Từ làng chài nghèo trỗi dậy thành siêu đô thị trăm tỷ USD, các tỉnh duyên hải miền Trung học hỏi được gì từ Thâm Quyến?

28/09/2017 07:46 AM | Kinh tế vĩ mô

Tính đến năm 2014, thế giới có khoảng 4.300 khu kinh tế (KKT) và con số này vẫn còn tăng. Trung bình mỗi 4 quốc gia thì có 3 nước có các khu kinh tế. Trung Quốc được xem là quốc gia tổ chức thành công mô hình này với hình mẫu quyến rũ với nhiều nước trong đó có Việt Nam là Thâm Quyến.

Câu chuyện của Thâm Quyến

Nằm ở miền Nam Trung Quốc, giáp ranh với Hồng Kông, Thâm Quyến vốn là một trong 9 làng chài nghèo ven biển thuộc vùng đồng bằng Châu Giang.

Vào những năm đầu cải cách thập niên 80, vùng này chuyển đổi mô hình kinh kế chủ yếu từ nông nghiệp sang công xưởng sản xuất toàn cầu giá trị thấp. Thời điểm này Thâm Quyến được xem là thiên đường hàng nhái của Trung Quốc. Cũng trong thời kỳ này, Thâm Quyến là 1 trong 4 khu vực đầu tiên được thí điểm mô hình KKT.

Thời kỳ đầu tiên áp dụng mô hình này, Thâm Quyến vấp ngay vấn đề trong việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Tính đến cuối năm 1981, 91% các dự án đầu tư vào địa phương này chủ yếu đến từ Hồng Kông thay vì các tập đoàn đa quốc gia và đa phần tập trung vào bất động sản.

Để thu hút nhiểu nhà đầu tư quốc tế, Thâm Quyến ban hành mức thuế thu nhập cố định 15%, thấp hơn hẳn so với 17% của Hồng Kông và 33% ở các vùng khác. Ngoải ra doanh nghiệp còn được miễn nhiều loại thuế địa phương và cũng như thuế xuất khẩu. Hệ thống hành chính, pháp luật ở đây cũng được xây dựng nhằm tạo điều kiện ưu đãi nhất cho các nhà đầu tư.

Thu hút nhân lực tài năng cũng là điểm then chốt trong chính sách của Thâm Quyến. Trong số 11 triệu dân, chỉ có 1/4 số người là có hộ khẩu còn 9 triệu lao động là từ nơi khác đến.

Điểm thứ 3 địa phương này chú trọng phát triển là hệ thống cơ sở hạ tầng vô cùng tốt khi sân bay Thâm Quyến chỉ cách trung tâm thành phố 35km và có các chuyến bay đến mọi nơi trên thế giới. Đường sắt, đường bộ và tàu thủy cao tốc tại đây cũng nối liền các thành phố lớn như Hồng Kông, Ma Cao.

Ngoài ra kinh tế Thâm Quyến phát triển mạnh mẽ là nhờ hệ thống đa dạng các ngành nghề làm điểm tựa vững chắc phát triển cho toàn vùng, tránh tình trạng thiên hướng quá về 1 ngành nào đó.

Sau thời kỳ phát triển dựa vào sản xuất giá trị thấp, học tập theo mô hình cải cách kinh tế của Đức, Thâm Quyến chuyển đổi mô hình sang các ngành công nghệ cao, như sản xuất điện thoại di động, đồng thời xuất khẩu công nghệ, kỹ thuật và vốn của các ngành sản xuất kỹ thuật thấp sang các nền kinh tế mới nổi khác.

Kết quả trong giai đoạn 1981-1993, tốc độ tăng trưởng của Thâm Quyến đạt 40%, cao hơn rất nhiều so với mức bình quân 9,8% của cả nước. Năm 1992, khu vực này thu hút 4,3 tỷ USD vốn FDI, tương đương 14% tổng vốn FDI vào Trung Quốc. Đến giai đoạn 2001-2005, tốc độ tăng trưởng GDP của Thâm Quyến đạt trung bình 16,3% và đến sau năm 2012 duy trì khoảng 10% mỗi năm.

Năm 2016, tổng GDP của Thâm Quyến đạt 294 tỷ USD, cao hơn Bồ Đào Nha, Ireland. Con số GDP này khiến Thâm Quyến đứng thứ 4 trong tổng số 659 thành phố tại Trung Quốc, sau Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu.

Đến bài học cho vùng duyên hải ven biển Miền Trung Việt Nam

Theo Tiến sĩ Huỳnh Thế Du viết trong bài tham luận gửi tới Diễn đàn kinh tế miền Trung lần 2, để việc phát triển KKT có thể thành công cần phải hội đủ bốn yếu tố gồm:

1. Vị trí gần các trung tâm kinh tế hoặc thị trường lớn;

2. Quyết tâm chính trị của lãnh đạo cao cấp trong một liên minh ủng hộ mạnh;

3. Các đối tác có lợi ích dài hạn từ thành công của KKT.

4. Môi trường nuôi dưỡng sự sáng tạo và tìm tòi cái mới để tạo ra các doanh nhân công - những người làm ở khu vực công nhưng có tinh thần doanh nhân, dám nghĩ, dám làm và chấp nhận rủi ro.

Với vùng duyên hải miền Trung Việt Nam hiện nay mặc dù có nhiều KKT ven biển nhưng gần như tất cả đều khó hội đủ cả bốn yếu tố nêu trên, nhất là vị trí nhìn ở những khía cạnh cơ bản.

"Vấn đề là ở chỗ gần như cả duyên hải Việt Nam đã là các KKT và chúng giống hệt nhau làm cho các nguồn lực có giới hạn không thể tập trung để tạo ra các lợi thế về quy mô và lợi thế tích tụ", tiến sĩ Du nhận xét.


TS. Huỳnh Thế Du, Đại học Fulbright Việt Nam, Thành viên Nhóm Tư vấn hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung

TS. Huỳnh Thế Du, Đại học Fulbright Việt Nam, Thành viên Nhóm Tư vấn hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung

Nhìn rộng và dài hạn thì duyên hải của Việt Nam cũng có những lợi thế như duyên hải của Trung Quốc và tất cả đều có khả năng thành công nếu chỉ tập trung vào một hoặc hai khu. Tuy nhiên khả năng tất cả đều thành công cùng lúc là gần như không thể. Nỗ lực của nhiều địa phương là rất lớn và rất đáng ghi nhận, nhưng ở góc độ quốc gia, việc ủng hộ hay có quyết tâm cao đối với tất cả là không thực tế.

Đối với trường hợp thành công như Thâm Quyến hay Singapore, học giả đến từ trường Fulbright cho rằng những nơi đó đã có các nền tảng rất cơ bản, đặc biệt là tinh thần khởi nghiệp của các cộng đồng kinh doanh cộng với nguồn nhân lực sẵn có trong vùng.

Vị trí không chỉ là thị trường, kết nối với các hạ tầng cần thiết mà còn là nguồn nhân lực có kỹ năng. Việc thu hút nhân lực chất lượng cao của các KKT ở xa hai vùng Hà Nội và Tp.HCM không hề đơn giản. Yêu cầu về môi trường và chất lượng sống của lực lượng lao động có kỹ năng rất cao. Do vậy, họ thường đòi hỏi mức thu nhập cao hơn với nơi ở tiện nghi hơn chứ không đơn thuần là mức sống rẻ hơn thì họ chỉ yêu cầu mức thu nhập thấp hơn.

Tuy nhiên, vị trí hay khoảng cách được đo bằng thời gian lưu chuyển các dòng hàng hóa và dòng người. Nếu thời gian được rút ngắn thì khoảng cách địa lý không phải là vấn đề quan trọng. Đây là niềm hy vọng để giải quyết bất lợi về vị trí của nhiều địa phương hiện nay. Với ý nghĩa này, việc tập trung nguồn lực quốc gia để xây dựng một hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ và đảm bảo chất lượng là hết sức quan trọng.

Nếu xét trong phạm vi quốc gia có những trường hợp không được xem là KKT như Bình Dương và khu nam Sài Gòn nhưng lại có những yếu tố rất cơ bản của mô hình này và giữ được cả bốn yếu tố trong một giai đoạn nào đó đáng học hỏi. Hay ở một số khía cạnh nào đó, một số địa phương ở hai vùng Hà Nội và Tp.HCM như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đồng Nai và Vũng Tàu cũng gặt hái được một số kết quả.

Hạt nhân Hà Nội và Tp.HCM là rất quan trọng vì các vùng xung quanh đã sử dụng hay được hưởng lợi rất lớn từ những hạ tầng cơ bản cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao đổ dồn về hai nơi này. Tuy nhiên, sự không thành công của một số địa phương ở hai vùng này cho thấy ba yếu tố còn lại cũng hết sức quan trọng. Muốn thành công đòi hỏi phải có cả bốn yếu tố cần thiết.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM