Từ 50 năm trước, người Singapore đã làm gì để trở thành đô thị xanh, sạch nhất châu Á?

11/02/2019 14:13 PM | Xã hội

Singapore từ lâu đã bị “ám ảnh” bởi vệ sinh và sự sạch sẽ. Tháng 10/2018 kỉ niệm 50 năm Chiến dịch Keep Singapore Clean được khởi xướng bởi Nhà sáng lập và Thủ tướng đầu tiên Lý Quang Diệu. Các chiến dịch vệ sinh đã xuất hiện tại thời điểm đó, nhưng Keep Singapore Clean lại là một sự khác biệt. Đây là lần đầu tiên chính phủ áp dụng hình thức phạt tiền.

Nguyên nhân cho những nỗ lực của Singapore

Từ 50 năm trước, người Singapore đã làm gì để trở thành đô thị xanh, sạch nhất châu Á? - Ảnh 1.

Nếu bạn từng đi cùng hướng với một chiếc xe tải chở rác khi nó di chuyển từ từ trên đường phố thực hiện nhiệm vụ thu gom hàng ngày ở Singapore, bạn sẽ ngay lập tức hiểu vì sao thành phố được làm sạch không ngừng. Mùi của rác thải thực sự sẽ đánh thức mọi giác quan của bạn.

Ở các thành phố với khí hậu mát mẻ hơn, đi thu gom rác chậm rãi có thể vẫn ổn thỏa. Nhưng ở vùng nhiệt đới nóng ẩm, nó là một nhiệm vụ cấp bách. Các chất thải gia đình và thương mại bị lưu lại lâu đem lại những tác hại hết sức nguy hiểm.

Edward D’Silva, chủ tịch Hội đồng Vệ sinh công cộng, cho biết: “Nếu bạn xả rác như bạn nhìn thấy ở các nước khác, nó có thể sản sinh ra các loài gặm nhấm như ruồi, gián. Chúng đều là những tác nhân mang vi khuẩn và vi trùng.” Muỗi còn đáng lo ngại hơn. Bệnh sốt rét không xuất hiện ở Singapore, nhưng vào một số năm, có rất nhiều ca mắc sốt xuất huyết.

Xanh và sạch

Khi chính sách Clean and Green được giới thiệu, ông Lý Quang Diệu đã đặt ra những mục tiêu cao hơn, bao gồm những thay đổi về luật y tế công cộng, chuyển những người bán hàng rong vào các trung tâm dành riêng cho họ, phát triển hệ thống nước thải và các biện pháp kiểm soát dịch bệnh thích hợp. Đồng thời, cư dân đã chuyển từ Kampongs (những ngôi làng kiểu Malaysia với những túp lều gỗ) vào những khu nhà với cơ sở hạ tầng tốt hơn.

Bên cạnh quảng cáo, các hoạt động giáo dục công, các bài giảng của các quan chức ý tế và các cuộc kiểm tra tại chỗ của chính phủ cũng góp phần cải thiện ý thức và tình hình vệ sinh của Singapore. Ngoài ra, quốc gia này còn tổ chức các cuộc thi để tuyên dương hoặc phê phán các văn phòng, cửa hàng, nhà máy, tòa nhà chính phủ, trường học, phương tiện công cộng sạch hoặc bẩn nhất.

Clean and Green được theo sau bởi hàng loạt các chính sách khác. Trong suốt những năm 1970s và 1980s, nhiều chiến dịch kêu gọi người Singapore giữ nhà vệ sinh, nhà máy và trạm dừng xe buýt sạch sẽ. Trong chiến dịch Use Your Hands (1976), học sinh, phụ huynh, giáo viên hiệu trưởng và công chức dọn dẹp trường học vào cuối tuần. Hàng loạt các sáng kiến trồng cây cũng đã được đưa ra.

Theo ông Lý Quang Diệu, mục đích của các chiến dịch này không chỉ để làm cho Singapore trở nên dễ chịu hơn, mà một quốc gia sạch hơn sẽ tạo nên một nền kinh tế mạnh hơn: “Các tiêu chuẩn này sẽ giữ tinh thần tốt, tỷ lệ bệnh tật thấp, và do đó tạo ra các điều kiện xã hội cần thiết cho tăng trưởng kinh tế cao hơn trong ngành công nghiệp và du lịch. Điều này sẽ đóng góp cho lợi ích cộng đồng, và cuối cùng cho lợi ích cá nhân của tất cả mọi người.”

Singapore đã làm tốt trong tất cả các tiêu chí này. Tuổi thọ đã tăng từ 66 lên 83 (cao thứ 3 trên thế giới). Vào năm 1967, lượng du khách chỉ hơn 200.000 người so với mức gần 10 triệu du khách trong 3 quý đầu năm 2018. Đầu tư nước ngoài vào Singapore đã tăng từ 93 triệu USD vào năm 1970 đến 39 tỷ USD vào năm 2010. Vào năm 2017, Singapore là quốc gia nhận được FDI cao thứ 5 trên thế giới (66 tỷ USD).

Tất nhiên, các thành tích này không phải chỉ do chiến dịch chống xả rác, nhưng lợi ích sức khỏe là không thể phủ nhận.

Thành phố của tiền phạt

Các cửa hàng giảm giá và lưu niệm ở Singapore thường bán các áo phông có dòng chữ: “Singapore: A fine city” (tạm dịch là Singapore: Một thành phố của tiền phạt) theo sau là hàng loạt những hành động có thể khiến bạn bị phạt.

Từ 50 năm trước, người Singapore đã làm gì để trở thành đô thị xanh, sạch nhất châu Á? - Ảnh 2.

Singapore cấm các hành vi được cho là không phù hợp và thực thi mỗi lệnh cấm bằng các hình phạt tài chính. Chiến dịch Keep Singapore Clean là nỗ lực đầu tiên trong kiểm soát hành vi người dân thông qua các khoản phạt. Kể từ đó, Singapore đã áp dụng nhiều tiền phạt khác nhau. Thông thường, chính quyền đưa ra hàng chục nghìn khoản tiền phạt mỗi năm vì xả rác bừa bãi. Mức phạt tối thiểu là 217 USD.

Có những điều luật có vẻ quá nghiêm khắc đối với người nước ngoài. Singapore nổi tiếng vì cấm nhập khẩu kẹo cao su, dù sở hữu kẹo cao su thì không bất hợp pháp. Có những khoản tiền phạt khi mang sầu riêng lên tàu, và không xả nước trong nhà vệ sinh công cộng. Nhổ nước bọt hoặc sử dụng wifi người khác khi không được cho phép cũng bị phạt tiền. Vào năm 2009, một tài xế taxi đã bị phạt vì khỏa thân trong nhà, do người từ bên ngoài vẫn nhìn được. Hút thuốc là điện tử cũng đã bị cấm.

Thay đổi hành vi

Từ 50 năm trước, người Singapore đã làm gì để trở thành đô thị xanh, sạch nhất châu Á? - Ảnh 3.

Ban đầu, chính sách phạt tiền đem lại hiệu quả nhất định. Sự kết hợp giữa chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng và các biện phát trừng phạt đã tạo ra sự khác biệt. Nhiều người đã tự dọn rác của mình, và thành phố đã trở nên sạch sẽ hơn.

Vào năm 1961, Singapore sở hữu một “đội quân cầm chổi” gồm 7.000 nhân công làm việc ban ngày được thuê trực tiếp bởi Bộ y tế. Đến năm 1989, con số này chỉ còn 2.100 người. Nhưng mọi thứ đã thay đổi. Singapore trở nên giàu có hơn, và sử dụng lao động chi phí thấp để dọn dẹp trở nên dễ dàng hơn.

Ngày nay, Singapore sạch không phải vì người dân sợ phạt, mà vì đã có một đội công nhân môi trường dọn dẹp đường phố. Họ mới chính là những người làm việc cực nhọc để giữ cho Singapore sạch sẽ.

Hiện tại, 56.000 công nhân dọn dẹp đã đăng kí với Cục Môi trường Quốc gia. Có khả năng cao hàng nghìn người làm việc độc lập chưa đăng kí, vì hầu hết họ là nhân công nước ngoài bị trả lương thấp hoặc nhân công cao tuổi.

Theo Edward D’Silva, chính số lượng lớn công nhân dọn dẹp đã thay đổi văn hóa ở Singapore: Người dân coi dọn dẹp là công việc của người khác. Ngày nay, người Singapore thường để khay của họ trên bàn tại các trung tâm bán hàng rong, vì họ không coi đó là hành vi xả rác, hoặc họ nghĩ rằng đó là công việc của người dọn dẹp.

Ở Singapore, nhân công dọn dẹp hầu hết đến từ nhóm khoảng 1 triệu lao động nước ngoài cũng như người lao động lớn tuổi trong nước. Nhưng khi dân số Singapore tăng lên và lao động trở nên đắt đỏ, thuê nhiều người dọn dẹp không còn là một sự lựa chọn hợp lí nữa.

Trái với lợi ích kinh tế ban đầu, hiện tại, chi phí để vệ sinh không gian công cộng đã trở nên tốn kém và chiếm mất ngân sách của những mục tiêu có giá trị hơn. Singapore chi ít nhất 87 triệu USD/năm để dọn sạch các không gian công cộng.

Edward D’Silva cho rằng: “Nếu bạn có thể thấm nhuần và nuôi dưỡng một thói quan mà theo đó, người dân không vứt rác ở bất cứ đâu và bất kì cách nào, thì số tiền dùng để thuê nhân công dọn dẹp hay hàng triệu USD có thể được chi cho giáo dục và y tế.”

K Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM