Từ chuyện thủ khoa Sư phạm về chăn lợn: Muốn chứng tỏ mình là một cô giáo giỏi, tôi không nghĩ kỳ thi tuyển công chức có thể giúp Hà!

11/10/2017 08:37 AM | Sống

Nhà văn/ nhà báo Hoàng Anh Tú đã chia sẻ góc nhìn về câu chuyện cô Thủ khoa ĐH Sư phạm 2 phải ở nhà chăn lợn: “Tôi cho rằng Hà và các cử nhân thất nghiệp như Hà rất cần bỏ đi ý nghĩ mình là một viên ngọc quý cất trong két mà hãy trở thành chiếc cuốc dựng ngoài vườn.”

Câu chuyện nữ thủ khoa trường Sư phạm, đã tốt nghiệp 1 năm nhưng vẫn ở nhà làm ruộng, chăn lợn phụ gia đình vì tỉnh chưa có đợt thi tuyển giáo viên - đã trở thành đề tài gây tranh cãi trong suốt những ngày gần đây. Không ít những ý kiến cho rằng Hà, cũng như nhiều cử nhân đại học khác đã thụ động trong việc tìm kiếm công việc cho chính mình, tự để bản thân rơi vào cảnh thất nghiệp và không nghĩ đến chuyện tự lao ra ngoài kia và thử sức mình với những cơ hội khác.

Để bạn đọc có cái nhìn đa chiều hơn về những quan điểm này, hôm nay chúng tôi xin chia sẻ một quan điểm của nhà báo - nhà văn Hoàng Anh Tú - anh Chánh Văn một thời của báo Hoa học trò. Là một người từng nhiều năm gắn bó với giới trẻ, cũng như công tác ở vị trí quản lý, tuyển dụng - anh Tú đã tiếp xúc và làm việc với các bạn ứng viên trẻ, có kinh nghiệm và cái nhìn sâu sắc về vấn đề này để chia sẻ với tất cả chúng ta.

--------------------------------------

Bùi Thị Hà chỉ là 1 trong số hơn 200,000 cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp. Là tính số chưa có việc làm chứ không tính số ra trường làm trái ngành, trái nghề. Với 412 trường Đại học, Cao đẳng trên cả nước (trung bình mỗi tỉnh thành có 6,6 trường) và 2,2 triệu sinh viên thì việc cử nhân ra trường chiến đấu với nhau chiếm được một chỗ làm ưng ý thực sự là cuộc chiến cam go. Ở cuộc chiến đó, những người như Bùi Thị Hà luôn là người thua cuộc. Vì ở cuộc chiến đó, người ta cần nhiều hơn một tấm bằng.

Bùi Thị Hà (bên trái) chỉ là một trong số hơn 200,000 cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp (Ảnh minh họa).
Bùi Thị Hà (bên trái) chỉ là một trong số hơn 200,000 cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp (Ảnh minh họa).

Tôi không tính đến những thứ tiêu cực như quan hệ, tiền tệ, thứ bất thường mà bây giờ ai cũng cho là bình thường. Tôi chỉ nói đến những thứ mà nhà tuyển dụng thực sự cần và muốn. Như kinh nghiệm. Tưởng chừng đó là một nghịch lý khi mà sinh viên vừa ra trường thì đào đâu ra số năm kinh nghiệm? Tôi đồng ý rằng số năm kinh nghiệm các cử nhân mới ra trường không thể có nhưng trải nghiệm thì có đấy.

Trải nghiệm của bạn trong thời sinh viên là gì? Nó không phải là những trận rượu thâu đêm, những cuộc đánh bài bạc hay tán tỉnh, yêu đương đấy chứ? Trải nghiệm là thứ mà nhiều sinh viên thiếu đặc biệt với những sinh viên học giỏi đến cực giỏi. Vì thời gian của họ dành hết cho sách vở điểm số thì còn đâu để trải nghiệm những công việc liên quan ngoài kia? Hay kể cả nhiều sinh viên chọn đi làm thêm ở những môi trường chẳng liên quan đến kiến thức mình học, ngành nghề mình theo đuổi hoặc đi làm thêm chỉ để kiếm tiền. Tôi thấy nhiều sinh viên như thế!

Đi làm thêm điên cuồng chẳng phải để cọ xát thực tế mà chỉ để có tiền trang trải cuộc sống bản thân. Đồng ý rằng đi làm kiếm tiền giảm bớt gánh nặng chi phí cho cha mẹ dưới quê nhưng nếu chỉ quan tâm đến việc kiếm ra bao nhiêu tiền mà không học hỏi được điều gì thì việc đi làm thêm ấy giống như đi bán sức lao động. Nhà tuyển dụng cần những trải nghiệm có giá trị chứ không cần những bảng thành tích.

Nhà tuyển dụng cần những trải nghiệm có giá trị chứ không cần những bảng thành tích (Ảnh minh họa).
Nhà tuyển dụng cần những trải nghiệm có giá trị chứ không cần những bảng thành tích (Ảnh minh họa).

Bùi Thị Hà có những năm tháng đi làm gia sư sau khi trải qua đủ thứ việc như bồi bàn, rửa bát thuê, lau dọn. Em nói về quyết định của mình: "Nhưng rồi em sớm nhận ra, phải làm việc gì đó để vừa có thêm thu nhập lại có ích cho công việc sau này. Vì thế em chọn gia sư là công việc chính trong gần 4 năm học đại học của mình".

Vậy kể ra Hà cũng đã có những trải nghiệm cần thiết đấy! Nhưng tôi lại tự hỏi: 4 năm đi làm gia sư, Hà có hạnh phúc không khi được dạy học? Nếu câu trả lời là có thì tốt. Bằng không nếu câu trả lời là "còn tuỳ từng lúc" hay "đi làm gia sư để trau dồi thêm nghề" thì thực sự tôi thấy buồn.

Bản thân tôi từng đi kiếm gia sư cho 3 đứa trẻ nhà tôi và tôi gặp những sinh viên sư phạm như vậy: Coi việc đi làm gia sư chỉ để trau dồi kiến thức, kinh nghiệm và có tiền. Hoặc tôi đã quá đòi hỏi chăng khi tôi muốn mỗi sinh viên sư phạm khi đi làm gia sư là phải thấy hạnh phúc với việc giảng dạy cho những học trò? Đó là ý thức trách nhiệm với nghề mình đeo đuổi.

Và nếu như Hà cũng thấy hạnh phúc, tôi thành thật khuyên Hà nên tiếp tục làm gia sư hoặc khi đã đủ năng lực, kinh nghiệm Hà hoàn toàn có thể tự tin ứng tuyển ở những ngôi trường đang đói giáo viên giỏi.

Nhưng Hà lại muốn trở về Hà Giang. Đó là điều đáng quý. Khi mà quá nhiều sinh viên tốt nghiệp loại giỏi nhưng lại bám thành phố thay vì về quê nhà (nhiều khi ở quê nhà đang trải thảm đỏ đón về). Chỉ tiếc rằng Hà Giang không còn chỗ cho Hà. Và không chỉ Hà Giang, nhiều nơi khác cũng vướng đủ mọi loại cơ chế cản trở việc trải thảm đỏ đón nhân tài như mong muốn của Chính phủ.

Nói như ông Vũ Văn Sử - Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang: "Trường hợp của Hà là một trường hợp đặc biệt, học giỏi và gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Sau khi em ra trường, tôi đã đích thân tới tận nhà để động viên và chúc mừng em. Tuy nhiên, em vẫn phải chờ có đợt thi tuyển tới đây. Hiện việc thi tuyển công chức không đặc cách đối với thủ khoa, tất cả đều công bằng, nhưng tôi tin với khả năng của mình em sẽ thi đỗ và đóng góp cho ngành giáo dục tỉnh nhà".

Vậy Hà, cũng như nhiều cử nhân khác sẽ phải làm gì để không thành viên ngọc quý cất sâu trong đáy tủ với một vạn tám ngàn lớp khoá? Tôi cho rằng Hà và các cử nhân thất nghiệp như Hà rất cần bỏ đi ý nghĩ mình là một viên ngọc quý cất trong két mà hãy trở thành chiếc cuốc dựng ngoài vườn. Với hơn 200,000 cử nhân đang thất nghiệp, nhìn một cách tích cực, tôi thấy có 200,000 cơ hội khởi nghiệp với khát vọng và kiến thức họ đã có, đang có thậm chí là sẽ có nếu như họ dám từ bỏ mũ áo cử nhân để khoác lên mình bộ đồ chiến binh.

Tất nhiên, làm ơn trừ ngay, bỏ ngay cho tôi số cử nhân học hành đối phó, lười biếng và chỉ mơ làm quan. Trừ nốt cả số sinh viên chọn việc đỗ đại học (gì cũng được) để thoát nghèo. Bởi số sinh viên đó từ cô bé chăn lợn đỗ thủ khoa sẽ thành cô bé đỗ thủ khoa về chăn lợn. Nó vốn chả khác gì nhau cả. Người ta không thể thoát nghèo bằng việc đỗ đại học (gì cũng được). Nó hài hước như đường đến Thành Công có thể đi từ Giảng Võ hoặc Ngọc Khánh vậy.

Tôi từng ngồi ghế nhà tuyển dụng đôi ba lần và lần nào tôi cũng trông đợi ứng viên nào đó cho tôi thấy sự chủ động của họ. Những ứng viên có được sự chủ động thường sẽ tiến rất nhanh và đi rất xa mà chẳng cần đến bằng loại giỏi. Sự chủ động đến từ việc họ - những ứng viên đó biết rằng giá trị của họ đến đâu, tại sao nhà tuyển dụng không thể để mất họ được.

Nó giống như một chiếc xe SH cáu cạnh cắm sẵn chìa khoá đặt giữa Hồ Gươm, nhà tuyển dụng nào nhanh tay thì giữ lại nó được mà chậm chân sẽ chỉ nhìn theo nó mà nuối tiếc vậy.

Nếu như Hà là một cô giáo giỏi, tôi tin rằng Hà Giang sẽ tiếc hùi hụi. Mà muốn chứng tỏ mình là một cô giáo giỏi, tôi không nghĩ kỳ thi tuyển công chức có thể giúp Hà. Mà là ở chính Hà. Kể cả hôm nay khi em đang nuôi lợn thì hãy trở thành một người nuôi lợn tốt nhất hoặc chứng minh năng lực của mình ở nơi cần những nhà giáo tâm huyết như em!

Theo Hoàng Anh Tú

Cùng chuyên mục
XEM