nạn

Ban đầu “tục bắt vợ” không phổ biến, chỉ những trường hợp cha mẹ cô gái ngăn cấm nhưng do việc tổ chức đến nhà gái dạm hỏi gây tốn kém tiền của, lãng phí thời gian và phiền hà nên các cặp đôi thường lựa chọn hình thức bắt vợ.

Thực chất “tục bắt vợ” của người Mông là hai bên nam, nữ đều đủ tuổi kết hôn, không vi phạm điều cấm của pháp luật và trước khi cô gái cùng người yêu về nhà làm vợ, chồng đều xin ý kiến cha mẹ đồng ý và sau đó thực hiện các nghi lễ cưới - hỏi. Với sự tiện lợi của hình thức "bắt vợ" trong cuộc sống nương rẫy "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" đã được cộng đồng người Mông chấp nhận qua nhiều thế hệ rồi trở thành nét đặc trưng riêng.

Thế nhưng hiện nay, trên thực tế có không ít cha mẹ dung túng cho con trai lợi dụng tục bắt vợ để bắt ép người con gái mình thích về làm vợ. Hậu quả là cô gái đó phải sống phần đời còn lại với nỗi đau tột cùng về cả thể xác lẫn tinh thần.

Một bé gái người Mông học lớp 9 bị một gia đình xúm vào “kéo” về làm vợ cho con trai. Sự việc xảy ra ngay gần trụ sở công an thị trấn mà không hề được cơ quan pháp luật can thiệp và mặc dù thầy hiệu phó nhà trường đến “xin” hãy đợi học trò của mình đủ 18 tuổi nhưng họ vẫn nhất quyết lôi đi. Và nữa, không để chàng trai bắt lên xe về làm vợ, một cô gái 16 tuổi, người Mông ở tỉnh Hà Giang đã nhặt đá chống trả quyết liệt...

Hay trường hợp của một bé gái dân tộc Thái ở huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An khi đang đi trên đường bị một nhóm thanh niên xúm vào “bắt vợ”. Cô gào khóc thảm thiết, liên tục cầu xin sự cứu giúp của những người chung quanh nhưng không ai giúp đỡ...

Ðó mới chỉ là một vài vụ việc được phát hiện, còn thực tế có bao nhiêu trường hợp “bắt vợ” mà không có sự đồng ý của các cô gái, không được chụp ảnh, quay clip và đưa lên mạng?

Tục bắt vợ: Từ nét đẹp văn hóa thể hiện quan điểm tự do hôn nhân biến tướng thành vấn nạn, để lại lời ru buồn cho những đứa trẻ không cha - Ảnh 3.

Sự việc gây xôn xao dư luận thời gian trước khi bé gái SN 2006 bị nhóm nam thanh niên "bắt vợ" khi đang đi chơi. Ảnh cắt từ clip.

Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam khẳng định, truyền thống của người Mông dùng từ "kéo vợ" chứ không phải "bắt vợ"; nhằm tránh tình trạng thách cưới và cưỡng ép hôn nhân. Trước đây, người Mông thách cưới cao khiến nhiều thanh niên nghèo không thể lấy được vợ.

Việc “kéo vợ” thường có sự thỏa thuận trước, diễn ra giữa hai người yêu nhau. Khi đã được kéo về nhà, họ sẽ sắp xếp cho chị hoặc em gái chú rể làm bạn với cô dâu để quen dần cuộc sống nhà chồng rồi sau đó mới tổ chức cưới xin, chứ không phải bắt ép về rồi muốn làm gì thì làm. Như vậy, về bản chất, “kéo vợ” là tục lệ truyền thống mang giá trị nhân văn.

Nhưng theo thời gian, tục “cướp vợ” xuất hiện nhiều biến tướng, có yếu tố cấu thành tội phạm. Nhiều cô gái không chấp nhận tình yêu của chàng trai nhưng vẫn bị bắt về một cách thô bạo, cưỡng ép trở thành vợ người khác. Chưa kể tới “cướp vợ” còn là một biến tướng của “tảo hôn”, khi mà có những cô gái bị cướp về nhà chồng còn chưa đủ tuổi vị thành niên. Những trường hợp cưỡng ép này đa phần chấp nhận hiện thực, nhưng cũng có những trường hợp cô gái không chịu được uất ức mà lựa chọn ăn lá ngón tự tử.

Việc lợi dụng, làm biến tướng phong tục trong xã hội hiện đại đã làm tổn thương nghiêm trọng đến nhân phẩm, quyền và khát vọng của các bé gái trong vấn đề bình đẳng nam nữ, trong đó có bình đẳng hôn nhân; góp phần gia tăng nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; nhiều trẻ em đang độ tuổi đến trường phải từ bỏ tương lai.

Chưa dừng lại ở đó, ngày nay, phong tục này còn bị lợi dụng để nhiều đối tượng thực hiện ý đồ xấu như "giao cấu" hay nhiều trường hợp dính níu tới cả nạn buôn bán người ở biên giới.

Nhiều đối tượng đã "mượn" phong tục "bắt vợ" với lời nói ngon ngọt khiến cho những cô gái trẻ "nhẹ dạ cả tin" mắc bẫy. Rồi sau đó thực hiện các hành vi quan hệ tình dục, thậm chí nhiều bé gái còn chưa đến 16 tuổi và hệ quả là những đứa trẻ chưa kịp lớn đã phải làm cha mẹ.

Lời ru buồn của những đứa trẻ không cha

Tục "bắt vợ" đang thay vào đó là những cuộc tình "chớp nhoáng" và kết cục đau lòng vẫn là những cô gái đang "tuổi ăn tuổi lớn" phải làm mẹ. Nhiều thiếu nữ mới chỉ 15, 16 tuổi đã phải làm mẹ. Nhưng cuộc sống hôn nhân của những đôi vợ chồng cũng chưa hết tuổi trẻ con nảy sinh rất nhiều vấn đề.

Những người được gọi là chồng cũng không hơn tuổi là bao, cũng đang tuổi chơi nên chẳng chăm lo gì cho gia đình, suốt ngày theo bạn bè ham chơi, nửa đêm say túy lúy mới mò về nhà. Trách nhiệm làm vợ, làm mẹ đè nặng lên đôi vai tong teo của những cô bé mới 13, 14 tuổi. Chính vì vậy, nhiều người đã không thể chịu đựng cuộc hôn nhân ép buộc, rời bỏ nhà chồng ôm những đứa con con đỏ hỏn về nhà mẹ đẻ.

Hoặc nhiều trường hợp bị lợi dụng, cưỡng ép quan hệ tình dục dẫn đến mang thai. Nhưng vì trình độ dân trí còn hạn chế, đến khi biết chuyện thì đã quá muộn, họ chỉ có thể trở thành mẹ đơn thân, một mình nuôi trong sự hắt hủi của người đời vì "chửa hoang".

Hiện nay, dù ở một số vùng đã đỡ hơn, song tục lệ này vẫn còn tồn tại. Khả năng phản kháng của các em gái, thiếu nữ hầu hết yếu ớt; còn chính quyền rất khó xử lý.

Theo Hạ Vũ

Cùng chuyên mục
XEM