Từ "Xin chào" đến "cùi bắp"...

13/08/2016 14:25 PM | Kinh doanh

Không như vụ “Xin Chào”, vụ điện thoại “cùi bắp” diễn ra trong bối cảnh Chính phủ đã phát đi thông điệp quyết tâm bảo vệ tự do kinh doanh....

Chiều 11-8, Văn phòng Chính phủ đã gửi công văn hỏa tốc truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND TP.HCM khẩn trương kiểm tra, làm rõ sự việc báo Tuổi Trẻ phản ánh vụ anh Dương Trọng Tiến mua bán, sửa chữa điện thoại cũ tại quận 10 (TP.HCM) bị công an bắt quả tang, khám xét khẩn cấp vì cho là kinh doanh trái phép.

Không như vụ “Xin Chào”, vụ điện thoại “cùi bắp” diễn ra trong bối cảnh Chính phủ đã phát đi thông điệp quyết tâm bảo vệ tự do kinh doanh.

Không chỉ thế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có nhiều cuộc họp để bàn thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cũng như hoàn thiện thể chế để phát triển nhiều doanh nhân, doanh nghiệp góp phần phát triển đất nước.

Chưa khi nào hai chữ khởi nghiệp được nhắc đến với nhiều niềm hứng khởi của mọi người dân. Chắc chắn, nhiều người đã có được cảm hứng từ những thông điệp và hành động đó của 
Chính phủ.

Nhưng vụ việc người mua bán điện thoại “cùi bắp” bị khám xét khẩn cấp vì cho là kinh doanh trái phép chẳng khác nào “vòi rồng” dập tắt “que diêm”.

Vụ việc này đã cho thấy có cự ly giữa chủ trương và thực tế. Hay như một đại biểu Quốc hội đã ví von và sau này được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn lại là không thể “trên trải thảm dưới rải đinh” để nhắc nhở bộ máy chính quyền phải vì dân mà phục vụ.

Cách hành xử của Công an quận 10 đã khiến anh Tiến chịu ít nhiều thiệt hại. Và cũng như vụ Xin Chào, nếu cứ trên nói một đằng, dưới làm một nẻo thì môi trường đầu tư chẳng bao giờ được cải thiện như mong muốn của người đứng đầu Chính phủ và người đứng đầu TP.HCM.

Còn người dân họ sẽ nghĩ gì, hay trong họ lóe lên câu hỏi: cứ thế này, khi nào đến lượt mình? Và cứ thế này thì làm sao có thêm người ra làm ăn, có thêm doanh nghiệp...?

Nếu vụ Xin Chào làm hoang mang các doanh nhân thì vụ điện thoại “cùi bắp” lại khiến những người dân kiếm sống qua ngày hoang mang. Bởi nhìn xung quanh, từ hẻm ra phố, có rất nhiều người cũng đang làm như anh Tiến và không biết khi nào thì đến lượt họ sẽ bị khám xét khẩn cấp, bị mời lên công an...

Anh Tiến không hiểu được vì sao bản thân chỉ biết cặm cụi nhận sửa điện thoại hư, mua bán điện thoại cũ tại nhà làm kế sinh nhai lo cho vợ con và cha mẹ già sau khi xuất ngũ, cũng không có tiền để đặt quầy tủ kính trưng bày cùng bảng hiệu lại bị bắt quả tang kinh doanh trái phép.

Phải chấm dứt ngay những việc làm vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền kinh doanh của người dân. Thay vì bắt quả tang, khám xét khẩn cấp... hãy chìa tay cùng giúp người dân làm đúng pháp luật như người đứng đầu Chính phủ đang nỗ lực, quyết tâm để có môi trường kinh doanh thông thoáng, thân thiện.

Người dân không muốn mãi chứng kiến hết “Xin Chào”, rồi lại điện thoại 
“cùi bắp”...

Cùng chuyên mục
XEM