Từ chuyện "Đau xót khi thấy con em đi du học rồi không về VN làm việc", chuyên gia Bùi Khánh Nguyên chia sẻ quan điểm bất ngờ

30/08/2022 09:47 AM | Sống

Theo chuyên gia Bùi Khánh Nguyên, cần tư duy lại về việc có nên kêu gọi du học sinh về nước hay không, vì các lý do sau đây.

Tại Hội nghị ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân khu vực phía Nam quý 3-2022 do Ban công tác phía Nam Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức vào sáng 19/8, ông Peter Hồng - phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài - đưa ra thông tin khiến nhiều người giật mình.

Theo ông Peter Hồng, mỗi năm Việt Nam phải tiêu tốn 1,4 tỉ USD cho khoảng 100.000 con em du học nhưng sau đó không sử dụng được số trí thức này khiến ông vô cùng đau xót.

Từ chuyện "Đau xót khi thấy con em đi du học rồi không về VN làm việc", chuyên gia Bùi Khánh Nguyên chia sẻ quan điểm bất ngờ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Nói về vấn đề này, chuyên gia Bùi Khánh Nguyên, diễn giả độc lập về giáo dục cho rằng "không đâu có nhân tài giá rẻ". Theo anh, cần tư duy lại về việc có nên kêu gọi du học sinh về nước hay không, vì các lý do sau đây.

1. Nhân tài là của chung nhân loại: Tất cả các em học sinh du học thành công, đặc biệt là du học bậc đại học và ở các ngành khoa học, kỹ thuật, khi đã sẵn sàng cho thị trường lao động toàn cầu, thì nên di chuyển theo dòng chảy toàn cầu.

Ở đâu có môi trường làm việc tốt, môi trường sống tốt, giúp bản thân phát triển nghề nghiệp lên các mức độ cao hơn nữa, nơi đó chính là nơi dành cho các em. Nhân tài là của cả nhân loại, tổ chức nào có thể sử dụng được hiệu quả nhất, tối ưu nhất thì nên để họ sở hữu, sử dụng và phát triển các tài năng ấy.

2. Không phải mọi du học sinh đều là tài năng: Việc du học ngày nay là một nhu cầu và lựa chọn phổ thông, rất nhiều học sinh có thể đáp ứng được. Cũng giống như trong nước, có một tỷ lệ các em không đi du học hoặc không có cơ hội đi du học nhưng vẫn là tài năng, thì trong số du học sinh cũng vậy, chỉ có một tỷ lệ % nhất định là các học sinh tài năng, học hành thành công để trở thành những người lao động tài năng, các chuyên gia được thị trường lao động săn đón.

Do vậy Việt Nam không nên đặt ra vấn đề thu hút du học sinh làm gì, mà nên đặt ra vấn đề thu hút người tài năng, thu hút chuyên gia ở cả ngay trong nước và từ nước ngoài về, thậm chí bao gồm luôn cả người nước ngoài sang Việt Nam.

3. Việt Nam có thể sử dụng lãng phí tài năng: Việt Nam là một quốc gia đang phát triển (nước thuộc thế giới thứ 3), điều kiện kinh tế xã hội rất khác một quốc gia đã phát triển (nước thuộc thế giới thứ nhất). Có rất nhiều thứ hữu ích ở nước đã phát triển không tương thích, không phù hợp với một nước đang phát triển, bao gồm cả khoa học – công nghệ.

Việc về nước của một tài năng có thể không tối ưu khi được đào tạo hoặc đã làm việc ở nước ngoài nhưng chỉ sử dụng được một phần rất nhỏ năng lực của mình khi ở một nước thế giới thứ ba. Do vậy, Việt Nam nên thu hút những tài năng phù hợp với điều kiện phát triển của mình.

Từ chuyện "Đau xót khi thấy con em đi du học rồi không về VN làm việc", chuyên gia Bùi Khánh Nguyên chia sẻ quan điểm bất ngờ - Ảnh 2.

4. Ở đâu cũng có thể giúp quê nhà, chỉ cần có ý muốn giúp: Chuyện ngồi ngay trong nước mà chẳng giúp gì cho Việt Nam hay ở mãi tít tận châu lục xa xôi nào đó mà muốn giúp Việt Nam thì vẫn giúp, vẫn cống hiến được là một thực tế. Chỉ cần có ý muốn giúp thì sẽ giúp được với điều kiện ngày nay.

Việc giúp của người ở nước ngoài có thể thông qua chia sẻ thông tin, qua tiền gửi về trong nước, qua làm từ thiện, qua kết nối học bổng cho lứa học sinh tiếp theo. Có 1001 cách giúp đỡ từ xa mà tất cả các bên đều hưởng lợi.

5. Hãy để thị trường điều tiết qua "bàn tay vô hình": Câu chuyện đi đâu, ở đâu của các tài năng về bản chất cũng chính là sự điều khiển của quy luật cung cầu về lao động. Ở đâu có chính sách tốt, thông qua thu nhập tốt, môi trường làm việc năng động, thái độ chân thành của nhà tuyển dụng... thì ở đó thu hút được những chất xám tốt, ở đâu lương trả không theo quy luật thị trường, môi trường làm việc độc hại, chủ lao động không chuyên nghiệp, không tâm huyết... thì không thể thu hút được người giỏi.

"Bàn tay vô hình" của thị trường có thể lấy đi những học sinh ưu tú nhất của Việt Nam, nhưng cũng mang trở lại Việt Nam những chuyên gia nước ngoài hoặc Việt kiều đủ tốt. Dòng chảy của chất xám ngày nay sẽ không còn phân biệt quốc tịch của người lao động nữa. Việt Nam nên hài lòng với nguồn chất xám đang có ở Việt Nam, bao gồm của người Việt ở trong nước, Việt kiều về nước, cũng như người nước ngoài sang Việt Nam làm việc.

6. Không đâu có nhân tài giá rẻ: Khi đã nói đến phát triển kinh tế, thì phải tuân theo các quy luật của kinh tế học. Đừng mong sử dụng nhân tài với giá rẻ, bởi tâm thế muốn "mua rẻ một món đồ quý" thì ngay từ đầu nó đã sai quy luật rồi. Cách tốt nhất để sở hữu tài năng là đưa ra offer đủ tốt, đủ hấp dẫn, đủ chân thành và đúng giá thị trường... thì sẽ sở hữu được thứ mình muốn mua. Do vậy, nên thay các hình thức kêu gọi về nước bằng các công cụ chính sách theo đúng quy luật kinh tế thị trường.

7. Cuối cùng, thay vì kêu gọi du học sinh về nước, hãy quảng bá những điểm mạnh của môi trường làm việc trong nước để thu hút những nhân tài phù hợp. Truyền thông về môi trường làm việc cần thực tế, chính xác, minh bạch với điều kiện của Việt Nam, như vậy sẽ giúp Việt Nam tiếp cận được với nguồn chất xám phù hợp với mình. Hãy cho cả thế giới biết Việt Nam đang sử dụng hiệu quả nhân tài, thì nhân tài cả thế giới sẽ quan tâm đến Việt Nam trong bản đồ di chuyển công việc của họ.

Theo Hiểu Đan

Cùng chuyên mục
XEM