Từ drama "bánh mì xẻ đôi" chấn động Sài Gòn, nhắc lại chuyện "một tượng đài bánh mì Hà Nội bị đá"

17/12/2021 16:00 PM | Xã hội

Người ta đồn nhau rằng nội bộ bánh mì Huỳnh Hoa 'đắt cắt cổ' ở Sài Gòn toang vì có người thứ 3 dẫn đến 'chiếc bánh mì huyền thoại chia làm 2 nửa'. Drama vẫn chờ thêm tình tiết mới và 1 câu chuyện khác tương tự được nhắc tới...

Một nửa chiếc bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng "nửa bánh mì Huynh Hoa" có phải là... sự thật?

Người ta vẫn hay nói rằng: "Một nửa chiếc bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật thì không phải là sự thật". Và giờ thì chuyện về ổ bánh mì đắt nhất Sài Gòn Huỳnh Hoa (Huynh Hoa) đang khiến dư luận sôi sùng sục vì nó vừa là chuyện "chiếc bánh mì chia đôi" được tò mò về... sự thật.

Từ drama bánh mì xẻ đôi chấn động Sài Gòn, nhắc lại chuyện một tượng đài bánh mì Hà Nội bị đá - Ảnh 1.

Ổ bánh mì nổi tiếng đắt xắt ra miếng không còn chỉ là câu chuyện kinh doanh mà nó được tô màu bằng tình ái của "chia tay" và " trà xanh " khiến cho độ kịch tính được đẩy lên cao trào. MXH không ngừng xôn xao vì "drama" giữa bánh mì Huynh Hoa (thương hiệu đã quá quen thuộc với người Sài Gòn) và bánh mì Bà Huynh (thương hiệu mới khai trương, được cho là tách riêng từ bánh mì Huynh Hoa) do cặp đôi này có kẻ thứ 3 xen vào dẫn đến tan đàn xẻ nghé.

Ổ bánh mì vốn đã "nóng" vì nổi tiếng đắt đỏ mà thực khách vẫn xếp hàng để mua giờ lại thêm phần "bỏng tay" vì chuyện tình ái đầy kịch tính. Vì vậy người ta lại xếp hàng mua bánh mì, hóng luôn cả câu chuyện bên trong của ổ bánh mì xôi thịt đắt đỏ ở Sài Thành này.

Người ta nườm nượp kéo đến mua hàng ở tiệm bánh mì mới được cho là tách ra từ lùm xùm "toang vì kẻ thứ 3" hay vì màn khuyến mại "mua 1 tặng 1" quá hấp dẫn cho 1 ổ bánh mì tú hụ những chả, pate, thịt nguội, xá xíu, chà bông, dưa góp…

Tình tiết tiếp theo khi tiệm bánh mì bà Huynh mới phải tạm đóng cửa thì người ta quay lại săn "ổ bánh mì chính thất" Huynh Hoa để xem độ đậm của bánh mì drama bất chấp... hàng giữ nguyên giá.

Từ drama bánh mì xẻ đôi chấn động Sài Gòn, nhắc lại chuyện một tượng đài bánh mì Hà Nội bị đá - Ảnh 2.

Trên fanpage tiệm bánh mì mới chia sẻ rằng: "Bánh mì Ô môi đã không còn hương vị như trước. Bởi vì hai người đã chia tay. Bà Hoa đã lấy tất cả cửa hàng và thương hiệu Huỳnh Hoa. Còn Huynh sẽ làm lại thương hiệu bánh mì Ô môi bà Huynh". Câu chuyện được đồn đại tóm tắt là bà Huynh và bà Hoa thân thiết cùng nhau làm ăn mở tiệm bánh mì Huynh Hoa. Khi nổi tiếng và phát triển thì bà Hoa quen một người đàn ông khác, họ chia tay và bà Huynh tách riêng ra để làm ăn với đầu mối cấp nguyên liệu cho Huynh Hoa trước đây.

Từ drama bánh mì xẻ đôi chấn động Sài Gòn, nhắc lại chuyện một tượng đài bánh mì Hà Nội bị đá - Ảnh 3.


Tuy nhiên, sau 1 ngày hít drama tình cảm thì câu chuyện lại bẻ lái sang hướng khác: ông bà chủ tiệm bánh mì bà Huynh mới lộ diện lại là 1 cặp vợ chồng lạ hoắc, họ sẽ đăng kí bản quyền tiệm của họ với tên Huỳnh Hoa, tịnh không thấy bóng dáng bà Huynh xuất hiện.

Lúc này người ta lại đặt nghi vấn rằng câu chuyện chia tay, trà xanh trên liệu có là sự thật hay là 1 chiêu truyền thông lợi dụng tạo drama để trục lợi tạo tiếng tăm để bán hàng và đánh tráo thương hiệu?

Câu chuyện "bánh mì chia đôi" này hiện vẫn chưa được ngã ngũ vì người trong cuộc chưa lên tiếng, sự thật vẫn đang dừng ở "nửa sự thật" nên MXH vẫn tiếp tục hít drama để chờ đợi sự thật về nửa chiếc bánh mì có thể gây chấn động trên đất Sài Thành.

Ở cả 2 tiệm, khách đến mua, shipper đến xếp hàng chờ đông nghịt. Khi khắp nơi từ ngoài đời đến MXH quan tâm tới câu chuyện ổ bánh mì huyền thoại này, thì cũng có một thông tin thú vị được liên tưởng cũng không kém phần kịch tính và.. cũng khá logic.

Người ta nhớ tới ở Hà Nội trước đây đã từng có một tiệm bánh mì cực nổi tiếng vì ổ bánh cũng "xôi thịt" như vậy và đông khách như vậy rồi cũng từng bị chủ nhà "đá tung". Dù không có màu sắc tình ái kì bí như Huỳnh Hoa nhưng cửa tiệm này cũng phải "tách" sang một địa điểm khác và bắt đầu xây lại từ đầu.

"Ai đã giết bánh mỳ Hàng Bạc"?

Có "tuổi đời" 17 năm ở Hà Thành, ông chủ Đức Long là một trong những người đầu tiên mang kiểu bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ về Hà Nội, nhưng điều quan trọng hơn là tiệm bánh nổi tiếng là do những chiếc bánh mì nhân đầy đặn đến mức tú hụ như Huỳnh Hoa và có vị thơm ngon nức tiếng phố cổ. Nước sốt dùng cho bánh mì ở đây được chính tay chủ quán chế biến theo công thức sốt đặc biệt

Quán ban đầu có địa chỉ ở Hàng Bạc với lượng khách đông đến mức bán mỏi tay, khách ăn dần quen miệng gọi đó là Doner Kebab Hàng Bạc chứ ít ai để ý đến tên Đức Long. Đang trong lúc ăn nên làm ra với thâm niên 10 năm thì anh Long bất ngờ bị chủ nhà "đá" ra khỏi nhà để lấy lại mặt bằng. Điều đáng nói, họ không lấy lại địa điểm theo cách đơn thuần mà đã "học lỏm" công thức, lấy lại địa điểm này để kinh doanh chính mặt hàng đó và đơn giản lấy tên là Doner Kebab Hàng Bạc. Khách quen chỉ cần nhìn mặt ông chủ là biết nhưng khách lạ thì chỉ bán tín bán nghi.

Từ drama bánh mì xẻ đôi chấn động Sài Gòn, nhắc lại chuyện một tượng đài bánh mì Hà Nội bị đá - Ảnh 4.

Anh Long từng chật vật phải di chuyển quán qua khá nhiều địa điểm khác nhau.

Anh Long cho biết, sau khi tiệm của anh rời chỗ cũ chuyển về Lương Ngọc Quyến đã từng phải lao đao vì mất khách. Quán cũ ở Hàng Bạc lập lờ bán hàng như thể vẫn là quán cũ khiến anh không có cả cơ hội treo biển chuyển địa điểm.

Anh Long tâm sự: "Cái cảm giác leo gần đến đỉnh lại tuột trở về vạch xuất phát thật không dễ dàng chút nào. Tất cả lại bắt đầu từ đầu, lúc lên voi lúc xuống chó làm mình có lúc định bỏ cuộc".

Tuy nhiên, anh biết chẳng có cách nào khác là chấp nhận hiện thực và làm lại từ đầu. Một số khách hàng quen thuộc sau khi nhận thấy "chiếc bánh mì dù y chang nhưng không có vị như cũ" đã tìm lại được hương vị đó ở Lương Ngọc Quyến và biết anh Long bị "hất cẳng" nên đã chia sẻ câu chuyện trên facebook, rồi dần dần khách cũ quay trở lại.

Chủ tiệm bánh mì nổi tiếng ở phố Hàng Bạc giờ đã thành chủ tiệm bánh mì nổi tiếng ở phố Lương Ngọc Quyến cho biết hiện tại anh đã lấy lại được khách cũ. Khó khăn thất bại cũng đã qua và anh hiểu rủi ro hay bị chơi xấu trong kinh doanh vẫn xảy ra, nhưng điều quan trọng nhất vẫn mãi là chất lượng sản phẩm bởi khách hàng sẽ không quay lại với anh vì "bênh" mình mà họ phải thấy sản phẩm xứng đáng.

Từ drama bánh mì xẻ đôi chấn động Sài Gòn, nhắc lại chuyện một tượng đài bánh mì Hà Nội bị đá - Ảnh 5.

Đặc điểm nhận diện dễ thấy của Đức Long và Huynh Hoa là bánh luôn ngập nhân.

Sau "cú sốc" kinh doanh 1 thời anh Long tâm sự: "Người ta có thể "nhái" mình về hình dáng, nguyên liệu na ná, trông cũng có khi gần như là giống y chang, nhưng cái "hồn cốt" thì không thể. Như phở Hà Nội cũng vậy cũng chỉ là nước dùng, bánh phở, thịt nhưng độ gia giảm của gia vị, cách tẩm ướp… thì không ai bắt chước được, vì thế mới tạo ra những hàng phở Hà Nội khác nhau. Bánh mì cũng vậy, công thức thì thế, nhưng mỗi hàng có 1 bí kíp riêng mà rất khó để "ăn trộm" được.

Thương trường như chiến trường, việc cạnh tranh không lành mạnh vẫn xảy ra mà mỗi tình huống đến theo cách khác nhau nhiều khi mình không lường trước được. Nhiều câu chuyện gian dối, bịa đặt nhằm hạ uy tín đối tác cũng vẫn có. Nhưng điều đầu tiên luôn phải bắt đầu từ sản phẩm, phải tạo ra sản phẩm để người ta nhớ đến mình với cái riêng. Đó là thứ không dễ để người khác muốn bắt chước, muốn chơi xấu mình là được".

Sau này, dân tình đồn đoán tiệm bánh ở vị trí Hàng Bạc đó cũng "lao đao" đổi qua mấy lần chủ, cũng có thay tên nhưng đều bán Doner kebab.

Từ drama bánh mì xẻ đôi chấn động Sài Gòn, nhắc lại chuyện một tượng đài bánh mì Hà Nội bị đá - Ảnh 6.
Từ drama bánh mì xẻ đôi chấn động Sài Gòn, nhắc lại chuyện một tượng đài bánh mì Hà Nội bị đá - Ảnh 7.

Cuối cùng thì hiện tại drama ổ bánh mì đắt đỏ bậc nhất ở Sài Thành vẫn chưa đi đến hồi kết. Sự thực có giống như lời đồn hay chỉ là một chiêu PR của 1 "tiệm bánh mì Huỳnh Hoa pha ke" hãy chờ thêm thời gian trả lời.

Nhưng nghe lại chuyện về ổ bánh mì Đức Long ở Hà Nội cũng có thể có thêm chút hình dung... trong lúc chờ hóng tiếp tới khi "vở kịch bánh mì" hạ màn.

Theo ĐX

Cùng chuyên mục
XEM