Từ những phụ phẩm như vỏ bưởi, vỏ chanh, thầy trò ĐH Nông Lâm đã tạo ra món snack sấy dẻo, nâng giá trị lên cả ngàn lần
Với 200 gram vỏ bưởi sấy của Nông Lâm Food, người ta mua với giá 55.000 đồng.
Không khí của sự kiện Lãnh đạo thành phố gặp Cộng đồng khởi nghiệp tuần trước náo nhiệt. Người ta chen chúc tìm những sản phẩm của các bạn trẻ, các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Những sản phẩm từ nông nghiệp như hạt nêm từ nấm, tinh dầu thiên nhiên, vỏ bưởi sấy dẻo, mật ong, trà từ các loài hoa… được nhiều người quan tâm. Trong số đó, một nhóm sản phẩm khá đặc biệt của doanh nghiệp Nông Lâm Food: vỏ bưởi, vỏ chanh dây sấy.
Ảnh: Nông Lâm Food
Từ trước tới nay, người Việt thường có thói quen ăn múi bưởi và bỏ vỏ đi. Chanh dây cũng tương tự, người ta chỉ lấy nước và bỏ phần vỏ.
Xuất phát từ một dự án của giáo sư Mỹ về phụ phẩm trái cây Việt Nam, Tiến sĩ Lê Trung Thiên, hiện đang là giảng viên Đại học Nông Lâm, thấy được rất nhiều tác dụng đối với sức khỏe con người.
“Vỏ bưởi, vỏ chanh dây rất tốt cho sức khỏe. Nhưng vỏ lại rất khó ăn. Chúng tôi lựa chọn những loại vỏ có thành phần tốt cho sức khỏe và biến chúng thành thực phẩm dễ ăn cho con người”, anh Thiên chia sẻ với chúng tôi tại sự kiện.
Giá trị của vỏ bưởi tăng lên cả ngàn lần
Xuất phát điểm là sinh viên Đại học Bách Khoa TP HCM, anh Thiên tốt nghiệp và về công tác tại Đại học Nông Lâm. 2 năm sau đó, anh xin được học bổng tại Bỉ. 7 năm học tập tại Mỹ, anh trở về Việt Nam và tiếp tục giảng dạy tại Đại học Nông Lâm.
Vốn học ngành chế biến thực phẩm, anh Thiên nhận thấy việc bỏ đi những thứ quý giá với sức khỏe con người như vỏ bưởi, vỏ chanh dây quá phí phạm. 2 năm trước, với nguồn vốn ban đầu khoảng 100 triệu đồng, anh cùng cộng sự là một sinh viên của trường đã nghiên cứu và đưa ra thị trường sản phẩm vỏ bưởi và chanh dây sấy.
Hiện Nông Lâm Food đã có hơn 20 nhân viên và thuê được một nhà máy sản xuất được khoảng 200 kg/ngày. Nhân viên của công ty chính là các thầy cô và sinh viên của trường.
Sản phẩm của thầy trò trường Nông Lâm mới chỉ được bán qua kênh online và một số cửa hàng. Mỗi gói vỏ bưởi sấy 200 gram có giá 55.000 đồng. Vỏ chanh dây sấy 145 gram có giá 50.000 đồng. Tính ra, sau khi qua chế biến, giá trị của vỏ bưởi, vỏ chanh dây đã tăng lên gấp nhiều lần.
Anh Thiên thừa nhận vẫn còn nhiều khó khăn, như việc mở rộng kênh bán hàng, đầu tư cơ sở vật chất mới, ra những sản phẩm mới phù hợp với xu hướng thị trường… Nhưng nhìn sang các quốc gia lân cận như Thái Lan, Philippines… họ đều đã có nhiều sản phẩm vỏ trái cây sấy và rất được người tiêu dùng ưa chuộng.
Chia sẻ về những khó khăn khi tiếp cận thị trường, nhất là thời gian đầu, anh Thiên kể lại: “Về mảng này (mảng marketing sản phẩm) những người làm kỹ thuật thường yếu, thiếu kinh nghiệm thực tế để những thông tin về thị trường. Điểm lợi của chúng tôi là xuất phát điểm từ con số 0. Chúng tôi cứ thử, nếu được thì làm. Không được thì thử sản phẩm tốt. Nếu sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng thì chúng tôi làm tiếp. Còn kiến thức về thị trường, marketing thì bây giờ mới suy nghĩ và cần những người có chuyên môn. Chứ ban đầu thì cứ làm theo đam mê thôi”.
Tuy nhiên, sản phẩm của nhóm thầy trò trường Nông Lâm đã có những thành công nhất định. Theo chia sẻ của anh Thiên, Nông Lâm Food hiện có doanh thu khoảng 1 tỷ đồng mỗi tháng, biên lợi nhuận khoảng 20%. Những cộng sự của anh cũng đã có thu nhập tốt. Hiện, vỏ bưởi sấy vẫn là sản phẩm mang lại doanh thu chủ lực cho công ty.