Tự do di chuyển lao động trong ASEAN: cơ hội và thách thức nào cho doanh nghiệp và Start-up Việt?

03/09/2016 19:39 PM | Kinh doanh

Một trong những thỏa thuận đáng chú ý của Cộng đồng kinh tế ASEAN là các lao động trẻ, có trình độ sẽ được tự do di chuyển giữa các quốc gia.

Ngày 31/12/2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (ASEAN Economic Community-AEC) chính thức được thành lập. Sự kiện này được dự báo sẽ đem đến cả cơ hội lẫn thách thức cho người dân và doanh nghiệp Việt. Một trong những thỏa thuận đáng chú ý và có tác động trực tiếp nhất của AEC đó việc các lao động trẻ, có trình độ thuộc 8 nhóm lĩnh vực nghề nghiệp, bao gồm: bác sỹ, nha sỹ, hộ lý, kỹ sư, kiến trúc sư, kiểm toán viên, giám sát viên và nhân viên du lịch, sẽ được tự do di chuyển giữa các quốc gia.

Việc AEC được thành lập có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc giúp Cộng đồng ASEAN trở nên hoàn chỉnh hơn với ba trụ cột là chính trị-an ninh, kinh tế, và văn hóa-xã hội. Thực chất, hội nhập kinh tế ASEAN đã trải qua một quá trình phát triển lâu dài từ trước đó. Và thỏa thuận tự do đi lại của sẽ giúp lao động các nước trong khu vực nói chung và lao động Việt Nam nói riêng có cơ hội lớn hơn trong việc tìm kiếm các công việc trong khu vực và ngược lại.

Theo số liệu năm 2013, tổng số di chuyển lao động trong nội bộ các nước ASEAN là 6,5 triệu người, trong đó, tỷ lệ lao động từ các nước ASEAN chỉ chiếm 34,6%. ASEAN có ba quốc gia là điểm đến chính của lao động nhập cư đó là Malaysia, Singapore, và Thái Lan (chiếm gần 90%). Tại Malaysia, 42,6% lao động nhập cư từ Indonesia. Tại Singapore, 45% lao động nhập cư là từ Malaysia. Tại Thái Lan, 50,8% lao động nhập cư là từ Myanmar.

Với dân số 90 triệu/600 triệu dân trong ASEAN, Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế với thỏa thuận này. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, quy mô lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ở Việt Nam là khoảng 70 triệu người, trong đó số người ở tuổi là động là 55 triệu người. Đây là nhóm tuổi tiềm năng để tiếp thu được tri thức, kỹ năng mới để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động ở Việt Nam. Tổ chức lao động Quốc tế ILO dự báo mức di chuyển lao động ban đầu của Việt Nam với thỏa thuận này sẽ dừng ở lại mức 1% nguồn nhân lực và chỉ tập trung vào số nhân lực có tay nghề, kỹ năng, và trình độ ngoại ngữ.

Cơ hội của Việt Nam ở đây xuất phát từ việc: (+) ngành IT Việt Nam hiện đang phát triển tương đối tốt so với các nước trong khu vực, do đó lao động khi ra nước ngoài hoàn toàn có thể cạnh tranh được và các lao động nước ngoài sang Việt Nam cũng khó cạnh tranh hơn trong lĩnh vực này; (+) Hiện nay lao động kỹ thuật một số nước như Singapore, Malaysia đang bị thiếu do họ đang bị lệch hướng sang các lĩnh vực về tài chính ngân hàng, marketing. Và Việt Nam có thể đáp ứng nhu cầu này; (+) Doanh nghiệp Việt có thể tuyển dụng lao động giá rẻ của Lào, Campuchia hay tiếp cận số lao động tay nghề cao từ Singpore, Thái Lan; (+) Việt Nam có lao động tay nghề cao ở một số ngành nghề bậc cao và bậc trung như: công nghệ thông tin, dệt may, giầy da, chế biến thực phẩm, một số ngành cơ khí…; (+) Nhiều việc làm mới sẽ được tạo ra, giúp cho thanh niên thấy được sự phát triển việc làm, từ đó có thể lựa chọn ngành, nghề phù hợp.

Tuy nhiên, thỏa thuận này cũng sẽ đem lại không ít thách thức do: (+) Lao động Việt Nam tuy nhiều nhưng chất lượng thấp và chủ yếu tập trung ở các vùng nông thôn; (+) Nguồn lao động có chuyên môn trong nước còn ít và nhóm đang có nguy cơ bị chảy máu chất xám cao; (+) Nguồn lao động Việt Nam trong khu vực được đánh giá là kém cạnh tranh trong năng suất lao động, kỹ năng và ngoại ngữ. Theo nghiên cứu của ILO, năng suất lao động của người lao động Việt Nam chỉ bằng 1/5 so với Malaysia, 2/5 so với Thái Lan, và thậm chí chỉ bằng 1/15 so với Singapore. Ngân hàng Thế giới đánh giá nếu lấy thang điểm là 10 thì chất lượng nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng; (+) Lao động Việt phải cạnh tranh với các lao động chất lượng cao ở một số nước như Malaysia, Singapore, Thái Lan trong khu vực; (+) Nhiều bạn trẻ Việt Nam còn khá băn khoăn về tác động của thỏa thuận này đối với bản thân, thậm chí một số bạn còn khá mù mờ về thông tin này.

Trước tình hình này, người lao động Việt Nam cần phải nhận thức được và tích cực trong việc: (+) Tích lũy thêm kinh nghiệm làm việc, kỹ năng cứng, kỹ năng mềm; (+) Rèn luyện khả năng ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh; (+) Rèn luyện tác phong làm việc công nghiệp, đạo đức, kỷ luật, tinh thần trách nhiệm trong công việc; (+) Tìm hiểu về ngoại ngữ, pháp luật của các quốc gia mà mình định đến làm việc.

Trong khi đó nhà nước và các doanh nghiệp cần chú ý: (+) Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho giới trẻ về hội nhập kinh tế ASEAN; (+) Đào tạo nhân lực theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, lấy sự chấp nhận của thị trường lao động là thước đo cho giáo dục; (+) Tổ chức tốt thông tin thị trường lao động, cung cấp thông tin việc làm trong và ngoài nước cho người lao động; (+) Tổ chức tốt các giao dịch, chắp nối việc làm; (+) Nâng cao năng lực cán bộ, công nhân viên; (+) Đặt ra tiêu chuẩn tiếng Việt để được làm việc tại Việt Nam…

Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng khuyến nghị Việt Nam cần dành sự đầu tư lớn hơn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm vượt khỏi ngưỡng nước có thu nhập trung bình.

Theo Khánh Thịnh

Cùng chuyên mục
XEM