Từ câu chuyện của tên cướp ngân hàng đổ nước chanh lên người để tàng hình đến hội chứng “ảo tưởng sức mạnh”

28/05/2017 08:55 AM | Sống

Một tên cướp ngân hàng nghĩ rằng hắn có thể trốn thoát bằng cách tưới nước chanh lên người. Điều này nghe có vẻ thật ngớ ngẩn, nhưng câu trả lời lại bắt nguồn từ một hiện tượng tâm lí cực kì thú vị mà rất nhiều người có thể gặp phải.

Một ngày đẹp trời năm 1995, một người đàn ông trung niên, dáng người cao lớn đã cướp hai ngân hàng ở thành phố Pittsburgh ngay giữa thanh thiên bạch nhật. Điều kì lạ là hắn ta không thèm đeo mặt nạ hay bất cứ loại hóa trang nào và thậm chí còn cười với camera giám sát trước khi hiên ngang bước ra khỏi ngân hàng.

Ngay đêm hôm đó, cảnh sát đã bắt được tên McArthur Wheeler. Với khuôn mặt đầy vẻ không thể tin nổi, hắn lẩm bẩm khi bị cánh sát dẫn đi: “Nhưng mình đã dùng nước chanh mà.”

Hóa ra Wheeler tin rằng xoa nước chanh vào người sẽ khiến hắn ta vô hình trước camera ghi hình. Hắn nghĩ nước chanh được dùng như một loại mực vô hình và nếu không đến gần nguồn nhiệt nào thì hắn sẽ trở nên hoàn toàn vô hình.

Cảnh sát kết luận rằng Wheeler không bị điên hay dùng ma túy - hắn chỉ nhầm lẫn một cách kì cục.

Câu chuyện này đã được nhà tâm lý học David Dunning ở Đại học Cornell, ông đã đưa người học trò mới tốt nghiệp của mình, Justin Kruger đến để xem chuyện gì đã xảy ra. Họ nhận thấy rằng trong khi hầu hết mọi người có thể đánh giá đúng kĩ năng của mình trong môi trường xã hội và tri thức, một vài người thường nghĩ mình có tài năng cao hơn so với thực lực.

Loại “ảo tưởng sức mạnh” này ngày nay được gọi là “hiệu ứng Dunning - Kruger” và được miêu tả như một kiểu nhận thức thổi phồng bản thân.

Để kiểm chứng cho hiện tượng này bằng thí nghiệm, Dunning và Kruger đã thiết kế vài phép thử. Trong một cuộc thử nghiệm, họ yêu cầu các sinh viên chưa tốt nghiệp trả lời một loạt các câu hỏi về ngữ pháp, logic và những trò đùa gây cười, sau đó yêu cầu mỗi sinh viên đánh giá số điểm tổng thể, cũng như xếp hạng của họ so với những người khác.

Điều thú vị là những người có số điểm thấp nhất lúc nào cũng đánh giá quá cao so với những gì họ đã làm được. Những sinh viên có số điểm nằm ở ¼ những người dưới đáy nghĩ rằng họ phải có thứ hạng đứng trên ⅔ tổng số sinh viên.

Kết quả thử nghiệm hiệu ứng Dunning-Kruger.
Kết quả thử nghiệm hiệu ứng Dunning-Kruger.

Thứ “ảo tưởng sức mạnh” này thậm chí vượt qua ranh giới lớp học và xâm nhập vào cuộc sống hàng ngày.

Trong một nghiên cứu sau đó, Dunning và Kruger rời khỏi phòng thí nghiệm và tới bãi tập súng, nơi họ hỏi những người đam mê súng về việc an toàn súng. Cũng giống như thí nghiệm trước, những người trả lời sai nhiều nhất những câu hỏi thường đánh giá quá cao sự hiểu biết của mình về vũ khí “nóng”.

Theo những kiến thức thực tế, hiệu ứng Dunning Kruger có thể thấy ở vô số người. Nếu bạn xem bất kì một chương trình tìm kiếm tài năng nào trên truyền hình, bạn sẽ cảm thấy vẻ “sốc” của các thí sinh không qua được vòng thử giọng và bị các giám khảo từ chối. Mặc dù những màn đó trông có vẻ lố bịch và tức cười với chúng ta, những người này thường không biết mình đã bị ảo tưởng về sự ưu tú của chính họ.

Có một điều chắc chắn là nhiều người đánh giá quá cao khả năng của mình. Một nghiên cứu chỉ ra rằng 80% những người lái xe tự cho mình có kĩ năng trên mức trung bình - một thống kê không thể tin nổi. Và những xu hướng tương tự cũng được tìm ra khi mọi người đánh giá sự nổi tiếng và khả năng nhận thức của mình.

Những người có số điểm thấp nhất lúc nào cũng đánh giá quá cao so với những gì họ đã làm được.
Những người có số điểm thấp nhất lúc nào cũng đánh giá quá cao so với những gì họ đã làm được.

Vấn đề là khi người ta thiếu kĩ năng, họ không chỉ đưa ra những quyết định sai lầm mà còn mất đi khả năng nhận ra thiếu sót của mình. Trong một nghiên cứu xuyên suốt một học kì của các sinh viên một trường cao đẳng, những sinh viên giỏi có the dự đoán được hiệu suất của mình trong các kì thi sắp tới dựa trên những kết quả và phản hồi đã đạt được. Tuy nhiên những sinh viên có điểm tệ nhất thường không biết rằng mình kém, mặc dù đã được nhắc nhở và phản hồi một cách rõ ràng rằng họ đang biểu hiện tệ như thế nào.

Thay vì bối rối hay lúng túng về những gì đang làm, những người thiếu kĩ năng cho rằng cách họ làm là chính xác. Như Charles Darwin đã viết trong cuốn “Nguồn gốc loài Người” (1871): “Sự ngu ngốc mang lại tự tin nhiều hơn là kiến thức.”

Người giỏi thực sự là người nhận thức được sự ngu dốt của chính mình.
"Người giỏi thực sự là người nhận thức được sự ngu dốt của chính mình."

Một điều khác nữa là những người thông minh cũng thường khó có thể đánh giá chính xác khả năng của mình. Cũng như những sinh viên đạt điểm D- và F đánh giá cao khả năng của mình, ngược lại các sinh viên đạt điểm A lại thường đánh giá thấp khả năng của họ.

Trong nghiên cứu của mình, Dunning và Kruger cũng cho một kết quả tương tự: những sinh viên có số điểm nằm ở top ¼ những người có điểm cao nhất thường đánh giá thấp kĩ năng của họ.

Họ cho rằng những bài kiểm tra mà dễ với họ sẽ cũng dễ với người khác. Hội chứng này có thể được coi là ngược lại so với hiệu ứng Dunning-Kruger, tuy nhiên điều khác nhau là những người thực sự có tài có thể tự điều chỉnh mình thông qua những điểm số hay phản hồi - điều này không xảy ra với những người có kĩ năm kém.

Để không có kết cục như câu chuyện của tên cướp ngân hàng đó, chúng ta nên học cách đánh giá chính xác năng lực của bản thân, đừng bị đánh lừa bởi sự “ảo tưởng sức mạnh”. Sau tất cả, như Khổng Tử đã nói: “Người giỏi thực sự là người nhận thức được sự ngu dốt của chính mình.”

Theo Truê Spiderum

Cùng chuyên mục
XEM