Tự sự của ông chủ SHIN Cà Phê: 1 ký cà phê bán ra thị trường 6.000 đồng trong khi bán cho chúng tôi 10.000-12.000 đồng, giá gấp đôi thì nỗ lực gấp đôi!

11/06/2019 16:15 PM | Kinh doanh

Ông chủ SHIN Cà Phê Nguyễn Hữu Long từng khởi nghiệp và thất bại nhiều lần với ý tưởng mở quán cà phê. Có thời điểm, anh phải thừa nhận "mất dần động lực, công việc kinh doanh xuống dốc" và lựa chọn con đường xuất khẩu lao động sang Nhật. Tuy nhiên, quá trình tiếp cận văn hóa và những chủng loại cà phê cao cấp hàng đầu ở Nhật đã thổi bùng ngọn lửa khởi nghiệp trong anh. Sau năm năm thai nghén, thương hiệu SHIN Cà Phê ra đời, mang đến những trải nghiệm độc đáo về cà phê thanh đạm.

Hành trình gian nan đến với cà phê

Từ nhỏ, Nguyễn Hữu Long (sinh năm 1982) có thời gian bỏ học, xa nhà đi theo người cô làm rẫy cà phê để phụ mẹ nuôi hai đứa em ăn học. Anh bén duyên với cà phê từ đó. Năm 2000, anh hùn vốn với một người bạn để rang xay và đi bỏ mối cà phê. Tuy nhiên, họ thất bại do quá ít kinh nghiệm.

Thời gian lang bạt ở TP.HCM, anh làm thêm công việc chạy bàn và được một người Nhật tốt bụng nhận làm con nuôi. Người cha nuôi đã động viên, giúp đỡ Long đi học lại và tạo điều kiện cho anh học tiếng Nhật.

Vừa học Long vừa tranh thủ làm thêm phiên dịch tiếng Nhật để kiếm sống và tích lũy. Thời điểm này, Nguyễn Hữu Long có thu nhập khá, mua được cả một căn nhà.

Năm 2009, anh lại nung nấu ý định khởi nghiệp với quán cà phê Bonsai. Ban đầu, khách hàng rất thích ý tưởng vừa uống cà phê vừa được ngắm những tác phẩm bonsai. Tuy nhiên, một thời gian sau, hoạt động kinh doanh xuống dốc và mối bất đồng trong hùn hạp làm ăn lớn dần.

Tại thời điểm khó khăn, anh phải lao vào kiếm tiền và lựa chọn "xuất khẩu lao động" sang Nhật. Trong lúc làm việc tại xử sở hoa anh đào, anh được tiếp cận với văn hóa và những chủng loại cà phê cao cấp hàng đầu. Thế là anh bắt đầu nhen nhóm ý tưởng cho lần khởi nghiệp tiếp theo, và lần này phải mất tới 5 năm chuẩn bị. 

Ngoài làm nhân viên kiểm soát chất lượng cho một nhà máy sản xuất phụ kiện cho Tập đoàn Toyota, anh tìm mọi cơ hội để học hỏi về cà phê, tham gia những khóa huấn luyện và đào tạo chuyên gia cà phê được cấp chứng chỉ của Nhật Bản và Mỹ. 

Cuối cùng anh được một doanh nghiệp chuyên xuất nhập khẩu cà phê tại Nhật mời về làm quản lý chất lượng, nhờ đó, cơ hội được kết nối và giao thương với các công ty và các quốc gia có thế mạnh về cà phê hàng đầu thế giới ngày càng rộng mở.

Tự sự của ông chủ SHIN Cà Phê: 1 ký cà phê bán ra thị trường 6.000 đồng trong khi bán cho chúng tôi 10.000-12.000 đồng, giá gấp đôi thì nỗ lực gấp đôi! - Ảnh 1.

Ly cà phê thanh đạm của SHIN

Khởi nghiệp với ý tưởng hương vị cà phê thuần khiết

Một thời gian sau, Nguyễn Hữu Long trở về nước khởi nghiệp với SHIN Cà Phê vào năm 2015, tập trung cho ý tưởng "Specialty" (tạm dịch là "Chuyên biệt"). Hiện anh Long đang sở hữu chuỗi cửa hàng tại Quận 1 - TP.HCM.

Ở SHIN, Long chọn phân khúc cao cấp nhất, giúp khách hàng Việt Nam nâng cao hiểu biết về giá trị và hương vị thuần khiết của những mẫu cà phê, đặc biệt từ các vùng trồng nổi tiếng trên thế giới. 

Hơn thế nữa, anh mong muốn Shin không chỉ là nơi người ta đến uống một tách cà phê chỉ vì không gian dễ chịu, mà còn giúp mọi người có cơ hội trải nghiệm những tinh hoa của hạt cà phê. 

Tất cả dụng cụ pha cà phê tại Shin thuộc nhiều phong cách và trường phái mà Nguyễn Hữu Long đã góp nhặt trong suốt 5 năm ở Nhật, cũng như bộ sưu tập khoảng 120 loại cà phê của Việt Nam và thế giới để phục vụ cho mục đích tương tự.

Anh Long nhận định rằng mô hình của Shin Coffee sẽ không hoặc rất khó có đối thủ, nếu chỉ vì mục đích lợi nhuận. Chi phí cho Shin khoảng hơn 140 triệu đồng/tháng. Không kể các chi phí cố định, các mẫu cà phê cao cấp SHIN  nhập về đều có giá rất cao từ 100 – 500 USD/kg. 

Ngoài ra, việc lựa chọn, bảo quản và rang xay đều tuân theo những chuẩn mực rất nghiêm ngặt. Cửa hàng thay đổi menu liên tục hai ngày một lần, duy trì hoạt động cupping (buổi thử các mẫu cà phê mới) đều đặn và hoàn toàn miễn phí.

Giải nhiều bài toán liên hoàn cho sự nghiệp kinh doanh

Chia sẻ sâu về quy trình đầu vào của chuỗi cà phê, ông chủ Nguyễn Hữu Long nói :" Trước mắt, chúng tôi deal với người nông dân về giá. Một ký cà phê bán ra thị trường 6.000 đồng trong khi bán cho SHIN 10.000-12.000 đồng, hai bên chỉ có thể đến với nhau bằng giá đó, giá gấp đôi thì nỗ lực gấp đôi. Chúng tôi đến nhằm hỗ trợ người nông dân chứ không phải đặt ra điều kiện"

Tuy nhiên, khó khăn mà SHIN gặp phải là quan điểm của người trồng cà phê Việt trước giờ là cứ tới mùa thì hái, bất kể chín xanh. Trong khi đối với cà phê phải có sự phân biệt rõ ràng để đảm bảo chất lượng, tương xứng với mức giá.

"Chúng tôi làm việc từ năm này qua năm khác thuyết phục người nông dân nhưng nhiều khi lối làm việc cũ khó thay đổi. May mắn là trước giờ chưa có đối tác nào không tuân thủ quy trình", Nguyễn Hữu Long nói 

Theo ông chủ của SHIN, người Việt từ trước đến nay ít quan tâm tới chất lượng cà phê. Họ quan điểm cà phê là đen - đậm - đắng, thì bây giờ phải thay đổi quan điểm cà phê là chua - ngọt - thơm - nhẹ nhàng. Vấn đề làm sao thuyết phục người tiêu dùng cầm ly cà phê lên uống, còn quản trị hệ thống không phải vấn đề.

Tự sự của ông chủ SHIN Cà Phê: 1 ký cà phê bán ra thị trường 6.000 đồng trong khi bán cho chúng tôi 10.000-12.000 đồng, giá gấp đôi thì nỗ lực gấp đôi! - Ảnh 2.

Sau năm năm thai nghén, thương hiệu SHIN Cà Phê ra đời, mang đến những trải nghiệm độc đáo về cà phê thanh đạm

Ở Việt Nam, chưa có nhiều quan tâm, nghiên cứu, đầu tư về nguồn giống, thổ nhưỡng, kỹ thuật thu hái để làm nên ly cà phê ngon. Chính vì vậy, SHIN mong muốn làm những sản phẩm thanh đạm, tinh tế và tập trung vào những khách hàng có mối quan tâm đó. 

Anh Nguyễn Hữu Long cho rằng cà phê cần sự tập trung mới mong có sản phẩm tốt nên SHIN kiểm soát nguồn nguyên liệu, nhà máy rang xay và khâu phân phối, chứ không ôm đồm tất cả do không có thời gian. 

Ông chủ SHIN Cà Phê dẫn chứng những doanh nghiệp như SHIN ở nước ngoài đều quan điểm cà phê là cà phê, họ tập trung khai thác một quy trình từ nông trại tới ly cà phê cuối cùng một cách chi tiết, tỉ mỉ và truyền tải sự tinh tế đó cho người tiêu dùng.

Khi được hỏi về thông tin Golden Gate đầu tư vào SHIN hồi năm 2017, anh Long thẳng thắn chia sẻ: "Golden Gate chỉ đầu tư cho cá nhân tôi là chính chứ không phải SHIN. SHIN là một startup mà startup thì ai cũng cần tiền. Lúc ngồi chia sẻ với đại diện phía Golden Gate, họ nói sẵn sàng hỗ trợ, khi nào thành công thì trả lại. Nếu một quỹ đầu tư rót vốn trực tiếp vào, họ chắc chắn đặt ra áp lực về kết quả kinh doanh rất lớn"

Hiện tại, SHIN Cà Phê không đặt nặng vấn đề chiến lược tổng thể, chỉ mong muốn làm tốt hơn, thực hiện những chương trình chia sẻ cho các bạn trẻ về cơ hội khởi nghiệp với cà phê ngon.

Phương Danh

Cùng chuyên mục
XEM