Tự hủy hoại thân thể cũng có thể bị xử lý hình sự, phạt tù cao nhất 7 năm

14/07/2017 16:55 PM | Xã hội

Những hành vi tự hủy hoại thân thể bị xử lý hình sự được quy định tại điều 213, 332, 333, 403 của Bộ Luật hình sự (sửa đổi).

Trong suy nghĩ của nhiều người, Bộ luật hình sự để xử lý những hành vi phạm tội, tổn hại đến người khác hoặc các tổ chức. Tuy nhiên không phải ai cũng biết những hành vi tự hủy hoại thân thể cũng có thể bị xử lý hình sự. Cụ thể những hành vi này được quy định tại điều 213, 332, 333, 403 của Bộ Luật hình sự (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua hồi cuối tháng 6.

Theo quy định tại khoản b, khoản 1 điều 213 quy định xử phạt tiền từ 30-100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm với hành vi tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm trừ trường hợp luật quy định khác.

Chuyện tự gây thiệt hại cho bản thân để hưởng quyền lợi từ bảo hiểm không phải là chưa từng gặp tại Việt Nam. Gần nhất là tháng 8 năm ngoái, công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) bước đầu làm rõ trường hợp một phụ nữ tại Phúc Thọ, Hà Nội thuê người chặt tay và chân mình với giá 50 triệu đồng nhằm thực hiện hành vi chiếm đoạt 3,5 tỷ đồng của công ty bảo hiểm.

Trường hợp thứ 2 có thể xử lý hình sự liên quan tới tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự và tội không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ. Theo đó nếu cá nhân tự gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho mình để trốn tránh nghĩa vụ quân sự bị phạt tù từ 1-6 năm, không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị bị phạt tù từ 2-7 năm.

Trường hợp thứ 3 có thể liên quan đến tội trốn tránh trách nhiệm. Khi đó nếu cá nhân tự gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của mình thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Điều 213. Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tiền bảo hiểm từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

a) Thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật;

b) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra;

c) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm;

d) Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm trừ trường hợp luật quy định khác.

Điều 332. Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự

1. Người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Tự gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của mình;

b) Phạm tội trong thời chiến;

c) Lôi kéo người khác phạm tội.

Điều 333. Tội không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ

1. Người nào là quân nhân dự bị mà không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ trong trường hợp có lệnh tổng động viên, lệnh động viên cục bộ, có chiến tranh hoặc có nhu cầu tăng cường cho lực lượng thường trực của quân đội để chiến đấu bảo vệ địa phương, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Tự gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của mình;

b) Lôi kéo người khác phạm tội.

Điều 403. Tội trốn tránh nhiệm vụ

1. Người nào tự gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của mình hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác để trốn tránh nhiệm vụ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Là chỉ huy hoặc sĩ quan;

b) Lôi kéo người khác phạm tội;

c) Trong thời chiến;

d) Trong khi thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn;

đ) Trong tình trạng khẩn cấp;

e) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt từ từ 05 năm đến 10 năm.

TN

Cùng chuyên mục
XEM