Từ phong tục hóa thành hủ tục giữa thế kỷ 21, sính lễ đẩy nhiều thanh niên Trung Quốc vào cảnh đôi ngả chia ly: "Đắt cắt cổ"

13/05/2023 07:26 AM | Sống

Sính lễ là một điều kiện tiên quyết của hôn nhân Trung Quốc. Trao sính lễ như một món quà đính hôn đã có lịch sử lâu đời ở quốc gia này.

Tuy nhiên, sinh lễ đã tăng từ mức bình thường lên đến mức rất cao, khiến các gia đình ở nông thôn hoặc gia đình có thu nhập thấp phải cố gắng dùng hết tiền tiết kiệm để cho con trai lấy vợ. Một số cặp đôi vốn đang yêu nhau nồng cháy cũng vì giá sính lễ quá cao mà chùn bước, thậm chí là chia tay.

Một người muốn giấu tên ở Thượng Nhiêu, Giang Tây đã tiết lộ về mức sính lễ ở một số khu vực đô thị. Ở những nơi này, sính lễ thường nằm trong khoảng 100.000 – 150.000 nhân dân tệ (330 triệu – 500 triệu VNĐ). Ở nông thôn, giá sính lễ thậm chí còn cao hơn, dao động trong khoảng 188.000 – 288.000 nhân dân tệ (630 triệu – 970 triệu VNĐ).

Ông nói với Global Times rằng sính lễ “cắt cổ” đến như vậy vốn chưa bao giờ là một phong tục hay truyền thống dân gian của Giang Tây.

Một vài năm trước, khi thu nhập và mức sống được cải thiện, người ta bắt đầu yêu cầu sính lễ nhiều hơn. Theo ý kiến của người được phỏng vấn, ông cho rằng chấm dứt hoàn toàn hoặc buộc phải hạn chế hoàn toàn truyền thống về sính lễ là điều không thực tế và không cần thiết. Tuy nhiên, giá trị sinh lễ cao đến mức không thể chấp nhận được là điều nên hạn chế.

Giáo sư tại Đại học Bắc Kinh là Zhang Yiwu cho biết rằng chính phủ đang nỗ lực giảm bớt vấn đề sính lễ “cắt cổ”. Nhưng xét đến lối suy nghĩ đã ăn sâu ở một số khu vực, Trung Quốc sẽ còn một chặng đường dài phía trước để loại bỏ được các vấn đề về sính lễ.

Theo giáo sư, điều quan trọng là phải ủng hộ để giá trị của sính lễ nằm ở trong phạm vi hợp lý hơn. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc phần lớn vào sự phát triển kinh tế địa phương và suy nghĩ của người dân.

Mu Guangzong – giáo sư tại Viện Nghiên cứu Dân số thuộc Đại học Bắc Kinh – cho biết sính lễ tăng vọt là kết quả cảu “chủ nghĩa vật chất thái quá” và sự chênh lệch cực độ giữa người giàu và người nghèo ngày nay.

Ngoài ra, sự mất cân bằng tỷ lệ nam nữ do quan niệm muốn sinh con trai, đặc biệt là ở khu vực nông thôn là một yếu tố khác. Ông giải thích rằng vì một số gia đình ở nông thôn thấy đàn ông khó lấy vợ nên họ tăng giá sính lễ.

Các vấn đề xã hội như tâm lý so sánh, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ sau khi kết hôn, bình đẳng giới và giá trị hôn nhân cũng ảnh hưởng đến giá sính lễ, Mu nói.

Tham khảo Global Times

Theo Minh Phương

Cùng chuyên mục
XEM