Trưởng đại diện JETRO tại TP. HCM: FDI Nhật Bản bắt đầu dịch chuyển sang các lĩnh vực phi sản xuất phục vụ tiêu dùng, như Uniqlo, Matsumoto Kiyoshi và Muji

31/12/2019 09:00 AM | Kinh doanh

Mới đây, Uniqlo đã ra mắt cửa hàng hàng mới đầu tiên tại TP. HCM, ngay sau đó Matsumoto Kiyoshi công bố thỏa thuận liên doanh với tập đoàn Lotus và Muji cũng sắp vào Việt Nam. Trong 3 quý vừa qua, tổng đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản là 2,6 tỷ USD, chỉ đứng sau Hàn Quốc với 3,3 tỷ USD…

Nhật Bản là một trong những nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm gần đây, họ hiếm khi lọt ra khỏi Top 3 trên BXH những quốc gia đầu tư FDI vào Việt Nam. Theo tiết lộ của ông Hirai Shinji – Trưởng đại diện JETRO tại TP. HCM, tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp Nhật vào Việt Nam trong 3 quý 2019 vừa qua là 2,6 tỷ USD, chỉ đứng sau Hàn Quốc với 3,3 tỷ USD.

Tuy nhiên, với sự tăng trưởng nhanh chóng của thị trường nội địa Việt Nam, các doanh nghiệp Nhật đến đây không chỉ với tâm thế xây nhà máy để sản xuất/gia công xuất khẩu, mà còn muốn bán hàng tại thị trường này.

Vì vậy, trong vài năm gần đây, theo ông Hirai Shinji, đầu tư FDI Nhật vào Việt Nam có sự nhiều sự dịch chuyển đáng kể: lĩnh vực phi sản xuất ngày càng tăng, không chỉ công ty lớn mà các doanh nghiệm SMEs cũng tham gia cuộc chơi và đầu tư dàn trải khắp Việt Nam

* Xin ông cho biết hiện tại có bao nhiêu doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư vào Việt Nam cũng như những lĩnh vực, thành phố nào có sức thu hút đầu tư lớn nhất?

Ông Hirai Shinji: Con số này phụ thuộc vào cách chúng ta tính công ty. Có khoảng 2.000 công ty đăng ký tại Phòng Thương mại Nhật Bản: 1.022 tại Thành phố Hồ Chí Minh, 727 tại Hà Nội và 131 tại Đà Nẵng tính đến tháng 4/2019.

Theo một cuộc khảo sát được thực hiện bởi một công ty nghiên cứu tư nhân Nhật Bản vào năm 2016, đã có 2.527 công ty. Vì vậy, chúng tôi ước tính có khoảng 3.000 công ty ở thời hiện tại. Còn nếu tính theo số lượng dự án FDI được phê duyệt tại Việt Nam, hiện tại có khoảng 4.000 dự án của các công ty Nhật Bản đang hoạt động.

Trong 30 năm qua, lĩnh vực sản xuất chiếm khoảng 43% dự án, nhưng thị phần của nó đang giảm dần trong những năm gần đây. Năm 2018, lĩnh vực sản xuất chỉ chiếm 25%, chiếm thị phần lớn nhất nhưng vẫn giảm ưu thế so với trước đây. Một số lĩnh vực phổ biến và đang phát triển bao gồm bán lẻ và phân phối (22%), dịch vụ tư vấn (18%) và CNTT (15%).

Đối với phân phối khu vực, TP. HCM thu hút số lượng dự án đầu tư lớn nhất với 1.247, hơn một phần ba và Hà Nội theo sau với 1.081 (25%). Còn về vốn đầu tư, tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được số vốn lớn nhất, với Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (9 tỷ USD), dự án lớn nhất cả nước. Theo sau là Hà Nội, Bình Dương, Hải Phòng và Thành phố Hồ Chí Minh.

Trưởng đại diện JETRO tại TP. HCM: FDI Nhật Bản bắt đầu dịch chuyển sang các lĩnh vực phi sản xuất phục vụ tiêu dùng, như Uniqlo, Matsumoto Kiyoshi và Muji - Ảnh 1.

Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn vẫn là dự án đầu tư lớn nhất của người Nhật cho tới thời điểm này. Ảnh: Bloomberg

* Ông có thể chia sẻ về tình hình đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam trong năm 2019 và những thay đổi so với năm 2018?

Ông Hirai Shinji: Như đã đề cập trên, hiện nay đã có sự đa dạng đầu tư, dù sản xuất vẫn chiếm ưu thế lớn nhất.

Đầu tư của Nhật Bản vẫn hoạt động trong 3 quý đầu năm 2019, với số lượng dự án FDI được phê duyệt tăng 9,6% với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tổng số tiền được duyệt để đầu tư đã giảm 61,6% do thiếu một dự án lớn trên quy mô phát triển năm ngoái của Smart City tại Hà Nội thuộc Sumitomo. Tổng vốn đầu tư trong 3 quý vừa qua là 2,6 tỷ USD, chỉ đứng sau Hàn Quốc với 3,3 tỷ USD.

Một điểm khác cần lưu ý là sự gia tăng đầu tư của Nhật Bản vào thị trường nội địa Việt Nam. Ví dụ: Công ty Nhật Marubeni Corporation vừa tiết lộ kế hoạch đầu tư vào Bà Rịa-Vũng Tàu nhằm xây dựng một nhà máy sản xuất hộp carton để phục vụ tại thị trường Việt Nam.

* Năm 2020 sắp tới đây, JETRO có những kế hoạch, chính sách gì để hỗ trợ và thúc đẩy nguồn đầu tư của Nhật vào Việt Nam?

Ông Hirai Shinji: JETRO đang lên kế hoạch tăng cường hợp tác giữa các công ty Việt Nam và các công ty Nhật Bản.

Ví dụ như việc chúng tôi đang tổ chức chương trình khuyến mãi các sản phẩm Nhật trong dự án "Japan Mall". Tại đây, chúng tôi dự định kinh doanh các sản phẩm đến từ Nhật, như: thực phẩm, mỹ phẩm, vv. Bên cạnh trung tâm mua sắm, chúng tôi còn kinh doanh trên các trang thương mại điện tử, như: Tiki, Shopee, and Lazada.

* Ông có thể chia sẻ với chúng tôi những dự án đầu tư ấn tượng của các nhà đầu tư Nhật vào thị trường Việt Nam trong vài năm qua?

Ông Hirai Shinji: Trước đây có khá nhiều dự án khá ấn tượng, đó là những dự án phát triển đô thị, như: Smart City cũng như các dự án dầu khí, như: nhà máy lọc nước Nghi Sơn. Thực tế, vẫn có vài dự án lớn khác có số vốn đầu tư lên đến hơn 1 tỷ USD, thế nhưng trước hết tôi muốn chia sẻ về 3 nhận định mà bản thân đã quan sát được gần đây:

Thứ nhất, sự đa dạng ngành. Đã có nhiều khoản đầu tư vào các lĩnh vực phi sản xuất, như bán lẻ, dịch vụ tư vấn và dịch vụ CNTT. Mới đây, Uniqlo đã ra mắt cửa hàng hàng mới, trong khi Matsumoto Kiyoshi công bố thỏa thuận liên doanh với tập đoàn Lotus và Takashimaya tổ chức lễ kỷ niệm 3 năm thành lập.

Trưởng đại diện JETRO tại TP. HCM: FDI Nhật Bản bắt đầu dịch chuyển sang các lĩnh vực phi sản xuất phục vụ tiêu dùng, như Uniqlo, Matsumoto Kiyoshi và Muji - Ảnh 2.

Uniqlo vừa chính thức khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam ở TP. HCM cách đây chưa lâu.

Uniqlo vào thị trường Việt Nam với mục đích chính là sản xuất, bên cạnh đó là phục vụ cho việc kinh doanh sản phẩm. Trước nay, Việt Nam vốn được xem là nơi để xây dựng cơ sở sản xuất, thế nhưng, bây giờ Uniqlo còn quan tâm đến việc phát triển thị trường nội địa. Không riêng Uniqlo, vào tuần trươc Matsumoto Kiyoshi cũng tuyên bố rằng họ sẽ đến Việt Nam trong năm tới. Muji cũng có động thái tương tự.

Thứ hai, là sự đa dạng quy mô của các công ty. Hiện tại, đã có rất nhiều công ty vừa và nhỏ đầu tư vào Việt Nam.

Thứ ba, là sự đa dạng vùng miền. Không chỉ TP. HCM, mà các tỉnh thành khác như Long An, Thanh Hóa, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, Hậu Giang, Bến Tre… cũng có sức thu hút đầu tư lớn đối với các công ty Nhật.

Trên thực tế, tổng số cư dân Nhật Bản tại thành phố Hồ Chí Minh đã tăng gấp đôi trong 5 năm qua, từ 6181 năm 2013 lên 11581 vào năm 2018. Và từ năm 2017 đến 2018, tốc độ tăng trưởng dân số Nhật Bản tại Hồ Chí Minh đã đạt 30,6%, lớn nhất của bất kỳ thành phố nào trên thế giới.

* Dựa theo tình hình phát triển kinh tế tại Việt Nam, đâu là lý do chính giúp Việt Nam thu hút được nhiều nguồn đầu tư từ các doanh nghiệp Nhật Bản, thưa ông?

Ông Hirai Shinji: Sức hấp dẫn của Việt Nam không chỉ nằm ở các cơ sở sản xuất mà còn nhờ vào sự phát triển của thị trường nội địa với hơn dân số đông đúc đang ngày một tăng.

Về phía sản xuất, Việt Nam có rất nhiều lao động trẻ, chăm chỉ, chất lượng cao. Mức lương tại đây đang tăng dần, nhưng vẫn trong khoảng cạnh tranh với các quốc gia khác. Ở khu vực 1, mức lương tối thiểu khoảng 183 USD/tháng, xấp xỉ Campuchia. Tại khu vực 2,3,4, mức lương tối thiếu thậm chí còn thấp hơn so với Campuchia.

Về phía tiêu dùng, Việt Nam hấp dẫn bởi sự tăng trưởng nhanh, khoảng 7% mỗi năm. So với Campuchia, ở cùng mức lương nhưng thị trường nội địa tại Việt Nam lớn hơn rất nhiều.

Tổng GDP của Việt Nam hiện nay chỉ hơn 200 tỷ USD, ít hơn so với Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Philippines, nhưng nếu tiếp tục tăng trưởng với tốc độ này, GDP có thể tăng gấp đôi trong 10 năm tới. Mặt khác, tình hình chính trị tại Việt Nam khá ổn định. Quốc gia này cũng hiếm khi có thiên tai.

Chỉ có một vấn đề, là ở Việt Nam là vấn đề cung ứng vật liệu, máy móc. Tại Trung Quốc, 66% nguyên liệu và phụ tùng có sẵn trong nước, nhưng tại Việt Nam, chỉ có 36,3%. Đây thực sự là một thách thức, vì các công ty đầu tư vào Việt Nam phải mua vật liệu và máy móc từ Nhật Bản hoặc các quốc gia khác. Về mặt này, Việt Nam tương tự như Malaysia, tốt hơn Philippines và thấp hơn Indonesia một chút.

* Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản chọn Việt Nam để xây dựng cơ sở sản xuất, ông có thể chia sẻ thêm thông tin cũng như nhận định của ông về hiện tượng này?

Ông Hirai Shinji: Như tôi đã nói ở trên, hiện tại, Việt Nam đang sở hữu lực lượng lớn các lao động trẻ, chất lượng cao với mức lương cạnh tranh, hấp dẫn các doanh nghiệp. Tôi sẽ làm rõ điều này bằng một vài ví dụ.

Sharp đã công bố rằng họ có kế hoạch đầu tư vào tỉnh Bình Dương nhằm sản xuất máy lọc không khí, màn hình cũng như các thiết bị điện tử khác. Máy lọc không khí của Sharp rất phổ biến tại Việt Nam, bạn có thể dễ dàng tìm thấy sản phẩm của họ tại các siêu thị điện máy lớn như Nguyễn Kim.

Trưởng đại diện JETRO tại TP. HCM: FDI Nhật Bản bắt đầu dịch chuyển sang các lĩnh vực phi sản xuất phục vụ tiêu dùng, như Uniqlo, Matsumoto Kiyoshi và Muji - Ảnh 3.

Bên trong nhà máy Daikin ở Hưng Yên.

Hay Daikin đã xây dựng nhà máy thông minh và hiện đại nhất của mình ở Hưng Yên. Daikin bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ tháng 5/2018. Daikin dự kiến sẽ góp phần vào công tác bảo tồn năng lượng và sức khỏe cộng đồng, như điều hòa không khí tiết kiệm năng lượng và thanh lọc không khí, vì ngày càng nhiều người ở Việt Nam mua máy lọc không khí.

Daikin cũng đang cố gắng thực hiện một số điều chỉnh để phù hợp với khí hậu và văn hóa Việt Nam, ví dụ, vì Việt Nam có khí hậu nóng, ẩm nên họ cung cấp các sản phẩm cải thiện không khí hay họ cũng cải thiện sản phẩm cho phù hợp với cấu trúc xây dựng nhà tại Việt Nam (sâu và hẹp hơn so với nhà ở Nhật Bản).

Không chỉ TP. HCM, nhiều tỉnh thành khác đang ngày càng có sức hút với các doanh nghiệp Nhật Bản. Trong lần ghé thăm An Giang, tôi đã có những ấn tượng đặc biệt. Người dân ở đây rất vui vẻ. Buổi tối, nhiều bạn trẻ thích gặp nhau tại Sông Lớn. Họ còn có một siêu thị lớn nữa (Vinmart). Tiêu thụ địa phương cũng rất tốt.

Toyota đã khai trương cửa hàng mới tại An Giang với hy vọng người dân địa phương có đủ khả năng để mua ô tô Toyota. Và kết quả là tổng doanh thu của họ đã tăng. Toyota không chỉ bán xe ở các thành phố lớn như Hà Nội, HCM mà còn ở các địa phương khác.

Tôi hy vọng, ngày càng nhiều công ty Nhật chú ý đến sự phát triển của các tỉnh, thành, địa phương khác nhau.

* Các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam không chỉ mang đến nguồn vốn, việc làm, công nghệ hiện đại mà còn quản lý tài nguyên và cách thức sản xuất mới. Chính phủ và các doanh nghiệp Việt đã chuẩn bị như thế nào để có thể học hỏi những kiến thức mới này nhằm nâng cao chất lượng sản xuất tại Việt Nam?

Ông Hirai Shinji: Các công ty Nhật phát triển công nghệ cùng với người Việt. Ban đầu, các công ty Nhật đã gặp rất nhiều khó khăn khi họ đến đầu tư tại Việt Nam, bởi chuyển giao công nghệ là một vấn đề không hề đơn giản. Do đó, trước tiên, họ đã đào những nhân viên người Việt, sau đó mới thực hiện sản xuất. Thế nhưng, đây chỉ là một phần vấn đề. Mỗi năm, các doanh nghiệp Nhật Bản đều phải đối mặt với những thách thức mới.

Cần có thời gian để hiểu được công nghệ, và công nghệ, chỉ được chuyển giao giữa người với người. Sau nhiều quan sát, chúng tôi nhận thấy rằng, người Nhật và người Việt đã đồng hành, phát triển cùng nhau. Không dễ để học được những công nghệ tiên tiến của các công ty Nhật, nhưng người Việt rất kiên nhẫn, họ làm việc cho một công ty Nhật đến 5 - 10 năm mới chuyển công ty.

* Cảm ơn ông!

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM