Từ 1/7 nâng hạn mức rút tiền ATM: Ngân hàng "vỡ mộng" thu phí
Hạn mức cho một lần rút tiền tại ATM hiện nay đã được nâng lên 5 triệu đồng. Đây có thể là tin vui cho người dân nhưng lại là nỗi buồn cho ngân hàng vì đã vỡ mộng thu phí.
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 20 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36 quy định về trang bị, quản lý, vận hành và đảm bảo an toàn hoạt động của các máy giao dịch tự động (ATM).
Một trong những điểm sửa đổi bổ sung đáng chú ý là Thông tư 20 đã nâng hạn mức rút tiền tại các máy ATM.
Cụ thể, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán không được áp hạn mức cho một lần rút tiền tại ATM thấp hơn 5 triệu đồng đối với giao dịch nội mạng và 3 triệu đồng đối với giao dịch liên ngân hàng thay vì hạn mức chung là 2 triệu đồng như trước đây.
Như vậy, có thể khẳng định Thông tư này ra đời sẽ giúp người dân sử dụng ATM được hưởng lợi vì tiết kiệm được phí rút tiền sau mỗi lần giao dịch. Tuy nhiên, đây có thể là một tin buồn đối với ngân hàng vì sẽ chịu thiệt do nguồn thu phí giảm.
Thực tế, trước khi có Thông tư 20, nhiều khách hàng than phiền phải mất quá nhiều thời gian và tiền phí khi rút một khoản tiền lớn lên đến hàng chục triệu đồng. Phí rút tiền hiện đang là 1.100 đồng/lần giao dịch nội mạng, 3.300 đồng/lần giao dịch ngoại mạng.
Mặc dù hệ thống máy của các ngân hàng lớn đã liên thông với nhau, cho phép rút tiền đối với thẻ của ngân hàng khác có liên kết. Song do mức phí rút tiền ngoại mạng hiện cao hơn gấp 3 lần phí giao dịch nội mạng, nên để tiết kiệm chi phí, khách hàng thường chọn máy ATM của đúng ngân hàng đã đăng ký.
Liên quan đến các quy định cụ thể về ATM, Thông tư 20 còn bổ sung yêu cầu: Tại nơi đặt ATM phải có bản hướng dẫn khách hàng sử dụng ATM, các dịch vụ cung cấp tại ATM, các loại phí liên quan, phải có hướng dẫn hoặc biểu tượng để nhận biết các loại thẻ được chấp nhận thanh toán, tên hoặc số hiệu ATM như quy định trước đây.
Thời gian phục vụ khách hàng của hệ thống ATM là 24/24 giờ trong ngày và 7/7 ngày trong tuần.
Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phải đảm bảo bố trí lực lượng trực để khắc phục sự cố ATM ngừng hoạt động trong thời gian nhanh nhất có thể.
Trường hợp ATM ngừng hoạt động quá 24 giờ phải báo cáo chi nhánh Ngân hàng Nhà nước trên địa bàn trong ngày và thông báo rộng rãi cho khách hàng.
Ngoài ra, Thông tư 20 còn sửa đổi, bổ sung các quy định về: Trang bị lần đầu hệ thống ATM; lắp đặt, thay đổi địa điểm, thay đổi thời gian, chấm dứt hoạt động ATM...