TS Trần Đình Thiên: "Nhà nước giảm chi thì lập tức chi phí của doanh nghiệp sẽ giảm đi"
Một 'năm giảm phí cho doanh nghiệp' sẽ gặp những rào cản đầu tiên ngay từ việc phải chi ngân sách sao cho hợp lý.
Tại sao doanh nghiệp tư nhân Việt Nam không thể lớn? Bên cạnh một lý do là 'vì nếu lớn thì sẽ trở nên hữu hình trong con mắt của thanh tra, thuế vụ, phòng cháy chữa cháy...' từng được nhắc đến trước đây, một vị chuyên gia quen mặt với công chúng mới đây đã chỉ ra lý do còn là từ bất cập từ phía nguồn chi ngân sách Nhà nước.
Có mặt trong buổi hội thảo 'Đổi mới Doanh nghiệp Nhà nước và phát triển kinh tế tư nhân' với vai trò người điều phối, Tiến sĩ, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên đã làm nóng hội trường bằng những màn dẫn dắt, xen lẫn với những quan điểm cá nhân của mình về thực trạng của các khối doanh nghiệp tại Việt Nam.
Chúng ta mời gọi FDI, hô hào phát triển nhưng tại sao doanh nghiệp tư nhân vẫn cứ bé?
Tiến sĩ Thiên trình bày một bức tranh không có nhiều đổi khác của doanh nghiệp Việt trong suốt nhiều năm qua kể từ khi mở cửa:
"Có một vấn đề ai cũng thấy rõ là doanh nghiệp Việt Nam không lớn được. Suốt trong nhiều năm, cơ cấu các khối doanh nghiệp trong nền kinh tế chúng ta không thay đổi, tỷ trọng trong GDP của 3 nhóm doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI cũng đi ngang suốt cả một thời gian dài".
Dù rằng hàng năm, trong nhiều báo cáo, có một loạt những con số về giá trị đầu tư thêm được trình bày để chứng minh rằng "khu vực nọ, khu vực kia phát triển", nhưng cuối cùng, "tương quan giữa các khối là không thay đổi".
Điểm cần đáng lưu nhất trong câu chuyện này, theo vị Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chính là chất lượng của từng khu vực doanh nghiệp cũng hầu như không thay đổi. Chính điều này đã dẫn đến tương quan giữa các khối doanh nghiệp, cũng như một sự thực không thay đổi: Chúng ta cho doanh nghiệp FDI vào một phần để tạo cạnh tranh, để doanh nghiệp tư nhân có thể lớn nhưng rút cục, họ vẫn bé mãi!
"Tại sao khu vực FDI, ta kéo vào nhưng cũng chẳng giúp tiến thêm được bao nhiêu? Khu vực trong nước, đặc biệt là khu vực tư nhân, được hô hào rất mạnh, cũng cực kỳ năng động nhưng cũng không tiến thêm được bao nhiêu" - Tiến sĩ Thiên đặt câu hỏi.
'Nhà nước giảm chi ngân sách đi, lập tức chi phí doanh nghiệp sẽ giảm đi, doanh nghiệp sẽ lớn lên'
Kết nối vấn đề doanh nghiệp tư nhân không thể lớn với những tranh luận sôi nổi gần đây về tình hình ngân sách quốc gia, ông Thiên chỉ ra một trong số những lý do trọng yếu làm nên doanh nghiệp Việt Nam "li ti" là vì 'Nhà nước cứ chi bạo tay quá'. Vị Tiến sĩ giải thích rõ:
"Tại sao lại như vậy? Chính do những rào cản. Rào cản thì chúng ta vạch ra nhiều và từ lâu lắm rồi nhưng mãi chưa giải quyết được.
Gần đây, những rào cản đều tập trung vào chuyện tăng chi phí của doanh nghiệp. Tại sao doanh nghiệp lại bị tăng chi phí? Thu của Nhà nước nhiều, huy động nhiều nên chi phí của doanh nghiệp tăng lên"
'Thu của Nhà nước nhiều, chi phí doanh nghiệp tăng lên' - Đây là một điều tất nhiên ai cũng có thể hiểu. Tuy nhiên, Tiến sĩ Trần Đình Thiên còn đi tới bản chất sâu xa của quan hệ nhân quả này chính là do con số chi ngân sách, tác nhân tạo nên một bức tranh ngân sách quốc gia xấu nhất trong 20 năm qua, theo như một bài báo gần đây.
"Lâu nay, ta cứ bàn về thu, về tăng chi phí mãi mà cũng không giải quyết được nữa. Tôi nghĩ là chúng ta cần phải bàn thêm nữa. Tôi có đề nghị là tập trung bàn về chi của Nhà nước. Nhà nước cứ giảm chi thì lập tức chi phí của doanh nghiệp sẽ giảm đi" - Tiến sĩ Thiên nói.
Theo vị Tiến sĩ, chính vì các khoản chi ngân sách hiện nay được thực hiện với một tỷ trọng chưa hợp lý: 80% chi thường xuyên, 20 - 30% chi trả nợ và chỉ còn khoảng 10% chi cho phát triển, nên khó cân đối thu, chi ngân sách. Chi không đủ nên cần tăng nguồn thu, mà tăng nguồn thu sẽ có thu từ doanh nghiệp, làm chi phí doanh nghiệp tăng lên.
Tiến sĩ Thiên nhận định: "Chừng nào chi vẫn là một động lực rất mạnh thì doanh nghiệp sẽ không lớn được!"
"Có lẽ kiến nghị của khu vực doanh nghiệp giờ đây là cứ thu đúng thì chúng tôi nộp hết, còn chi ngân sách thì phải mang ra bàn xem cái chi của ông có đúng hay không thì mới đồng ý. Chứ còn chi như thế này thì cần xem lại có giải pháp nào không, chứ nếu bảo không thì không ổn" - Ông Trần Đình Thiên kết luận.