TS. Lê Xuân Nghĩa: Xảy ra "bong bóng bất động sản" vào năm 2023 đã được dự báo từ năm 2016

17/02/2023 14:54 PM | Kinh doanh

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, một đề án trình Chính phủ năm 2016 đã dự báo đến 2023 có thể sẽ có bong bóng bất động sản và điều đó đã xảy ra, dựa trên tình trạng khủng hoảng bất động sản thừa vào năm 2012.

TS. Lê Xuân Nghĩa: Xảy ra "bong bóng bất động sản" vào năm 2023 đã được dự báo từ năm 2016 - Ảnh 1.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc “tháo gỡ khó và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững”, ông Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho biết: "Năm 2016, Bộ Xây dựng có một đề án trình Chính phủ mà chính tôi tham gia xây dựng, trong đó có dự báo đến 2023 có thể sẽ có bong bóng bất động sản và điều đó đã xảy ra. Đề án này được xây dựng trên bối cảnh chúng ta đã xảy ra một tình trạng khủng hoảng bất động sản thừa vào năm 2012".

Theo ông Nghĩa, còn tình trạng lần này chủ yếu là thiếu cung, thừa cầu. Rõ ràng, đất đai là tài nguyên quý hiếm, nhà ở là nhu cầu thiết yếu, chúng ta cần xây dựng chính sách bất động sản trên nền tảng này, không thể để các nhà đầu cơ mua gom bất động sản, mua gom tài nguyên để tích trữ, biến đó thành lợi nhuận khổng lồ trong tương lai, trong khi nhu cầu của người dân không được đáp ứng.

TS. Lê Xuân Nghĩa: Xảy ra "bong bóng bất động sản" vào năm 2023 đã được dự báo từ năm 2016 - Ảnh 2.

Ông Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia phát biểu tại Hội nghị.

Ông Nghĩa mong muốn Chính phủ tập trung vào các nền tảng bất động sản, thu gom tài nguyên trực tiếp và phát triển công nghiệp, đặc biệt công nghiệp chế biến, chế tạo.

"Chúng ta xây dựng thị trường bất động sản lành mạnh, lâu dài và phải gắn với việc phát triển công nghiệp, đặc biệt gắn với nhu cầu thiết yếu của nhân dân", ông Nghĩa nói.

Theo ông Nghĩa, về vấn đề pháp lý chiếm 70% những vướng mắc hiện nay, thực tế ngân hàng thương mại hiện nay có đầy đủ các chế tài phù hợp với quy định thực tế. Ông Nghĩa cho rằng, thị trường tài chính này quan trọng nhất là lòng tin. Các doanh nghiệp phải bỏ thói quen kinh doanh chộp giật, thiếu chuyên nghiệp, chưa có tầm quốc tế.

"Tôi cũng xin có một vài ý kiến khác, một là bỏ cơ chế nhà ở xã hội mà xây dựng một cơ chế mới cho nhà ở cho người thu nhập thấp. Thứ hai là phải đánh thuế về đầu cơ nhà ở. Thứ ba là chính quyền địa phương phải quyết định giá đền bù mặt bằng theo giá thị trường tại thời điểm đó...", ông Nghĩa kiến nghị.

Theo PV

Cùng chuyên mục
XEM