Từ sản phẩm cứu sống Apple 10 năm trước, iPhone nay đã trở thành cái bóng đè nặng gã khổng lồ

30/01/2017 17:09 PM | Công nghệ

Liệu Apple có thể thoát khỏi sự phụ thuộc quá lớn vào iPhone?

Chiếc iPhone đầu tiên ra mắt 10 năm trước thực chất không hẳn là một “quả bom” bất ngờ với nhiều người. Đầu năm 2007, cơn cuồng Apple đã dâng lên cao trào. Thời điểm trước khi Steve Jobs đăng đàn trong những buổi giới thiệu sản phẩm đã đi vào huyền thoại, thông tin về dòng điện thoại mới của nhà Táo đã lan khắp các trang mạng.

Những site công nghệ như Gizmodo hay Engadget đều đã điên cuồng đăng tải hàng loạt tin đồn về mẫu điện thoại chưa được đặt tên và cập nhật từng chi tiết mới “nghe ngóng” được hàng ngày. Các fan Táo cũng chẳng vừa khi liên tục cho ra những mẫu thiết kế dự đoán. Và cái gì cũng phải đến, vào một ngày đầu tháng 1 năm 2007, Jobs đứng trên sân khấu với chiếc iPhone sẽ thay đổi cục diện ngành di động và máy tính cá nhân theo một cách chưa từng thấy.

Cuối năm 2006, Apple đã là một công ty trị giá 70 tỷ USD. Chỉ 7 năm sau đó, giá trị của nó đã gấp 10 lần con số này. Khoản lãi 18 tỷ USD quý tài khóa thứ 3 năm 2014 hiện nay vẫn đang giữ kỷ lục trong giới doanh nghiệp toàn cầu. Những cửa hàng bán lẻ của Apple cũng mang về mức lãi trên mỗi mét vuông cao hơn các cửa hàng của bất cứ công ty nào khác tại Mỹ, thậm chí vượt mặt cả chuỗi trang sức cao cấp Tiffany & Co. Lý do đằng sau thành công khổng lồ này là gì? Chính là chiếc iPhone, thiết bị mang về cho Apple tới 2/3 tổng số doanh thu.

Apple giờ đây đang đứng trước một bước ngoặt mới, và lần này lý do cũng lại là iPhone, chỉ có điều thời thế không còn được như trước đây. Thị trường smartphone đã bão hòa. Các đối thủ mạnh, bao gồm cả Google, đã tạo ra được những thiết bị phần cứng xứng tầm đối thủ của iPhone. Sau 10 năm, iPhone không còn giữ mãi được vai trò là động lực tăng trưởng cho cả tập đoàn. Apple lại đang tiếp tục phải đau đầu với vấn đề mà hãng từng đối mặt 10 năm trước: Tìm ra bom tấn tiếp theo.

Xung lực của quá khứ

Thời điểm mới ra mắt chiếc iPhone đầu tiên, Apple không hẳn là đưa ra một loại thiết bị hoàn toàn mới. Thị trường điện thoại di động đã tồn tại từ trước đó khá lâu. Những chiếc smartphone có khả năng soạn thảo mail, lướt web,… vẫn còn khá mới mẻ nhưng đã có sẵn những tay chơi nổi tiếng như Nokia, BlackBerry, Motorola hay Palm.

Những gì Apple làm có thể ví như một màn “quăng bom” vào thị trường đã khá cạnh tranh này. Các học giả, các kênh truyền thông đều đồng loạt đưa ra những review ca ngợi hết lời chiếc máy ít phím, có cảm ứng đa điểm và đồng bộ được dễ dàng qua iTunes. Trong khi đó, vẫn có những kẻ cười nhạo iPhone và coi nó là một sản phẩm ngách đã đặt chân tới thị trường quá muộn để có thể trở nên phổ biến.

Mike Lazaridis, CEO đương nhiệm của BlackBerry cho rằng “Hướng tiếp cận chú trọng thiết kế của Apple cuối cùng sẽ giới hạn chính nó khi phải hy sinh những tính năng văn phòng cần thiết.” Cựu CEO Steve Ballmer của Microsoft khi đó còn mạnh miệng: “iPhone không đời nào chiếm được một mảng thị phần đáng kể đâu.”

Đúng là thực tế, iPhone vẫn chưa chiếm được mảng thị phần nào đáng kể. Apple ra mắt nó vào năm 2007 với giá 500 USD cho loại 4GB và 600 USD cho loại 8GB (đi kèm hợp đồng sử dụng dịch vụ của một nhà mạng viễn thông). Thế nhưng chỉ một năm sau, hãng đã giảm giá một nửa để cho giới thiệu tiếp chiếc iPhone 3G, mở màn ra thứ đứng sau sự thành công tột đỉnh của iPhone bên cạnh thiết kế phần cứng: App Store.

Bản thân màn hình cảm ứng, những hướng tiếp cận mới với thế giới Internet thôi đã khiến chiếc iPhone trở nên nổi bật so với những chiếc máy khác rồi, nhưng chính kho ứng dụng App Store mới là thứ khiến nâng iPhone lên một tầm cao mới, nói đúng hơn là nó đã giúp biến iPhone thành một chiếc máy tính tí hon nhét vừa túi bất cứ ai.

Đây cũng là khi iPhone bắt đầu tạo được đà để đi lên. Chiếc iPhone 4 với màn hình Retina và app FaceTime.

Jobs qua đời chỉ một ngày sau khi Apple ra mắt chiếc iPhone 4S vào tháng 10/2011. Thế nhưng thành công của iPhone vẫn cứ tiếp tục lan tỏa. Tiếp sau nó, iPhone 5 với công nghệ LTE mạnh mẽ hơn đã giúp Apple bán được 5 triệu chiếc trong dịp cuối tuần đầu tiên kể từ khi nó chính thức lên kệ (nên nhớ rằng mẫu iPhone đầu tiên chỉ bán được 6 triệu chiếc kể từ khi ra mắt cho đến khi Apple ngừng sản xuất khoảng 1 năm sau đó). Chiếc iPhone 6 Plus màn hình lớn đã thắng đậm tại Trung Quốc và được nâng cấp thành iPhone 7 và 7 Plus hiện nay.

Đây cũng là lúc Apple gặp rắc rối.

Thực tại mới của Apple

Thị trường giờ đây không còn bùng nổ như xưa. Năm 2016, lần đầu tiên kể từ năm 2001, doanh số iPhone bắt đầu tụt giảm.

Vấn đề là ở chỗ, nếu bạn muốn một chiếc iPhone thì khả năng cao là bạn đã có một chiếc rồi. Colin Gillis, chuyên gia phân tích của BGC cho rằng: “Sự chuyển giao sang dùng iPhone vẫn đang diễn ra ở các thị trường mới nổi và vẫn đang tiếp tục nhân rộng. Thế nhưng thời kỳ tăng trưởng nóng thì đã đi đến hồi kết.

Những bước nhảy vọt về công nghệ từng làm đòn bẩy cho Apple cũng không còn tiếp diễn. Chuyển từ điện thoại “cục gạch” lên iPhone 3G hay 4G LTE là một cú thay đổi tới 180 độ về trải nghiệm. Họ khó có thể tạo ra được một màn xoay chuyển tương tự ở thời điểm hiện tại, nhất là khi mà 5G vẫn còn đang ở giai đoạn trứng nước. Chính vì vậy mà người dùng chẳng có nhiều lý do để nâng cấp máy, nếu có thì phần nhiều cũng vì máy cũ…chai pin.

Thế nhưng nói đi cũng phải nói lại rằng, người dùng Apple thực chất khá trung thành. Nhiều ý kiến cho rằng Apple hoàn toàn có thể hạ thấp giá iPhone và đưa ra nhiều sản phẩm hơn để chiếm thị trường rộng lớn hơn. Xét trên một số phương diện thì Apple đã bắt đầu đi theo hướng này – nhưng chủ yếu vẫn chỉ dừng lại ở mức chia cho các nhà phát triển ứng dụng có khả năng giữ chân được nhiều người dùng tỷ lệ doanh thu cao hơn.

Gã khổng lồ vẫn đang đứng giữa những ngã rẽ định mệnh. iPhone đã trưởng thành, giá cổ phiếu cũng trượt dốc kể từ sau khi lên đỉnh vài năm trước. Có thể mô tả tình huống này bằng nhận định chuẩn xác từ chuyên gia phân tích Horace Dediu: iPhone cũng như một vầng mặt trời chói lóa khiến chúng ta không thể nhìn thấy ánh sáng của những vì sao khác. Vầng mặt trời ấy từng sáng bừng trong quá khứ, nhưng đã đến lúc nó đang nguội lạnh dần.

Theo Ngocmiz

Cùng chuyên mục
XEM