Từ nay đến cuối năm 2020, khả năng còn 4-6 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hình thành trên Biển Đông

17/10/2020 14:05 PM | Xã hội

Theo chuyên gia, từ nay cho đến hết năm 2020, khả năng vẫn còn 4-6 cơn ATNĐ/bão được hình thành trên biển Đông, trong đó có từ 2-4 cơn có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.

Theo dự báo, từ nay đến ngày 21/10 ở Trung bộ có mưa rất to, riêng Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có khả năng mưa đặc biệt to. Tổng lượng mưa từ chiều 16 đến ngày 21/10 ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị phổ biến 400-700mm, có nơi trên 800mm. Ở Thừa Thiên - Huế phổ biến 400-500mm, có nơi trên 500mm.

Khu vực ở Đà Nẵng, Quảng Nam phổ biến 300-400mm, có nơi trên 450mm; từ Quảng Ngãi đến Phú Yên phổ biến 200-300mm, có nơi trên 350mm.

Từ 16/10 - 18/10 ở Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi trên 250mm. Cơ quan dự báo khí tượng cũng cảnh báo, sau ngày 21/10, ở các tỉnh Trung Trung bộ, Nam Trung bộ còn có khả năng xảy ra mưa lớn kéo dài.

Liên quan đến tình hình thời tiết nước ta từ nay đến cuối năm và diễn biến bão, mưa lớn ở miền Trung, trao đối với báo Chính phủ, Phó Giám đốc Trung tâm KTTV quốc gia Hoàng Phúc Lâm cho biết, từ ngày 5/10 tới nay, thiên tai xuất hiện dồn dập ở nước ta, với 3 cơn bão, 1 áp thấp nhiệt đới gối nhau và mưa lũ xảy ra triền miên, với nhiều điểm mưa lớn kỉ lục ở miền Trung.

Từ nay đến cuối năm 2020, khả năng còn 4-6 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hình thành trên Biển Đông - Ảnh 1.

Miền Trung ngập sâu do ảnh hưởng của mưa bão

Theo ông Hoàng Phúc Lâm, từ nay đến giữa tháng 11/2020 vẫn là giai đoạn mùa lũ ở khu vực miền Trung, do đó tình hình mưa lũ vẫn còn có khả năng kéo dài.

Về tình hình mưa bão, ông Lâm cho biết từ nay đến cuối năm 2020 đầu năm 2021, nước ta đang chịu ảnh hưởng của hiện tượng La Nina. Với tác động của La Nina, chúng tôi dự báo từ nay cho tới hết năm 2020, còn khoảng 4-6 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ở Biển Đông, trong đó có khoảng 2-4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, tập trung ở khu vực Trung Bộ và Nam Bộ. Mưa lớn dồn dập và kéo dài vẫn có thể xảy ra trong nửa cuối tháng 10 và tháng 11/2020.

Sang tháng 11/2020, chúng tôi nhận định tiếp tục có khả năng xảy ra các đợt mưa lớn ở miền Trung. Dự báo tổng lượng mưa tháng 11/2020 ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm (TBNN). Các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận tổng lượng mưa cao hơn từ 20-50% so với TBNN.

Từ nửa cuối tháng 10 đến tháng 12/2020, trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện 2-3 đợt lũ vừa và lớn. Đỉnh lũ năm 2020 tại hạ lưu các sông chính ở Bắc Trung Bộ ở mức BĐ1-BĐ2, xấp xỉ đỉnh lũ TBNN; các sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên ở mức BĐ2-BĐ3 và trên BĐ3, tương đương đỉnh lũ TBNN. Trên các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông khả năng xuất hiện lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất.

Bên cạnh đó, dẫn lại lời ông Hoàng Phúc Lâm, báo Chính phủ cho biết, hiện nay không khí lạnh từ phía Bắc liên tục được bổ sung cho đến khoảng ngày 18/10, sau đó suy yếu chậm và sẽ tăng cường trở lại vào khoảng ngày 20-21/10; từ ngày 23/10 không khí lạnh suy yếu dần.

Nhận định xa hơn, chuyên gia dự báo trong những ngày cuối tháng 10 và sang tháng 11/2020, không khí lạnh gia tăng về cả tần suất và cường độ khiến nền nhiệt giảm dần (điều này phù hợp với quy luật hằng năm). Tuy nhiên, nhiều khả năng tháng 11 năm nay không khí lạnh hoạt động mạnh hơn TBNN nên dự báo nhiệt độ ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ ở mức thấp hơn so với cùng thời điểm này hằng năm khoảng từ 0,5-1,0 độ C.

Chuyên gia dự báo đợt rét đậm, rét hại đầu tiên của mùa đông năm 2020-2021 có khả năng xuất hiện vào nửa cuối tháng 12/2020. Các đợt rét đậm rét hại có thể xuất hiện từ nửa cuối tháng 12/2020 đến tháng 2/2021, kéo dài từ 5-7 ngày và có thể kéo dài hơn ở các tỉnh vùng vùng núi. Vì vậy cần đề phòng các hiện tượng băng giá, sương muối, mưa tuyết có thể xảy ra.

Nam An (T/H)

Cùng chuyên mục
XEM