Trước ý kiến về SGK lớp 1 quá nặng và nhanh, GS Hà Huy Khoái đưa ra quan điểm về chuyện "ăn-học" cực hay, càng đọc càng thấm

04/10/2020 20:08 PM | Sống

“Giảm tải” thế nào? Không phải giảm từ một tháng 15 cân khoai xuống còn 10 cân sắn. Phải thay một cân khoai bằng 2 lạng thịt, 8 lạng hoa quả; thay 3 bài tập bằng một trò chơi; lớn hơn thì bằng cái gì đó có ích.

Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Và ngay khi tiếng trống khai giảng bắt đầu đã có hàng loạt ý kiến trái chiều được đưa ra trước nội dung của 5 bộ SGK lớp 1.

Đông đảo phụ huynh và những người quan tâm đến giáo dục bàn luận sôi nổi và bày tỏ hoang mang khi cho rằng chương trình học quá nhanh và nặng. Sau 1 tháng học, chủ đề này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trên khắp các diễn đàn.

Tạm gác lại luồng ý kiến trái chiều này, chúng tôi xin chia sẻ quan điểm vô cùng sâu sắc về chuyện "ăn và học" của GS Hà Huy Khoái (Nguyên Viện trưởng Viện Toán học).

Nguyên văn nội dung như sau:

 Trước ý kiến về SGK lớp 1 quá nặng và nhanh, GS Hà Huy Khoái đưa ra quan điểm về chuyện ăn-học cực hay, càng đọc càng thấm  - Ảnh 1.

Giữa ĂN và HỌC có nhiều cái chung. Nhưng đối xử với ĂN và HỌC lại có nhiều cái khác.

+ Vì sao trẻ con chán ăn: Vì bố mẹ biết là bổ dưỡng đấy, cố nhồi vào. Muốn nó không chán, phải làm cho nó thích.

Vì sao học trò chán học: Vì thầy cô biết là kiến thức cần thiết đấy, cố nhồi vào. Muốn nó không chán, phải làm cho nó thích.

+ Hồi xưa chỉ ăn rau ăn cháo, ăn độn ăn khoai. Sách thì chỉ vài ba cuốn, giấy đen thui. Vậy mà lớn lên vẫn khoẻ mạnh. Có khi còn giỏi nữa.

Ngày nay ai cũng muốn con cái được ăn thịt cá, uống sữa, ăn hoa ăn quả. Vậy nhưng sách thì vẫn muốn như… “ngày xưa tôi đi học”. Có lạ không?

+ Trẻ em ăn độn khoai, độn sắn nhiều thì dạ dày có nguy cơ quá tải.

Trẻ em làm bài tập khó nhiều thì đầu óc có nguy cơ quá tải.

 Trước ý kiến về SGK lớp 1 quá nặng và nhanh, GS Hà Huy Khoái đưa ra quan điểm về chuyện ăn-học cực hay, càng đọc càng thấm  - Ảnh 2.

“Giảm tải” thế nào? Không phải giảm từ một tháng 15 cân khoai xuống còn 10 cân sắn. Phải thay một cân khoai bằng 2 lạng thịt, 8 lạng hoa quả; thay 3 bài tập bằng một trò chơi; lớn hơn thì bằng cái gì đó có ích. Nên nhớ ngày xưa ta không được uống sữa nên ngày nay mà uống là… Tào Tháo đuổi ngay. Trẻ em uống sữa được đấy, đừng lo cho chúng quá!

Bọn trẻ mấy nước phát triển được ăn nhiều mà vẫn nhẹ bụng, học nhiều mà vẫn nhẹ đầu, là thế đó. Vậy nên chớ lo sách nó dày quá, vấn đề là trong đó nhiều khoai sắn hay hoa quả.

Làm chương trình giáo dục, “yêu cầu cần đạt” thì cũng như nghiên cứu xem trẻ mấy tuổi thì cần bao nhiêu chất này, chất nọ, chất kia.

Viết sách giáo khoa thì cũng như đi chợ mua cho đủ thịt cá, hoa quả... rồi chia thành từng bữa sao cho đủ chất như quy định, mà trẻ tiêu hoá được dần dần. Cũng phải dạy cách nấu thành món nữa.

Có đủ các thứ rồi, có sách dạy nấu ăn rồi mà gặp đầu bếp đoảng thì cũng hỏng. Ăn thế nào được, mà trẻ có ăn vào chắc cũng không phát triển tốt. Phải có người nấu ăn giỏi, như thầy cô dạy giỏi ấy, thì mới được.

Thành thử, nói cho cùng thì đội ngũ đầu bếp là quan trọng nhất. Không nâng cao tay nghề được cho đội này thì muốn cải cách gì cũng hỏng.

Vậy nên, ngoài việc các nhà quản lý giáo dục, các thầy cô giáo phải học những thứ rất cần thiết như chính trị cao cấp, cũng nên bắt học qua lớp đào tạo nấu ăn.

Hiểu được “triết lý nấu ăn”, thế nào cũng thông “triết lý giáo dục”.

Hà Huy Khoái là Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học ngành toán học của Việt Nam, cựu Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, nguyên Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học các nước thế giới thứ ba. Lĩnh vực ông nghiên cứu chủ yếu là Lý thuyết Nevanlinna (p-adic và phức), không gian Hyperbolic, xấp xỉ Diophantine và các L-hàm.

Ông được phong chức danh Phó giáo sư năm 1984 và Giáo sư năm 1991.

Ngoài các công trình về toán học, ông viết nhiều bài về khoa học, giáo dục, văn hoá. Ông còn thường xuyên tham gia ôn luyện cho đội tuyển thi Olympic toán học quốc tế dành cho học sinh phổ thông của Việt Nam. Đến nay, tuy ông đã không tham gia quản lý song vẫn rất tâm huyết với toán học Việt Nam.


Hoàng Hà

Cùng chuyên mục
XEM