TS. Trần Hoàng Ngân: Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chắc chắn sẽ lan đến thị trường tiền tệ của các quốc gia!

24/05/2019 13:51 PM | Xã hội

Căng thẳng không ngừng leo thang giữa hai cường quốc Mỹ - Trung sẽ tác động đến chính sách tiền tệ của các quốc gia, theo TS. Trần Hoàng Ngân, Đại biểu Quốc hội, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng nói với Trí Thức Trẻ.

Theo ông, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có khả năng lan rộng ra thị trường tiền tệ, khiến thế giới đối mặt với một cuộc chiến tiền tệ không?

Xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc là cuộc chiến lớn về thương mại vì đây là hai quốc gia có GDP lớn nhất thế giới. GDP của Mỹ ước đạt trên 20.500 tỷ USD, Trung Quốc vào khoảng trên 13.500 tỷ USD, tức tổng GDP chiếm 40% của toàn cầu. Do vậy, tác động của cuộc chiến sẽ lan rộng đến nhiều quốc gia khác, ảnh hưởng đến kinh tế thế giới.

Điều quan trọng là cuộc chến này không ngừng leo thang với danh mục bị đánh thuế được mở rộng, các chính sách trừng phạt, đáp trả cũng mạnh mẽ hơn. Do đó, chắc chắn từ vấn đề "thương mại", nó sẽ tác động đến chiến tranh tiền tệ hay nói cách khác là ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của các quốc gia.

Hiện nhiều nước đã có động thái theo dõi để có một chính sách tiền tệ tương ứng: Vừa mang tính chất đối phó ngắn hạn, vừa nhìn về dài hạn.

Bloomberg cho biết Ngân hàng Trung ương các nước đang cố gắng giữ đồng tiền của mình ổn định, ngăn chặn dòng vốn tháo chạy. Trung Quốc, Hàn Quốc và Indonesia đã hỗ trợ đồng nội tệ. Trước đồng USD đang quá mạnh, đồng NDT lại bị phá giá, chính sách của Việt Nam sẽ là gì? Ông từng nói là chúng ta cần phải khôn khéo trong điều hành, "chính sách khôn khéo" hàm nghĩa cụ thể là gì?

Đã là khôn khéo thì làm sao nói ra được, nói ra thì lộ bài hết (cười), chính sách tiền tệ của các nước cũng vậy. Họ đang tính toán cẩn trọng. Chúng ta hình dung rằng nếu các quốc gia đều phá giá đồng tiền thì kinh tế toàn cầu sẽ hỗn loạn, thị trường tài chính bất an. Ngay cả Mỹ, họ cũng không muốn đồng USD quá mạnh đâu. Do đó, Fed đã không tiếp tục tăng lãi suất, thay vào đó, họ tìm cách hạ lãi suất.

Còn ở Việt Nam, chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm trong việc đối phó với những biến động của kinh tế thế giới về giá cả, lạm phát... Chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ được điều chỉnh để vừa ổn định được kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định được VNĐ để đảm bảo lòng tin của người dân.

Mặt khác, chính sách tiền tệ, tỷ giá trong nước cũng được xem xét hướng đến mục tiêu hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, hạn chế nhập khẩu, khuyến khích xuất khẩu... Với những điều này, chính sách của Việt Nam luôn đòi hỏi một sự linh hoạt.

Nghĩa là chúng ta sẽ phải tính được bài toán ứng biến với tác động hiện nay, vừa có cái nhìn trung và dài hạn. Chính sách tiền tệ khôn khéo chính là vừa điều chỉnh vừa thăm dò trong một bối cảnh mà không ai biết ngày hôm sau sẽ như thế nào.

USD trong 1 năm qua đã tăng giá 8,7% so với NDT, còn trong 1 tháng vừa qua khoảng 2,9%. Mức tăng so với đồng Won (Hàn Quốc) lần lượt là 10% và 2,9%.

Với các đồng tiền khác ở Đông Nam Á thì đồng USD lại giảm giá hoặc không đổi trong 1 năm với các nước như Thái Lan, Philippines. Cụ thể với đồng Baht (Thái Lan) USD giảm giá 0,41%, với đồng Pesos (Philippines) thì giá USD không thay đổi. USD tăng có tăng 5,55% với đồng Ringgit (Malaysia). Riêng với Việt Nam, USD trong năm qua chỉ tăng 2,68%, trong 1 tháng qua tăng 0,8%, cách điều hành tỷ giá VNĐ như vậy là vừa phải.

Chúng ta đang có sự thuận lợi chứ không phải chỉ bất lợi từ chiến tranh thương mại. Niềm tin từ sự ổn định về vĩ mô đã khiến cho nhà đầu tư nước ngoài đổ xô vào Việt Nam, bổ sung một lượng lớn nguồn cung ngoại tệ.

Tuy nhiên, điểm lưu ý là NDT đang giảm giá khiến có sự cạnh tranh trên thị trường hàng hoá. Do vậy, chúng ta phải giữ được cân bằng, dung hoà giữa lợi và bất lợi. Nếu chúng ta hốt hoảng, chúng ta sẽ đánh mất cơ hội khi chỉ lo đối phó với thách thức. Đấy là sự đòi hỏi cho chính sách khôn khéo của Việt Nam.

Nhắc đến nguồn vốn FDI đổ dồn vào Việt Nam, gần đây số liệu ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ từ các nhà đầu tư Trung Quốc. Sự nổi lên này, theo ông, có cần lưu ý gì không?

Những bài học cho Việt Nam đã nhiều rồi. Các dự án đến từ thị trường Trung Quốc, có cái đã phát huy lợi thế, mang lại lợi ích kinh tế cho Việt Nam chứ không phải toàn bất lợi, gây tác động xấu đến môi trường. Do vậy, chúng ta cần có sự chọn lọc trong thu hút FDI. Tôi đặc biệt lưu ý đến sự cạnh tranh giữa các tỉnh trong việc thu hút vốn đấu tư nước ngoài.

Các địa phương cũng cần bỏ đi tư duy cục bộ, tránh địa phương này không nới ưu đãi, địa phương khác nhảy vào để kéo nhà đầu tư về, khiến cho việc kiểm soát FDI gặp khó khăn. Chúng ta cần nghĩ về lợi ích chung của quốc gia.

Đây cũng là công thức chung cho tất cả các nhà đầu tư, không phải định danh cho riêng nhà đầu tư đến từ Trung Quốc. Chúng ta cần tránh việc phân biệt đối xử, nếu không, chính Việt Nam sẽ bị thua.

Trong báo cáo vừa qua Chính phủ trình Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội nhắc đến cơ hội GDP trong năm nay có thể đạt bằng hoặc cao hơn GDP 2018 là 7,08%. Ông nghĩ sao về điều này?

Nếu chúng ta tháo gỡ được những điểm nghẽn về thể chế, những khúc mắc trong các văn bản luật đang tồn động, đồng thời tháo được tắc nghẽn về vấn đề hạ tầng giao thông thì GDP Việt Nam có thể đạt từ 6,8 – 7%, đạt trên mục tiêu Quốc hội đề ra là chắc chắn.

Cảm ơn ông!

Theo Đức Minh

Cùng chuyên mục
XEM