Từ ca bệnh 416 đến cách ly toàn thành phố: Đà Nẵng và 10 ngày “căng mình” chống dịch Covid-19

05/08/2020 10:38 AM | Xã hội

Những bức ảnh các nhân viên y tế ở khắp các "chiến tuyến" tại Đà Nẵng liên tục được chia sẻ trên mạng xã hội, thu hút sự chú ý của khắp cả nước. Những lời kêu gọi tiếp sức cho Đà Nẵng chống dịch Covid-19 được phát đi liên tục.

Chi viện và tiếp sức cho Đà Nẵng chống dịch Covid-19 đã và đang là nỗ lực của cả nước.

Chiều 4/8, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã kêu gọi các địa phương như Hải Phòng và Bình Định chi viện nhân lực y tế cho Đà Nẵng vì các nhân viên y tế nơi đây đang quá tải.

Từ ca bệnh 416 đến cách ly toàn thành phố

Ngày 25/7, "bệnh nhân 416" đã chấm dứt 99 ngày không ca nhiễm Covid-19 mới ở Việt Nam. Ca bệnh được phát hiện tại Bệnh viện C, với biểu hiện ho, sốt, phải thở máy do suy hô hấp.

 Từ ca bệnh 416 đến cách ly toàn thành phố: Đà Nẵng và 10 ngày “căng mình” chống dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Bệnh nhân 416 là ca lây nhiễm cộng đồng đầu tiên sau 99 ngày.

Thời gian qua, khi hết giãn cách xã hội, Đà Nẵng nỗ lực kích cầu du lịch, cứu vãn tình trạng lần đầu tiên kinh tế địa phương tăng trưởng âm 3,61%. Du khách nội địa vì thế đổ về "thành phố đáng sống" nhiều hơn. Việc ghi nhận "bệnh nhân 416" ở Đà Nẵng, khiến nhiều chuyên gia đánh giá nguy hiểm hơn nhiều.

 Từ ca bệnh 416 đến cách ly toàn thành phố: Đà Nẵng và 10 ngày “căng mình” chống dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Lực lượng y tế tiến hành phun thuốc khử trùng. Ảnh: Đình Thức

Ngay hôm sau (26/7), Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố thông báo cách ly y tế tại Bệnh viện Đà Nẵng. Hơn 2.000 nhân viên, khoảng 4.000 bệnh nhân cùng người thân không được về nhà. Bất an và lo lắng, du khách đổ dồn về các sân bay Đà Nẵng.

 Từ ca bệnh 416 đến cách ly toàn thành phố: Đà Nẵng và 10 ngày “căng mình” chống dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Du khách chen chân rời TP Đà Nẵng. Ảnh: Ngọc Anh

Ngày 27/7, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, kết quả phân tích nguồn gen của virus từ các bệnh nhân Covid-19 ở Đà Nẵng cho thấy đây là chủng virus mới xuất hiện ở Việt Nam.

Tối cùng ngày, Đà Nẵng thông báo thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng, tại 6 quận, trong vòng 15 ngày, kể từ 0h ngày 28/7. Thành phố quyết định phong tỏa 3 bệnh viện: Bệnh viện C, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng.

Tới hôm sau, Đà Nẵng cách ly xã hội toàn thành phố trong vòng 14 ngày, kể từ 13h ngày 28/7.

 Từ ca bệnh 416 đến cách ly toàn thành phố: Đà Nẵng và 10 ngày “căng mình” chống dịch Covid-19 - Ảnh 4.

TP Đà Nẵng cách ly toàn xã hội từ ngày 28/7. Ảnh: Đình Thức

6 ngày sau ca nhiễm số "416", chiều 31/7, Bộ Y tế thông báo "Việt Nam có ca tử vong đầu tiên liên quan Covid-19". Đây là bệnh nhân 428, 70 tuổi, ở Quảng Nam, tử vong sau 5 ngày được khẳng định dương tính, do "nhồi máu cơ tim trên nền bệnh lý nặng và mắc Covid-19".

Đến ngày 4/8, con số người tử vong lên đến 8 người (gồm 6 ca ở Đà Nẵng, 2 ở Quảng Nam). Tất cả ca tử vong đều cao tuổi và có bệnh nền.

Cả nước vì Đà Nẵng

Cùng với nỗ lực nhanh chóng khoanh vùng khu vực có ca lây nhiễm, tập trung truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, cập nhật lịch trình di chuyển của bệnh nhân, sơ tán du khách… Đà Nẵng liên tục nhận được sự chi viện nhân lực từ khắp cả nước.

 Từ ca bệnh 416 đến cách ly toàn thành phố: Đà Nẵng và 10 ngày “căng mình” chống dịch Covid-19 - Ảnh 5.

Đoàn chuyên gia, bác sĩ đã có kinh nghiệm điều trị bệnh nhân Covid-19 của Bệnh viện Chợ Rẫy đến hỗ trợ Đà Nẵng chống dịch. Ảnh: Bộ Y tế

Trước đó, ngày 24/7, khi ca bệnh 416 vẫn thuộc diện "nghi nhiễm", Bộ Y tế đã cử một ekip y, bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đến Đà Nẵng, hỗ trợ cho các đồng nghiệp trong công tác điều trị.

Để triển khai các biện pháp để khẩn cấp, khoanh vùng, dập dịch, hạn chế tối đa sự lây lan ra các tỉnh lân cận và trên phạm vi toàn quốc, ngay trong tối 25/7, Bộ Y tế đã thành lập 3 Đội công tác đặc biệt hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại Đà Nẵng. Đoàn gồm các chuyên gia hàng đầu có kinh nghiệm trong việc điều tra dịch tễ, cách ly, điều trị và xét nghiệm Covid-19.

Tối 30/7, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế tiếp tục thành lập "Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 tại TP Đà Nẵng" để tăng cường công tác chỉ đạo và thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch, điều trị bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2.

Bộ phận này được đặt dưới sự chỉ huy của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn. Đây là lực lượng phòng, chống dịch tinh nhuệ của Bộ Y tế, đã có kinh nghiệm xử lý các ổ dịch như Sơn Lôi, Hạ Lôi, Bạch Mai, Bình Thuận; nuôi cấy và phân lập virus SARS-CoV-2 và điều trị các ca bệnh Covid-19 nặng trong thời vừa qua.

Ngày 3/8, sau khi báo cáo trong cuộc họp trực tuyến Chính phủ với các tỉnh thành về phòng chống Covid-19, ông Sơn xin phép Thủ tướng: "Về tâm lý anh em ở trong này rất ổn định, làm việc rất hăng say. Em xin phép được ở Đà Nẵng cho đến khi dịch chấm dứt thì mới về".

 Từ ca bệnh 416 đến cách ly toàn thành phố: Đà Nẵng và 10 ngày “căng mình” chống dịch Covid-19 - Ảnh 6.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn kiểm tra công tác thu dung của các bệnh viện ở Đà Nẵng để điều trị bệnh nhân Covid-19. Ảnh: Ngọc Anh

Tiếp lửa cho tuyến đầu chống dịch, hàng loạt xe vận tải nối đuôi nhau mang hàng hoá ủng hộ các y, bác sỹ đang ngày đêm chống dịch. Từng hộp cơm, mì tôm, nước uống, hoa quả đến khẩu trang y tế, giấy vệ sinh… thay cho lời cảm ơn của người dân gửi đến những "chiến sĩ áo trắng", giúp thành phố vượt qua đại dịch.

Mới đây nhất, ngay khi Đà Nẵng kêu gọi sự giúp đỡ, UBND TP Hải Phòng đã cử 33 nhân viên y tế trong đó có 8 bác sĩ, 25 điều đưỡng, cùng gửi 5 tỷ đồng đến Đà Nẵng.

 Từ ca bệnh 416 đến cách ly toàn thành phố: Đà Nẵng và 10 ngày “căng mình” chống dịch Covid-19 - Ảnh 7.

Đà Nẵng xây dựng "thần tốc" Bệnh viện dã chiến đóng tại Cung thể thao Tiên Sơn, trong 4 ngày (kể từ ngày 2/8). Ảnh: Bảo Lâm

Tại cuộc họp trực tuyến ngày 2/8, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết, thành phố vẫn đặt nghi ngờ còn ổ dịch khác chưa được phát hiện, do chưa tìm được nguồn lây. Theo ông Thơ, Đà Nẵng đang thực hiện quyết liệt, nhanh chóng các công việc xét nghiệm, truy vết, cách ly, phong toả, dập dịch để giải quyết dịch lây lan trong cộng đồng.

10 ngày qua, từ 25/7 đến 4/8, Đà Nẵng đã xác định hơn 8.400 người F1, hơn 6.100 người F2 liên quan đến các ca bệnh. Theo đó, hơn 8.000 người đang phải cách ly y tế và cách ly tập trung. Đồng thời ghi nhận 158 ca nhiễm bệnh, có ở khắp 7 quận huyện trên địa bàn thành phố.

Những chiến sĩ áo trắng quên mình vì người bệnh, quyết "chiến" đến cùng

Ngày 4/8, cộng đồng mạng chia sẻ những bức ảnh “chiến binh” của Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng kiên cường, kiệt sức khi làm việc. Người chia sẻ những hình ảnh này là ông Trần Quang Hào, Giám đốc Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng.

Ông Hào cho biết, những người bạn của anh làm việc ở Trung tâm cấp cứu 115 và cũng là người chụp những bức ảnh lan truyền trên mạng xã hội.

"Những ngày qua, anh em chúng tôi cũng như những người dân thành phố chung tay góp sức hỗ trợ tuyến đầu chống dịch Covid-19. Chúng tôi kết nối thường xuyên với anh em Trung tâm cấp cứu 115 và đến hôm nay thì nhận được những hình ảnh này. Nghẹn ngào không tả nổi", anh Hào chia sẻ.

 Từ ca bệnh 416 đến cách ly toàn thành phố: Đà Nẵng và 10 ngày “căng mình” chống dịch Covid-19 - Ảnh 8.

Nhân viên Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng kiệt sức được các động nghiệp hỗ trợ

Bác sĩ Trần Công Thông, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng xác nhận những tấm hình được chia sẻ trên mạng xã hội là các nhân viên làm việc tại Trung tâm. Ông Thông nói bản thân bất ngờ khi những hình ảnh về nhân viên của trung tâm được cộng đồng mạng quan tâm.

"Tôi cám ơn và trân trọng những chia sẻ của mọi người đối với anh em Cấp cứu 115. Nhưng đây là công việc ngày xác định ngay từ đầu của anh em tuyến đầu rồi. Thời tiết nắng nóng, anh em chúng tôi lại mặc đồ bảo hộ suốt ngày nên họ mệt... Chúng tôi có chế độ nghỉ ngơi, đổi ca kíp và cần thì truyền nước cho anh em lại sức để để "chiến" đến cùng", bác sĩ Thông chia sẻ với báo chí.

Kỳ Hoa

Cùng chuyên mục
XEM