TS. Vũ Thành Tự Anh: Nhiều khu ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh vô cùng nhếch nhác, chỉ cần tắt đi vài ngọn đèn, biển hiệu, sẽ giống hình ảnh Hà Nội thời bao cấp

14/09/2019 08:27 AM | Xã hội

"Nếu không thay đổi chính sách, các đô thị trở thành gánh nặng chứ không phải cực tăng trưởng", TS. Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh tại Hội thảo tham vấn với chủ đề "Thúc đẩy đô thị hoá để thu hẹp khoảng cách phát triển: Vai trò của đô thị hoá trong thập kỷ sắp tới".

Theo TS. Vũ Thành Tự Anh, nhận định sơ bộ của World Bank về đô thị hóa của Việt Nam đang suy giảm trong vòng 5 năm gần đây là một nhận định chính xác. Tuy nhiên, ông cho rằng cần phải có cái nhìn mạch lạc. Ông Tự Anh cho rằng đô thị hóa của Việt Nam đã tự phát, không có điều phối mạch lạc có hệ thống trong thời gian dài.

"Đô thị được phát triển một cách tự phát nên đi ở những đô thị lớn của cả nước như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh sẽ có những khu vô cùng nhếch nhác. Chúng ta chỉ cần tắt đi một vài ngọn đèn, tắt đi một vài biển hiệu thì nó tựa như hình ảnh của Hà Nội cách đây 30 năm, có hình dáng cấu trúc như thời bao cấp", ông nói.

Điều đó nghĩa là rất nhiều hoạt động đô thị tự phát không  được quy hoạch. Trong khi đó, một số thành phố khác xung quanh Việt Nam, trong 15 năm trở lại, diện mạo đô thị thay đổi một cách rõ rệt.

"Khi chúng ta nói đô thị hóa giúp công nghiệp nghiệp hóa, từ đó giúp tăng trưởng kinh tế là một vòng nhân quả. Nhưng có một vòng nhân quả thứ 2 rất quan trọng, xuất phát từ động lực công nghiệp hóa tạo ra tăng năng suất, đẩy mạnh được đô thị hóa", ông Tự Anh nói. Điều này giải thích việc vùng nông thôn không đô thị hóa được vì không có công nghiệp".

Do vậy, ông cho rằng nếu chỉ dựa vào việc "xin" để thành phố từ loại 2, 3 lên loại 1 thì sẽ không hình thành đô thị. Đô thị hoá thành công sẽ do công nghiệp hóa thành công và sinh ra tích tụ con người, nguồn lực, đầu tư, doanh nghiệp…

"Đây là quá trình xảy ra rất phổ biến. Lúc ấy chúng ta sẽ nhìn thấy bức tranh kết nối giữa công nghiệp hóa và đô thị hóa", ông nói.

Đô thị hoá có vai trò then chốt với kinh tế toàn cầu, ông khẳng định. Bởi đây là là nơi tập trung kinh tế, trường đại học và các phát minh sáng chế... Dù vậy, ông cho biết bức tranh của Việt Nam rất khác với thế giới. 123 thành phố lớn nhất chiếm 32% GDP toàn cầu. Nhưng 5 thành phố trực thuộc trung ương của Việt Nam chiếm 35% cả nước.

Mặt khác, trên phạm vi thế giới, các đô thị là động lực tăng trưởng nhưng ở Việt Nam chưa đáp ứng. Theo ông, tỷ lệ đóng góp của 5 thành phố trực thuộc trung ương không thay đổi trong suốt 15 năm qua.

Ông nhận xét: "Các thành phố trực thuộc trung ương đang đang chạm tới ngưỡng không vượt lên được nữa, thậm chí mức tăng trưởng còn giảm đi nếu không bước qua được ngưỡng này. Ngưỡng này đã được chạm tới rồi. Nếu không có sự thay đổi trong quá trình đô thị hóa, không có sự thay đổi cơ bản về nguồn lực, tình trạng này còn xấu đi".

Theo ông, mặc dù dân số tăng thêm tập trung ở Đông Nam Bộ, Hà Nội và Đà Nẵng nhưng nguồn lực lại không chảy về đây. Nguyên nhân là mâu thuẫn bắt nguồn từ lựa chọn đánh đổi giữa công bằng và hiệu quả của Chính phủ trong việc phân bổ nguồn lực cưỡng bức các địa phương.

Dân số khu này tăng nhưng ngân sách và đầu tư được phân bổ trung bình trong dài hạn sẽ không thể bền vững trong dài hạn. "Đào sâu vẫn đề này còn rất nhiều điều. Nhưng nếu không thay đổi chính sách, các đô thị trở thành gánh nặng chứ không phải cực tăng trưởng", ông nhấn mạnh.

Giải thích về thêm về câu chuyện nguồn thu ngân sách, ông cho biết các địa phương thường đứng trước tình trạng nếu thu nhiều sẽ phải điều chuyển nhiều về trung ương. Điều này lý giải tại sao TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội không tăng trưởng không cao hơn trung bình của các nước.

"Các thành phố đó không có động lực để tăng thu ngân sách vì tăng ngân sách 100 đồng, phải nộp 82 đồng, chỉ được giữ hơn 10 đồng. Các tỉnh chưa tự chủ ngân sách cũng không có động cơ để tăng ngân sách vì sẽ bị giảm trợ cấp. Nhóm ngấp nghé tự chủ ngân sách dù có tăng cũng không có đóng góp được gì cho trung ương", ông nói.

Theo ông, tài khóa có tính cưỡng bức tạo ra sự thiếu động lực, khiến các đô thị thiếu nguồn lực phát triển. Các thành phố không có động lực đô thị hóa. Những thành phố muốn xoay trở để phát triển đứng trước nguy cơ rơi vào vòng lao lý. Trong khi đó, đô thị hóa, công nghiệp hóa và sự phụ thuộc vào FDI của Việt Nam đều đã đến ngưỡng. Ông nhấn mạnh nếu điều này tiếp tục này sẽ không có cả công bằng lẫn hiệu quả.

Theo Bình An

Cùng chuyên mục
XEM