Từ kinh nghiệm gia công hàng hiệu, các nhà xưởng Trung Quốc chuyển sang kinh doanh hàng “chất lượng” với giá bình dân

19/05/2018 14:40 PM | Kinh doanh

Các xưởng gia công tại Trung Quốc đang ngày một chứng tỏ rằng họ sinh ra không chỉ để làm thuê. Ngay cả “nữ hoàng thời trang” Miuccia Prada cũng đã thừa nhận chất lượng sản phẩm của những người “thợ may” này.

Hiện không ít các xưởng gia công tại Trung Quốc đang sử dụng danh tiếng "sản xuất hàng cao cấp" cho các thương hiệu lớn trên thế giới để tung ra những sản phẩm với mẫu mã tương tự, chất lượng không thua kém nhưng với giá thành "chạm đáy".

Những sản phẩm không tên tuổi này đang dần trở thành một xu hướng trong thị trường Trung Quốc. Giới trung lưu ngày một phát triển khiến nhu cầu sử dụng các sản phẩm có chất lượng cao, đặc biệt là mặt hàng thời trang, thực phẩm, mỹ phẩm và các sản phẩm cho trẻ em ngày một tăng cao. Nói cách khác, người tiêu dùng hiện đại Trung Quốc đang đòi hỏi một giá trị nhất định cho số tiền mà họ bỏ ra.

"Hàng hiệu" nhưng không có nhãn hiệu – xu hướng tiêu dùng mới tại Trung Quốc

Từ kinh nghiệm gia công hàng hiệu, các nhà xưởng Trung Quốc chuyển sang kinh doanh hàng “chất lượng” với giá bình dân - Ảnh 1.

Kể từ năm 2016, rất nhiều xưởng gia công cho các thương hiệu nổi tiếng như Gucci, Burberry … đã bắt đầu hợp tác với tập đoàn công nghệ NetEase của Trung Quốc để bán rất nhiều sản phẩm "hàng hiệu nhưng không nhãn mác" trên trang web Thương mại điện tử Yanxuan.

Các sản phẩm trên được người tiêu dùng ủng hộ và yêu thích đến mức Yanxuan nhanh chóng trở thành một trong những thế lực trong thị trường TMĐT đầy rẫy những gã khổng lồ tại Trung Quốc.

Theo một báo cáo gần nhất của Forbes, người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm thấy và mua sắm trên Yanxuan hàng loạt các mẫu mã thời trang "sành điệu", chẳng hạn như 1 mẫu giày giống hệt với thiết kế của nhãn hiệu nổi tiếng Ugg, được bán bởi một nhà gia công của Uggs tại Trung Quốc. Trong khi chính sản phẩm này có giá vài trăm USD trên các trang TMĐT khác như Tmall hay JD.com, tại Yanxuan, đôi giày đó chỉ có giá 45 USD.

Pan Xiaoning, giám đốc mảng Sở hữu trí tuệ tại hãng luật Yingke Trung Quốc cho rằng các xưởng gia công đang có nguy cơ vi phạm các điều khoản đã ký kết với đối tác của mình như Ugg. "Đa phần các thương hiệu lớn trên thế giới luôn có những điều khoản ràng buộc cho các đối tác sản xuất của mình, nhất là không được sử dụng thương hiệu đó vào mục đích riêng như quảng cáo trên một nền tảng thứ ba, trong trường hợp này là trang TMĐT NetEase."

Nguy cơ vi phạm bản quyền?

Từ kinh nghiệm gia công hàng hiệu, các nhà xưởng Trung Quốc chuyển sang kinh doanh hàng “chất lượng” với giá bình dân - Ảnh 2.

Dù đang được người dùng mô tả là "thiên đường hàng nhái" nhưng một bài nghiên cứu gần đây trên trang Jing Daily cho thấy rằng sản phẩm "nhái" hay "không nhái" trên trang Yanxuan đang là một phạm trù rất khó để xác định.

Tùy theo tính chất hợp tác của những xưởng gia công đối với các nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới, một số đối tác chỉ đơn thuần lắp ráp, nhưng một số đối tác lại tham gia thiết kế và phát triển sản phẩm, và trong trường hợp này thì hai bên đều có quyền sở hữu trí tuệ tương tự nhau.

Steve Dickinson, một luật sư chuyên hỗ trợ các công ty nước ngoài muốn kinh doanh tại Trung Quốc giải thích rằng, ở mô hình hợp tác đơn giản và phổ biến nhất, các đối tác nước ngoài sẽ gửi bản vẽ kỹ thuật và danh sách những tiêu chuẩn qua cho nhà máy tại Trung Quốc. Sau đó nhà máy sẽ tiến hành làm tất cả công đoạn còn lại để có một sản phẩm hoàn chỉnh.

Nhưng vấn đề nằm ở chỗ bản vẽ và tiêu chí ban đầu kia rất có thể sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với quá trình sản xuất hàng loạt. Và nếu trong trường hợp đó thì thiết kế mới này sẽ đến từ sự hợp tác của cả nhà máy sản xuất và thương hiệu quốc tế, vô tình biến quyền sở hữu trí tuệ thành "của chung".

Dù khả năng vi phạm bản quyền của NetEase và các xưởng gia công Trung Quốc vẫn đang bị bỏ ngỏ. Các nhãn hàng quốc tế đang bị "công khai" làm nhái như Ugg và các tổ chức như Hiệp hội quần áo và giày dép Hoa Kỳ đang tỏ ra rất bất bình về vấn nạn này.

"Đẳng cấp" gia công kết hợp với thế mạnh TMĐT

Từ kinh nghiệm gia công hàng hiệu, các nhà xưởng Trung Quốc chuyển sang kinh doanh hàng “chất lượng” với giá bình dân - Ảnh 3.

Không dừng lại ở việc bán sản phẩm không nhãn hiệu trên Yanxuan. Biyao – một công ty TMĐT khác cho phép người tiêu dùng tự thiết kế sản phẩm của mình và đưa đơn hàng đó đến trực tiếp xưởng sản xuất của những nhãn hiệu nổi tiếng thế giới.

Đây cũng dần trở thành một nguồn thu nhập ổn định cho các xưởng gia công này, nhất là trong thời kỳ mà các nhãn hiệu quốc tế đang dần dần rút khỏi Trung Quốc để đến với những "láng giềng" có nhân công rẻ hơn như Việt Nam và Campuchia.

Ngoài ra, các nhà máy sản xuất tại Trung Quốc hiện còn có một kênh doanh thu không kém phần hấp dẫn khác từ trang Factory Store. Như ý nghĩa của tên gọi, Factory Store sẽ kết nối trực tiếp nhà sản xuất với các khách hàng mà không thông qua bất kì một trung gian nào. Điều đặc biệt là các nhà máy có thể sử dụng chính nhãn hiệu riêng của họ, góp phần rất lớn trong việc xây dựng tên tuổi trong bán lẻ sau này.

Một trong những nhà sản xuất đạt được nhiều thành công bằng cách từ bỏ "làm thuê" chính là Casta Diva, công ty này là đối tác của những thương hiệu xa xỉ như Prada, Valentino, Moncler, hay Kenzo. Với các thương hiệu kia, một chiếc khăn quàng cổ sẽ được bán với giá ít nhất là 500 USD.

Nhưng khi bán trên Factory Store, mỗi sản phẩm của Casta Diva chỉ có giá trung bình là 60 USD, với quảng cáo "chất lượng không thua hàng hiệu".

Từ kinh nghiệm gia công hàng hiệu, các nhà xưởng Trung Quốc chuyển sang kinh doanh hàng “chất lượng” với giá bình dân - Ảnh 4.

Đối với các xưởng gia công, mô hình kinh doanh "mới lạ" này cho phép họ tập trung vào thế mạnh thiết kế và sản xuất của mình. Các đối tác như Factory Store sẽ tiến hành thu mua, kiểm tra chất lượng, tạo dựng thương hiệu, quảng cáo và phân phối trực tiếp đến tay người tiêu dùng. Cặp đôi "song kiếm hợp bích" này đã khai thác được một thị trường mới tại Trung Quốc: Tầng lớp trung lưu tuy mạnh tay mua sắm nhưng có thói quen "cân nhắc" kỹ, cung cấp cho họ một mặt hàng chất lượng cao cấp với giá phải chăng là một sự lựa chọn có thể nói là "hoàn hảo".

Thị trường bán lẻ Trung Quốc được dự đoán sẽ tăng thêm 1,8 nghìn tỷ USD trong giai đoạn 2016 đến năm 2021, bằng quy mô của cả thị trường Đức. Trong số đó, bộ phận khách Trung Quốc "sộp" với nhu cầu mua sắm hàng chất lượng cao sẽ chiếm khoảng 75%, tạo ra một thị trường đầy tiềm năng cho các xưởng gia công và công ty sản xuất "quay đầu là bờ".

Lê Thanh Sang

Từ khóa:  hàng hiệu
Cùng chuyên mục
XEM