TT Biden công bố "cú đấm thôi sơn" Mỹ, EU, G7 dành cho Nga: Thu hồi đãi ngộ tối huệ quốc!

12/03/2022 08:57 AM | Xã hội

Tuyên bố được nhà lãnh đạo Mỹ đưa ra trong ngày 11/3.

Đài Sputnik ( Nga ) đưa tin, trong cuộc họp báo ngày thứ Sáu (11/3 - giờ Washington), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố rằng Washington và các đồng minh trong liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia G7 sẽ thu hồi quy chế đãi ngộ tối huệ quốc với Nga.

"Mỹ và các đồng minh, đối tác đang tiếp tục nỗ lực hết mình nhằm gia tăng sức ép kinh tế đối với ông Putin và cô lập Nga trên trường quốc tế", ông Biden tuyên bố. "Việc thu hồi quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn đối với Nga sẽ khiến Nga khó kinh doanh với Mỹ hơn." 

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine vẫn tiếp diễn và chuẩn bị bước sang ngày thứ 17.

Theo Sputnik, trong số các mặt hàng có khả năng bị áp thuế nhập khẩu cao hơn bao gồm uranium, rhodium, palladium, rượu, hải sản và bạc thỏi, cũng như một số loại kim cương và đạn dược.

TT Biden công bố cú đấm thôi sơn Mỹ, EU, G7 dành cho Nga: Thu hồi đãi ngộ tối huệ quốc! - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden

Tổng thống Biden khẳng định rằng Mỹ và các đối tác G7 sẽ đảm bảo Nga không thể tiếp cận được nguồn tài chính từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới. Ông cũng lưu ý rằng các nhà chức trách Mỹ sẽ được phép cấm các khoản đầu tư trong tương lai vào bất kỳ lĩnh vực nào của kinh tế Nga.

Ngoài ra, ông chủ Nhà Trắng cũng tiết lộ kế hoạch cấm vận vodka, hải sản và kim cương nhập khẩu từ Nga. Mỹ cũng dự định sẽ cấm xuất khẩu các mặt hàng xa xỉ của mình sang Nga.

Lời cảnh cáo của Mỹ

Quyết định trên được đưa ra sau khi Mỹ và các đồng minh phương Tây đồng loạt tung ra nhiều đòn trừng phạt nhằm vào Nga sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động cái mà ông gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine.

Ngoài những biện pháp trừng phạt nói trên, Tổng thống Biden cũng đã cảnh cáo Nga sẽ phải "trả giá đắt" nếu nước này sử dụng vũ khí hóa học ở Ukraine. Ông nói rằng các biện pháp trừng phạt đang thực sự "bóp nghẹt" nền kinh tế của Nga.

Trước đó, vào đầu tháng 3, Canada đã thu hồi quy chế "tối huệ quốc" trong thương mại đối với Nga và Belarus.

Theo CNBC, để chính thức hủy bỏ quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn với Nga, Tổng thống Biden sẽ cần "hành động" từ Quốc hội, cụ thể là Quốc hội Mỹ phải thông qua việc thu hồi tư cách thành viên của Nga trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Tuy nhiên, ông Biden được cho là sẽ không vấp phải rào cản nào quá lớn do cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đều ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực phi quân sự nhằm trừng phạt Nga. Một số nghị sĩ đã đề xuất dự luật thu hồi tư cách thành viên WTO của Nga.

Tuyên bố của Tổng thống Biden đã đánh dấu bước đi mới nhất của Mỹ và đồng minh trong loạt nỗ lực chưa từng có nhằm cô lập và làm suy yếu nền kinh tế Nga vì Ukraine.

Trong tuần này, Tổng thống Biden đã ký một lệnh hành pháp cấm nhập khẩu dầu, khí đốt và các mặt hàng từ dầu mỏ của Nga.

Mỹ, EU và các nước NATO đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các doanh nghiệp Nga, các nhà tài phiệt của nước này và thậm chí cả Tổng thống Putin, trong khi ngày càng nhiều tập đoàn lớn tuyên bố rút khỏi Nga.

Nếu quy chế tối huệ quốc với Nga bị thu hồi, chính quyền Tổng thống Biden và Quốc hội Mỹ sẽ có thể áp thuế đối với bất kỳ mặt hàng xuất khẩu nào của Nga sang Mỹ.

Tối huệ quốc (Most Favoured Nation, viết tắt là MFN) là một trong những quy chế pháp lý quan trọng trong thương mại quốc tế hiện đại. Quy chế này được coi là một trong những nguyên tắc nền tảng của hệ thống thương mại đa phương của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Tối huệ quốc đòi hỏi một quốc gia phải bảo đảm dành cho tất cả các quốc gia đối tác một chế độ ưu đãi thương mại thuận lợi như nhau. Cụ thể là trong các điều ước quốc tế về thương mại cũng như luật thương mại quốc gia, đãi ngộ tối huệ quốc thường được thể hiện dưới dạng quy định cho các sản phẩm hàng hoá dịch vụ có xuất xứ từ một quốc gia đối tác được hưởng chế độ thương mại "không kém ưu đãi hơn chế độ ưu đãi nhất" mà quốc gia sở tại dành cho các những sản phẩm hàng hoá dịch vụ tương tự của bất kỳ quốc gia nào khác.

Theo Hồng Anh

Cùng chuyên mục
XEM