Tự bỏ tiền làm từ thiện thì có phải mở tài khoản riêng không?

30/10/2021 13:00 PM | Xã hội

'Hình thức tự bỏ tiền ra hoặc một nhóm tự bỏ tiền ra thống nhất hỗ trợ ai sẽ không nằm trong đối tượng điều chỉnh của Nghị định 93', đại diện Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam khẳng định.

Mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 93/2021 về Vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Nghị định có hiệu lực từ 11/12, thay thế Nghị định 64/2008. Trước đó Nghị định 64/2008, cá nhân không có quyền kêu gọi, vận động từ thiện.

Nghị định 93 mở ra hành lang pháp lý cho phép cá nhân huy động tiền từ thiện và có quy định ràng buộc để việc này được minh bạch, tránh bị lợi dụng.

Tại nghị định 93, Chính phủ quy định cá nhân mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện.

Tự bỏ tiền làm từ thiện thì có phải mở tài khoản riêng không? - Ảnh 1.

Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc

Mặt trận Tổ quốc khuyến khích các cá nhân, tổ chức có điều kiện hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh

Trao đổi với PV, bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc, cho biết, xuất phát từ tổng kết, đánh giá và khó khăn trong quá trình thực hiện Nghị định 64/2008. Mặt trận Tổ Quốc là cơ quan đồng soạn thảo Nghị định 93, cơ quan này hoàn toàn tán thành bởi xuất phát từ thực tế việc thiện nguyện bằng cái tâm hỗ trợ khó khăn, xuất phát từ tấm lòng, đạo lý con người người Việt nên không thể ngăn việc làm tốt, việc làm thiện nguyện.

"Mặt trận Tổ Quốc hoàn toàn khuyến khích các cá nhân, tổ chức có điều kiện hỗ trợ các cá nhân, gia đình, địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai, sự cố, dịch bệnh cùng chính quyền khắc phục trong khi nguồn lực ngân sách hết sức khó khăn. Việc này, chúng tôi hoàn toàn đồng tình các quy định về mở rộng đối tượng vận động, huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ các hoàn cảnh, địa phương khó khăn", đại diện Mặt trận Tổ Quốc chia sẻ.

PV: Về việc nhóm kêu gọi nhỏ, tức là một số nhóm người cùng có chung tấm lòng, cùng góp tiền để đi làm từ thiện, thì có phải lập tài khoản riêng? 

Bà Trương Thị Ngọc Ánh nói: 

"Hình thức tự bỏ tiền ra hoặc một nhóm tự bỏ tiền ra thống nhất hỗ trợ ai sẽ không nằm trong đối tượng điều chỉnh của Nghị định 93. Nó chỉ quy định đối với tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân khi mở tài khoản, vận động kêu gọi nguồn lực của xã hội mới chịu sự kiểm soát của cơ quan chức năng còn một nhóm bạn, nhóm người chia sẻ với nhau, cùng tinh thần, hỗ trợ 1 trường hợp, cộng đồng nào đó thì tiền họ tự bỏ ra để hỗ trợ thì tự nguyện, không chịu chi phối của Nghị định 93".

Thực tế hiện nay các cơ sở tôn giáo cũng có những hoạt động rất hiệu quả, vậy có phải lập tài khoản theo quy định?

Theo bà Trương Thị Ngọc Ánh, các cơ sở tôn giáo hoạt động từ thiện không phải báo cáo nhưng tài khoản của họ sau khi kết thúc phát động họ phải công khai, họ cũng phải có thông tin với ban vận động cùng cấp để biết kết quả của vận động, phân bổ nguồn lực họ vận động được.

"Việc không báo cáo phát huy tính tự nguyện, tự giác của tổ chức cá, nhân đặc biệt với tổ chức tôn giáo, họ làm việc thiện nguyện bằng cái tâm, quy định, giáo lý chặt chẽ nên chúng ta không lo lắng, nặng nề lắm về việc họ phải báo cáo với chính quyền, ngành chức năng.

Họ làm theo niềm tin, giáo lý chặt chẽ, vi phạm chịu trách nhiệm trước giáo hội nên đây là hình thức chúng ta phối hợp, khai thác được lực lượng làm thiện nguyện nghiêm túc".

Tự bỏ tiền làm từ thiện thì có phải mở tài khoản riêng không? - Ảnh 2.

Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc đang trao đổi với PV

Nghị định 93 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo vừa được Chính phủ ban hành, có hiệu lực từ ngày 11/12 tới.

Theo đó, về vận động, tiếp nhận nguồn đóng góp tự nguyện, nghị định nêu rõ khi vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh, sự cố, cá nhân có trách nhiệm thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật), thời gian cam kết phân phối và gửi bằng văn bản đến UBND cấp xã nơi cư trú theo mẫu quy định.

UBND cấp xã có trách nhiệm lưu trữ để theo dõi và cung cấp thông tin khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân đóng góp hoặc nhận hỗ trợ và cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác hướng dẫn, theo dõi, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.

Cá nhân mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện, bố trí địa điểm phù hợp để tiếp nhận, quản lý, bảo quản hiện vật đóng góp tự nguyện trong thời gian tiếp nhận; có biên nhận các khoản đóng góp tự nguyện bằng tiền mặt, hiện vật tiếp nhận được khi tổ chức, cá nhân đóng góp yêu cầu.

Cá nhân không được tiếp nhận thêm các khoản đóng góp tự nguyện sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận đã cam kết và có trách nhiệm thông báo đến nơi mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện.

Phải thông báo với chính quyền nơi nhận hỗ trợ

Căn cứ nguồn đóng góp tự nguyện của từng cuộc vận động, tiếp nhận, cá nhân có trách nhiệm thông báo với UBND nơi tiếp nhận hỗ trợ (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã theo phân cấp; trường hợp cần thiết, liên hệ UBND cấp tỉnh hướng dẫn cụ thể) để phối hợp xác định phạm vi, đối tượng, mức, thời gian hỗ trợ và thực hiện phân phối, sử dụng theo đúng cam kết, kể cả đối với những khoản đóng góp có điều kiện, địa chỉ cụ thể (nếu có).

MINH NGỌC

Cùng chuyên mục
XEM