Truyền thông Nhà nước nhìn từ Fanpage văn phòng Chính phủ gia nhập ‘hội ngàn like’, Bộ Y tế ‘nói trực tiếp’ với người dân trong Covid-19

04/10/2020 08:11 AM | Kinh doanh

Covid-19 là phép thử cho truyền thông Nhà nước. Và truyền thông của Việt Nam thời Covid đã khiến thế giới bất ngờ. Một số nhà nghiên cứu đã nói vui rằng: Trong 2020, Châu Á có 2 tác phẩm âm nhạc được thế giới biết đến, một là Dynamite của BTS và hai là Ghen Cô Vy của Việt Nam...

"Có lẽ V-pop đã giải cứu thành công Việt Nam khỏi dịch bệnh" - Đài truyền hình BFM TV của Pháp đã có nhận định khá hài hước về hiệu quả truyền thông của Việt Nam trong Covid-19.

"Ghen Cô Vy" - được sáng tác bởi nhạc sỹ Khắc Hưng và thể hiện bởi ca sĩ Min và Erik - đã truyền tải thành công thông điệp "rửa tay" trong đại dịch Covid-19, sau đó trở thành hiện tượng toàn cầu, được nhiều tạp chí âm nhạc trong đó có Billboard khen ngợi.

Một số nhà nghiên cứu đã nói vui rằng: Trong 2020, Châu Á có 2 tác phẩm âm nhạc được thế giới biết đến, một là Dynamite của BTS và hai là Ghen Cô Vy của Việt Nam, ông Vũ Mạnh Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông & thi đua khen thưởng - Bộ Y tế - chia sẻ tại Hội thảo "Hướng tới hệ thống truyền thông nhà nước kiện toàn và hiện đại hậu Covid-19" do Viện Nghiên cứu Truyền thông Phát triển phối hợp với Mạng xã hội Lotus tổ chức.

Nếu họ tiếp cận trước thông tin và lên tiếng trước, tiếng nói của họ sẽ định hướng được "dòng chảy" bình luận đến sau.

Các nghệ sỹ đã có nhiều đóng góp trong công cuộc truyền thông thời dịch. Để nâng cao tinh thần chống dịch của cả nước, nhạc sỹ Minh Beta có bài hát "Việt Nam ơi, đánh bay Covid" hay Lê Thiện Hiếu với "Tiễn Covid". Để gửi lời cảm ơn và động viên tới "những người hùng thầm lặng" - các y bác sỹ trên tuyến đầu chống dịch, "Thank you" ra đời với sự tham gia của Hồ Ngọc Hà, Noo Phước Thịnh, Đông Nhi, Ngô Kiến Huy, Bùi Anh Tuấn, Bảo Anh, và 70 nghệ sỹ.

Các bài hát cổ động chỉ là một nhánh nhỏ trong chiến dịch truyền thông Nhà nước thời Covid-19.


"Người trong cuộc" kể lại công cuộc truyền thông chống dịch

Truyền thông Nhà nước nhìn từ Fanpage văn phòng Chính phủ gia nhập ‘hội ngàn like’, Bộ Y tế ‘nói trực tiếp’ với người dân trong Covid-19 - Ảnh 3.

Ông Vũ Mạnh Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông & thi đua khen thưởng - Bộ Y tế.

Ông Cường cho biết, ngay trong những ngày đầu phát hiện bệnh dịch, ngày 30/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm trưởng ban chỉ đạo.

Bốn tiểu ban sau đó được thành lập để tham mưu, giúp việc cho Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia gồm: Tiểu ban Giám sát; Tiểu ban Điều trị; Tiểu ban Truyền thông; Tiểu ban Hậu cần. Trong đó, Tiểu ban Truyền thông do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng làm Trưởng Tiểu ban; ông Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế - giữ vị trí Phó Trưởng Tiểu ban.

Chiến dịch truyền thông hoạt động theo nguyên tắc rất quan trọng mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt ra từ đầu: Công khai, Minh bạch, Không giấu dịch.

Bên cạnh việc lập nhóm Zalo với Tổng Biên tập các báo, truyền thông Bộ Y tế chủ động cung cấp thông tin trên Các kênh riêng của mình (bao gồm chuyên trang nCoV, 2 tờ báo chính thức của Bộ, các app, và một loạt kênh chính thống của Bộ trên Youtube, Zalo, Lotus, Tiktok), cung cấp thông tin cho Báo chí, cho từng Người dân, Giải đáp thắc mắc và Bác bỏ các tin sai sự thật.

"Nguyên tắc "truyền thông nguy cơ" cơ bản là truyền thông theo thời gian thực về nguy cơ sức khỏe đang diễn ra, kiến thức về nguy cơ và quan điểm của các nhà chuyên môn hướng dẫn người dân nên làm gì, trên cơ sở đó người dân tự lựa chọn cho mình hình thức phòng ngừa", ông Cường nói.

Chỉ tính riêng kênh Lotus, ông Nguyễn Thế Tân - Tổng Giám đốc VCCorp (doanh nghiệp sở hữu mạng xã hội Lotus) - cho biết trong giai đoạn cao điểm hơn 1 tháng, có 20 triệu thông tin/ngày ‘bắn’ xuống tài khoản người dùng, cao điểm lên tới 40 triệu bản tin.

Trước băn khoăn của một đại biểu cho rằng Bộ Y tế có thể làm truyền thông vì y tế gắn với đời sống hàng ngày của người dân, còn các cơ quan liên quan đến bảo vệ pháp luật như Thanh tra, Tư pháp thực hiện truyền thông liệu có gặp nhiều thách thức, ông Cường cho rằng một cơ quan khó hơn Thanh tra là Chính phủ còn có trang Facebook Thông tin Chính phủ.

"Thông tin Chính phủ làm truyền thông cực tốt trên Facebook... Chính phủ còn làm được thì Thanh tra có làm được không? tôi nghĩ chắc chắn làm được. Vấn đề là tìm được cú hích đầu tiên - xác định làm, trong quá trình làm sẽ tìm ra được phương pháp, cách thức làm việc và nội dung thế nào", ông Cường nói.

Hiện Fanpage Thông tin Chính phủ có hơn 1,1 triệu lượt Thích. Mỗi post có vài nghìn lượt Like và cả trăm lượt Share.


Facebook, Zalo, Lotus, Tiktok, nên chọn kênh nào để truyền thông?

Truyền thông Nhà nước nhìn từ Fanpage văn phòng Chính phủ gia nhập ‘hội ngàn like’, Bộ Y tế ‘nói trực tiếp’ với người dân trong Covid-19 - Ảnh 5.

Các diễn giả trong phiên thảo luận.

Với câu hỏi nên sử dụng nền tảng truyền thông nào, ông Nguyễn Thế Tân - Tổng Giám đốc VCCorp - cho rằng mỗi nền tảng có đặc trưng riêng với các ưu - nhược điểm khác nhau.

"Nguyên tắc truyền thông đơn giản là đối tượng chúng ta cần truyền thông ở đâu thì chúng ta truyền thông ở đó", ông Tân nói. "Còn làm ở đâu, làm mức độ nào, cần cân nhắc vì mỗi nền tảng có lợi thế riêng".

Ông Tân phân tích, nền tảng sở hữu lượng người dùng nhiều nhất hiện nay là Facebook. Ưu điểm là tính lan truyền tốt, nhưng tính nguy hiểm là không quản lý được comment. Trong một số trường hợp, các công ty đăng tải thông điệp và song song phải thuê người kiểm soát comment, hoặc thuê người điều hướng comment (seeder).

Nền tảng Tiktok lại không cho comment nhiều, thiên về tính vui vẻ, trẻ trung.

Trong khi đó, mạng xã hội "nhà trồng được" của VCCorp là Lotus có thể điều chỉnh để "ẩn" (hide) thông tin đến.

Ông Tân phân tích một thông tin lên mạng xã hội sẽ tiếp cận 3 nhóm người:

- Nhóm đầu tiên là Nhóm yêu quý (Fan): Nếu họ tiếp cận trước thông tin và lên tiếng trước, tiếng nói của họ sẽ định hướng được "dòng chảy" bình luận đến sau.

Truyền thông Nhà nước nhìn từ Fanpage văn phòng Chính phủ gia nhập ‘hội ngàn like’, Bộ Y tế ‘nói trực tiếp’ với người dân trong Covid-19 - Ảnh 6.

Ông Nguyễn Thế Tân - Tổng giám đốc CTCP VCCorp.

- Nhóm 2 là Nhóm tò mò: Thường là nhóm vào sau, xem rồi nói. Nếu để Nhóm tò mò vào trước, và nếu trong đó gồm một vài đối tượng 'quấy phá', thì những comment sau chỉ chạy theo tranh cãi. "Việc chạy theo chứng minh, biện bạch sẽ hỏng mất thông điệp truyền thông. Nên đẩy thông tin đến Nhóm người ủng hộ, yêu quý trước, bước thứ 2 mới đẩy đến Nhóm tò mò", ông Tân gợi ý.

- Nhóm 3: lan truyền ra xã hội rộng.

"Truyền thông bao giờ chúng ta cũng muốn phủ rộng, nhưng nếu đi từ nhóm yêu quý mình trước, sau đó mới lan truyền ra thì dòng truyền thông sẽ khác. Với nền tảng riêng của mình, do mình sử dụng và can thiệp sâu thì tính rủi ro thấp hơn", ông Tân nói.

Với nền tảng Zalo hay các mạng viễn thông, thông tin sẽ mang tính một chiều và đi theo hướng tuyên truyền cao, vì không có comment. Với những nền tảng này, gửi thông tin nhiều dễ mang lại cảm giác spam, gửi ít quá thì không hữu dụng. Cho nên việc chọn nội dung và gửi thế nào cho hợp lý rất quan trọng.

"Mỗi nền tảng đều có lợi thế, có ưu - nhược điểm riêng. Việc làm ở đâu, làm mức độ nào, cần cân nhắc", ông Tân nhấn mạnh.

5 lưu ý khi truyền thông Nhà nước:

- Theo các diễn giả, khi truyền thông Nhà nước chủ động, thông tin minh bạch sẽ đạt được kết quả tốt

- Truyền thông Nhà nước là một nguồn tư liệu, báo chí và mạng xã hội sẽ tiếp sức lan tỏa nguồn tư liệu đó

- Ngoài chức năng đưa tin, truyền thông Nhà nước còn có chức năng tương tác với người dân

- Việc xây dựng kế hoạch, chuẩn bị kỹ năng và phát triển mạng lưới truyền thông Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc truyền thông nguy cơ

- Truyền thông công khai, minh bạch cần có cơ chế theo dõi, phản hồi và tư vấn để nâng cao hiệu quả.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM